Dự kiến từ 2028, tất cả các cửa khẩu, lối mở chỉ cho phép làm thủ tục xuất khẩu sang Trung Quốc những mặt hàng đã vào được Trung Quốc qua cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính.
Thúc đẩy hàng hoá theo con đường “chính ngạch”
Bộ Công Thương vừa đưa ra dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 14/2018 về hoạt động thương mại biên giới để lấy ý kiến các bộ ngành.
>>Chuyển xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch
Trong tờ trình gửi Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi Nghị định số 14/2018 về hoạt động thương mại biên giới, Bộ Công Thương nêu rõ, thời gian gần đây Trung Quốc có rất nhiều thay đổi về mặt kiểm soát đối với hàng hóa nhập khẩu, yêu cầu cao về chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, đóng gói bao bì. Chính vì vậy, phương thức xuất khẩu tiểu ngạch ngày càng bấp bênh, không bền vững.
Hiện nay, nhiều nông sản Việt Nam như thịt heo, một số loại trái cây dù chưa được nhập khẩu chính thức vào Trung Quốc có thể vào theo hình thức trao đổi cư dân. Hầu hết các loại mặt hàng này chưa đáp ứng được tiêu chuẩn của Trung Quốc như không có mã số vùng trồng, mã số doanh nghiệp và chủ yếu tiêu thụ tại các chợ biên giới bên phía Trung Quốc…Đáng chú ý, để tận dụng ưu đãi thuế một số mặt hàng Việt Nam xuất khẩu chính thức vào Trung Quốc như sắn, trái vải đã chuyển sang đường tiểu ngạch.
Nhằm thúc đẩy thương mại biên giới chuyển dần từ tiểu ngạch sang chính ngạch, Bộ Công Thương đã đưa ra dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung nghị định 14/2018 về hoạt động thương mại biên giới, nhằm thu hẹp hình thức xuất khẩu tiểu ngạch, vừa tạo động lực để doanh nghiệp thực hiện việc chuyển đổi vừa đáp ứng được yêu cầu của phía thị trường Trung Quốc.
Xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc sẽ bị siết chặt?
Theo dự thảo lộ trình, từ ngày 1/1/2025, hàng xuất theo phương thức trao đổi cư dân biên giới (tiểu ngạch) sẽ bị giảm dần số lần, số tiền được miễn thuế. Hàng xuất khẩu tiểu ngạch phải đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng, quy định về truy xuất nguồn gốc. Chỉ cư dân khu vực biên giới mới được phép xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân và phải có mặt trực tiếp làm thủ tục xuất cảnh.
Bộ Công Thương cũng đề xuất sửa đổi quy định từ 1/1/2026 hàng xuất khẩu vào Trung Quốc theo chính ngạch được phép làm thủ tục xuất khẩu tại cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương) và các cửa khẩu phụ, lối mở đạt thỏa thuận song phương về xuất nhập khẩu, trao đổi hàng hóa.
Từ 1/1/2027, dừng toàn bộ hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tại tất cả các cửa khẩu, lối mở biên giới chưa đạt được thoả thuận song phương về việc mở cửa khẩu, lối mở biên giới.
Từ 1/1/2028, tất cả các cửa khẩu, lối mở chỉ cho phép làm thủ tục xuất khẩu sang Trung Quốc những mặt hàng đã vào được Trung Quốc qua cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính.
Mục tiêu Nghị định sửa đổi nhằm giải quyết khó khăn trong thực tiễn; đưa hoạt động trao đổi, mua bán hàng hóa của cư dân biên giới về đúng bản chất của trao đổi cư dân; thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa theo hình thức thương mại chính ngạch, khắc phục tình trạng ùn tắc tại các cửa khẩu biên giới.
Doanh nghiệp cần làm gì để chuyển đổi?
Trong chiến lược phát triển xuất khẩu, Trung Quốc luôn được xác định là thị trường có lợi thế địa lý gần. Các đàm phán thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc đang mở cửa rất thuận lợi cho vận chuyển đường biển và đường bộ. Đặc biệt, từ ngày 19/1/2023, ga Kép, huyện Lạng Giang, Bắc Giang đã được Bộ Giao thông vận tải cho phép tạm thời khai thác hoạt động liên vận quốc tế, giúp giảm tải cho ga Gia Lâm, tạo điều kiện để nông sản Việt Nam tiếp cận vào thị trường này.
Theo nhiều chuyên gia nhận định, để chuyển đổi sang xuất khẩu chính ngạch, các doanh nghiệp Việt cần phải thay đổi trong tư duy, chủ động tìm hiểu và đáp ứng được những yêu cầu của thị trường Trung Quốc. Những quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc… hiện nay được Trung Quốc kiểm soát chặt. Vì vậy doanh nghiệp cần cần có sự đầu tư nghiêm túc về vùng trồng đạt tiêu chuẩn để được cấp mã số, cơ sở đóng gói, tem truy xuất...Cùng với đó, cần có chiến lược xây dựng thương hiệu chuyên nghiệp, nghiên cứu kỹ xu thế của thị trường và thúc đẩy khai thác thông qua hình thức thương mại điện tử.
Các doanh nghiệp xuất khẩu cần phải đa dạng hóa các loại hình vận tải; giảm sự tập trung vào một thị trường truyền thống; tăng cường hoạt động chế biến sâu và bảo quản lạnh ngay từ trong nội địa; cải thiện hệ thống logsitics, đặc biệt của các tỉnh biên giới. Để hoạt động xuất khẩu trong lĩnh vực nông nghiệp tăng trưởng bền vững, cần có sự kết nối giữa doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp lưu thông, xuất khẩu thành một chuỗi sản xuất kinh doanh, nghiên cứu dự đoán chính xác tín hiệu thị trường từ đó xây dựng chiến lược vùng sản xuất quy mô lớn, vùng nuôi trồng chuyên canh tập trung.
Các ban ngành, địa phương cần có chính sách kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng đầu tư, tiếp cận nguồn vốn, khoa học công nghệ; phát triển các vùng sản xuất tập trung và gắn với lợi thế về cơ sở hạ tầng, giảm chi phí logistics.
Có thể bạn quan tâm
Đại Dương: Hành trình giúp khách hàng chuyển từ nhập khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch
11:19, 03/04/2023
Doanh nghiệp đề xuất xuất khẩu chính ngạch sứa sang Trung Quốc
13:00, 10/03/2023
Xuất khẩu hàng nông sản chính ngạch bằng đường sắt liên vận quốc tế
21:20, 11/10/2022
Lâm Đồng xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc
15:33, 24/09/2022
Chuyển xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch
17:04, 07/06/2022