Những nỗ lực của Trung Quốc nhằm ổn định dân số đang giảm và duy trì tăng trưởng kinh tế dường như đang thất bại.
Tình trạng suy giảm dân số đang trở thành một vấn đề khẩn cấp quốc gia của Trung Quốc, đến mức chính quyền phải làm nhiều cách để thúc đẩy tỷ lệ sinh con, như nhà ở rẻ hơn, ưu đãi về thuế.... Từ năm 2015, Trung Quốc tuyên bố tất cả các cặp vợ chồng đều được phép sinh hai con. Đến năm 2021, nước này còn cho phép các cặp vợ chồng sinh ba con.
>>Kinh tế Trung Quốc giảm phát kéo dài, điều gì đang diễn ra?
Thế nhưng, nỗ lực đó dường như chưa phát huy tác dụng. Phụ nữ Trung Quốc đang tránh kết hôn và sinh con với tốc độ nhanh đến mức dân số Trung Quốc vào năm 2023 đã giảm trong năm thứ hai liên tiếp, làm tăng thêm gánh nặng lo ngại về tương lai kinh tế của đất nước này.
Trung Quốc hôm 16/1 cho biết có 9,02 triệu trẻ sơ sinh được sinh ra vào năm 2023, giảm so với mức 9,56 triệu vào năm 2022 và là năm thứ bảy liên tiếp con số này giảm. Cộng với số người qua đời – khoảng 11,1 triệu - Trung Quốc đang có nhiều người già hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới và con số này đang tăng lên nhanh chóng. Tổng dân số Trung Quốc là 1.409.670.000 vào cuối năm 2023, theo Cục Thống kê Quốc gia.
Cai Fang, một chuyên gia tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, một tổ chức nghiên cứu nhà nước, mô tả sự suy giảm dân số là “bình thường mới”, nói rằng con số này đạt đỉnh điểm vào năm 2021.
Ý nghĩa của xu hướng này là Trung Quốc có thể cạn kiệt lực lượng lao động trong độ tuổi cần thiết để thúc đẩy nền kinh tế. Không chỉ mất đi năng lượng cho cỗ máy kinh tế, cuộc khủng hoảng nhân khẩu học còn gây thêm căng thẳng cho các hệ thống lương hưu và chăm sóc sức khỏe yếu kém và thiếu vốn.
Cơ quan xếp hạng Moody's cho biết trong một báo cáo năm ngoái: “Nguồn cung cấp lao động và năng suất giảm, cùng với chi tiêu xã hội và chăm sóc sức khỏe tăng lên có thể dẫn đến thâm hụt tài chính rộng hơn và gánh nặng nợ cao hơn đối với Trung Quốc trong dài hạn”.
Các chuyên gia chỉ ra sự thất bại này cũng tới từ một vấn đề xã hội: bất bình đẳng giới sâu sắc chưa được giải quyết. Rashelle Chen, một chuyên gia truyền thông xã hội đến từ tỉnh Quảng Đông, cho biết: “Phụ nữ vẫn chưa cảm thấy đủ chắc chắn để có con ở đất nước chúng tôi. Có vẻ như chính sách sinh đẻ của chính phủ chỉ nhằm mục đích sinh con chứ không bảo vệ người sinh con. Nó không bảo vệ quyền và lợi ích của phụ nữ”.
Theo đó, chính phủ Trung Quốc thiếu các nỗ lực giải quyết một thực tế đã định hình quan điểm của phụ nữ về việc nuôi dạy con cái: sự bất bình đẳng giới tính sâu sắc. Những luật nhằm bảo vệ phụ nữ và tài sản của họ cũng như đảm bảo họ được đối xử bình đẳng chưa phát huy hiệu quả. Điển hình như nhiều trường hợp xin ly hôn không được giải quyết dù người phụ nữ bị cho là chịu nhiều áp bức về thể xác hay tâm lý.
Wang Feng, chuyên gia về nhân khẩu học Trung Quốc tại Đại học California, Irvine, cho biết việc dân số giảm nhanh chóng cho thấy “dấu chân của Covid-19”. Số ca tử vong được báo cáo vào năm ngoái cao hơn gần 600.000 so với năm 2022, vượt quá mức tăng hơn 200.000 trường hợp trong khoảng thời gian từ năm 2021 đến năm 2022. “Rất có thể số ca tử vong tăng nhanh đến từ sự kết thúc hỗn loạn của zero-Covid, dẫn đến nhiều cái chết quá mức,” ông nói.
Dù vậy, các chuyên gia dự báo trong năm 2024, tỷ lệ sinh của người Trung Quốc sẽ được cải thiện. Nhưng khi các thách thức thực tế vẫn đang trước mắt, ý nghĩa tâm linh này khó có khả năng thay đổi suy nghĩ của người trẻ nơi đây.
>>Quốc gia nào "soán ngôi" Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ?
Wang nói: “Với triển vọng kinh tế u ám và sự bi quan trong giới trẻ, tôi nghi ngờ rằng chúng ta sẽ chứng kiến sự phục hồi đáng chú ý trong năm nay”.
Sự thiếu hụt về dân số còn thách thức mục tiêu của Chủ tịch Tập Cận Bình muốn chuyển đổi nền kinh tế Trung Quốc sang hướng tiêu dùng nhiều hơn. Trong 2 năm qua, kỷ nguyên tăng trưởng hai con số trong lĩnh vực bán lẻ của Trung Quốc dường như đã kết thúc. Doanh số bán lẻ hàng hóa trong quý 3 chỉ tăng 3% vào năm 2023, trong khi doanh số bán lẻ ở lễ hội mua sắm 11/11 chỉ tăng 2% so với năm trước.
Doanh số bán lẻ trong tháng 12/2023 tăng 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn so với kỳ vọng của các nhà phân tích là tăng trưởng 8% và 10% trong tháng 11, trong khi sản lượng công nghiệp trong tháng 12 tăng 6,8% so với một năm trước đó, cao hơn kỳ vọng là 6,6%.
Các chuyên gia cho biết vẫn còn nhiều rủi ro trên thị trường tài chính, lĩnh vực bất động sản và nợ chính quyền địa phương, cộng với khủng hoảng nhân khẩu học sẽ làm suy yếu tâm lý nhà đầu tư.
Năm ngoái, khoảng 90% dòng vốn nước ngoài đổ vào thị trường chứng khoán Trung Quốc đã bị rút ra, do nghi ngờ ngày càng tăng về việc Bắc Kinh sẵn sàng thực hiện các biện pháp quy mô lớn hơn để thúc đẩy tăng trưởng, cũng như siết chặt các hoạt động đầu tư của nước ngoài khi căng thẳng địa chính trị với phương Tây ngày càng gia tăng.
Có thể bạn quan tâm
Nhiều nhà đầu tư Nhật Bản "quay lưng" với kinh tế Trung Quốc
04:00, 17/01/2024
"Cơn gió ngược" với giao thương Trung Quốc- Hàn Quốc
03:00, 17/01/2024
Toan tính của các quốc gia Trung Đông khi đầu tư vào Trung Quốc
03:00, 16/01/2024
Trung Quốc “chuyển hướng” nền kinh tế
02:30, 14/01/2024
Hé lộ cách hoá giải căng thẳng giữa Trung Quốc với Mỹ và EU
03:30, 13/01/2024
2 lực đẩy kinh tế Trung Quốc năm 2024
03:00, 12/01/2024