Cá tra là loại thủy sản có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu số 1 hiện nay, nhưng bức tranh sáng này cũng tiềm ẩn bất ổn...
Vẫn giữ thế độc tôn
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP),Xuất khẩu cá tra năm 2018 tăng cả về lượng lẫn giá trị. Dự báo kim ngạch cá tra xuất khẩu sẽ đạt khoảng 2,1 - 2,2 tỷ USD, tăng khoảng 300 – 400 triệu USD so với năm 2017 (1,78 tỷ USD). Trong 10 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu loại thủy sản này đã đạt 1,8 tỉ đô la Mỹ, tăng 24% so với cùng kỳ. Đây cũng là loại thủy sản có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao nhất trong khoảng thời gian này. Cụ thể, xuất khẩu tôm đạt gần 3 tỉ đô la Mỹ, giảm 5,7%; cá ngừ đạt trên 535 triệu đô la Mỹ, tăng 9,9%; nhuyễn thể đạt 619 triệu đô la Mỹ, tăng 2,3% và các loại thủy sản khác đạt gần 1,2 tỉ đô la Mỹ, tăng 8,9%.
Ngành cá tra phục hồi mạnh mẽ đã giúp không ít doanh nghiệp, nhà máy chế biến xuất khẩu thu được những kết quả ấn tượng.
Ông Nguyễn Văn Kịch, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP thủy sản CAFATEX (Cần Thơ), cho biết, sau rất nhiều năm khó khăn, tình hình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cá tra hiện nay rất tốt. Cái khó hiện nay của nhiều doanh nghiệp là không có nguyên liệu để sản xuất. Chính vì vậy các nhà nhập khẩu muốn có hàng để bán phải đặt cọc trước để nhà máy sản xuất. Sản phẩm cá tra của chúng ta hiện nay rất dễ bán, hoàn toàn khác với thực trạng cách đây mấy năm tiêu thụ khó khăn, doanh nghiệp cạnh tranh phá giá lẫn nhau. Báo cáo mới đây của Bộ Công thương cho biết, một số doanh nghiệp phải từ chối đơn hàng vì nguyên liệu khan hiếm.
Theo ông Kịch, năm 2015, sản lượng cá tra tăng “nóng” đạt tới 1,8 triệu tấn cung vượt cầu nên cả ngành lỗ nặng. Từ đó diện tích nuôi và sản lượng giảm mạnh nên giờ giá tăng trở lại. Về góc độ thị trường, hiện sản lượng các loại cá thịt trắng khai thác cùng phân khúc giảm. Do đó các nhà nhập khẩu tìm đến chúng ta nhiều hơn, nhu cầu tiêu thụ tăng kéo giá tăng. “Tôi cho rằng giá cá tra sẽ duy trì trong khoảng 30.000 - 37.000 đồng/kg đến hết năm 2019”, ông Kịch dự báo.
Được biết, hiện, sản lượng cá tra của Việt Nam hiện chỉ còn khoảng 52% tổng nguồn cung toàn cầu. Việt Nam dù vẫn chiếm sản lượng áp đảo nhưng so với những năm trước ngành này ngày càng phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ “mới nổi”. Nhưng ngành cá tra “non trẻ” của các nước trong khu vực khó cạnh tranh với ngành cá tra đã “trưởng thành” của Việt Nam từ nuôi trồng đến chế biến. Ông Kịch phân tích: Họ đã nuôi nhiều năm rồi nhưng chủ yếu chỉ tiêu thụ nội địa, xuất khẩu rất ít vì khó cạnh tranh về giá và chất lượng với cá tra Việt Nam. Chúng ta có lợi thế tự nhiên là dòng sông Mê Kông đổ ra biển, là điều kiện tự nhiên tuyệt vời để phát triển nghề nuôi cá tra mà không nơi nào có được. Cùng là cá nuôi nhưng Việt Nam nuôi không có mùi tanh và màu trắng rất đẹp trong khi các nước cá có mùi tanh và thịt vàng.
Vẫn còn những khoảng tối
Tuy được đánh giá có nhiều "điểm sáng" nhưng ngành cá tra Việt vẫn còn những những "điểm tối".
Có thể kể đến câu chuyện cung - cầu đã trở thành vòng lẩn quẩn rất khó để kiểm soát của ngành cá tra. Việc giá cá tra nguyên liệu tăng cao trong suốt thời gian dài kích thích nông dân tăng diện tích và hiện tượng này đang diễn ra đặt ngành cá tra trước nguy cơ thừa cung cũng đang gây quan ngại.
Có thể bạn quan tâm
02:34, 20/11/2018
02:34, 15/11/2018
11:23, 13/11/2018
02:24, 12/11/2018
Về vấn đề này, ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam (VINAPA) đề xuất, về phía quản lý nhà nước, cần đưa ra những tiêu chí ràng buộc khu vực nuôi nhằm quản lý về mặt sản lượng. “Muốn nuôi phải đáp ứng được điều kiện là phải có hệ thống xử lý nước thải, chẳng hạn vậy”, ông Quốc nói.
Về phía ngân hàng, ông Quốc đề xuất chỉ nên khuyến khích cho vay theo mô hình chuỗi liên kết, hạn chế cho vay tự phát bên ngoài. “Ví dụ, chỉ cho doanh nghiệp và nông dân vay khi có tham gia liên kết chuỗi nhằm hạn chế nuôi tự phát, có thể dẫn đến mất kiểm soát nguồn cung”, ông nói.
Còn theo bà Trương Thị Lệ Khanh, các cơ quan nhà nước cần có quy hoạch hợp lý vùng nuôi cá tra và các loài khác, có cơ sở dữ liệu thống kê sản lượng nuôi và có dự báo cho người dân và doanh nghiệp. Các khâu trong chuỗi giá trị nuôi cá tra cần ngồi lại với nhau để xây dựng chiến lược và hình ảnh cá tra VN độc đáo, khác biệt với các nước. Từ đó xây dựng mức giá hợp lý để chuỗi phát triển bền vững, phù hợp với sự chịu đựng của thị trường trong tương quan với các loài cá thịt trắng khác cũng như sự tham gia sản xuất cá tra của các nước trong khu vực”.
Bên cạnh đó, theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep), một số doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Trung Quốc đang có xu hướng chuyển sang đầu tư nuôi cá tra tại Trung Quốc và tính toán cho hoạt động xuất nhập khẩu cá tra trong tương lai. Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khiến cá rô phi Trung Quốc bị "thất thế" nặng nề trên thị trường xuất khẩu lớn Mỹ, do vậy các công ty Trung Quốc đang nỗ lực chuyển hướng sang nuôi cá tra.
"Điều mà các doanh nghiệp Trung Quốc đang lo lắng là chất lượng thịt cá tra nuôi tại Trung Quốc thấp hơn nhiều so với Việt Nam và thịt cá tra có màu vàng. Những động thái đầu tư nuôi cá tra cộng với những tính toán khó lường trong hoạt động nhập khẩu cá tra từ Việt Nam cũng là điều mà doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam nên cân nhắc", Vasep cảnh báo.
Theo ông Trương Đình Hoè, Tổng thư ký Vasep, thực tế sản lượng cá tra năm nay không được dồi dào như những năm trước là do khan hiếm cá giống, tỷ lệ cá giống có thể sinh trưởng bình thường thấp hơn so với mọi năm, dù người dân có bị kích thích bởi giá cá tăng mạnh từ đầu năm nhưng sản lượng cá nguyên liệu vẫn không thể gia tăng được. Chính vì vậy, giá cá trên thị trường vẫn giữ ở mức cao trong suốt thời gian dài, không như các năm trước.
"Diễn biến sản lượng cá nguyên liệu trong năm nay cùng với tình hình cá giống như hiện nay nên chưa thể có nhiều cá nguyên liệu trong giai đoạn cuối năm cũng như quý II/2019. Phải chờ Chương trình giống 3 cấp Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa mới khởi động, sau đó mới cân đối lại lượng cá giống có chất lượng đưa ra thị trường ổn định", ông Hoè nhấn mạnh.
Chính vì vậy, giá cá tra sẽ vẫn ở mức cao và người dân phải làm sao có thể tiếp cận được nguồn cá giống đảm bảo tỷ lệ sinh trưởng và chất lượng an toàn. Nếu không có được nguồn giống tốt, ổn định tỷ lệ hao hụt cao sẽ ảnh hưởng đến thời vụ và sản lượng của người nuôi cá. "Thị trường cá tra nguyên liệu được dự báo sẽ tiếp tục đứng ở mức cao như hiện nay cho đến tháng 4 hoặc tháng 5/2019", ông Hoè khẳng định.