Để hoàn thành các chỉ tiêu đề ra, thúc đẩy tăng trưởng những tháng cuối năm 2023, theo chuyên gia, kích cầu tiêu dùng được cho là chính sách nhanh nhất, hiệu quả nhất…
>> Động lực tăng trưởng kinh tế cuối năm 2023
Theo đó, dù tốc độ tăng trưởng GDP quý II/2023 đã khởi sắc hơn, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, kể từ khi thoát khỏi tình trạng suy thoái năm 2008 do hệ lụy từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, chưa bao giờ, kinh tế Việt Nam lại phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay.
Thực tế cho thấy, tốc độ tăng trưởng GDP quý II năm nay là thấp nhất kể từ năm 2011 (ngoại trừ quý II/2020 - thời điểm Việt Nam và cả thế giới phải gồng mình chống COVID-19), trong đó, nguyên nhân chính là do sức cầu, bao gồm cầu xuất khẩu, cầu tiêu dùng lẫn cầu đầu tư quá yếu.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong 6 tháng qua giảm trên 12%, đặc biệt, cả 5 nhóm hàng xuất khẩu chủ lực, sử dụng nhiều lao động, là trụ cột của hoạt động xuất khẩu (gồm điện thoại, điện tử, dệt may, giày dép, máy móc - thiết bị) tiếp tục đà lao dốc với kim ngạch xuất khẩu giảm từ 15% đến 18% trong nửa đầu năm nay.
Trước thực tế đã nêu, theo các chuyên gia, với xu hướng xuất khẩu giảm, động lực tăng trưởng kinh tế cần dựa vào trụ cột bên trong như tiêu dùng nội địa, cải thiện môi trường để tăng đầu tư tư nhân, thúc đẩy đầu tư công.
>>Năm giải pháp “về đích” mục tiêu tăng trưởng
Theo TS. Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, tổng cầu của nền kinh tế bao gồm 3 thành phần: tiêu dùng cuối cùng; đầu tư; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ. Tiêu dùng cuối cùng là việc sử dụng hàng hoá và dịch vụ để thỏa mãn nhu cầu cuối cùng của gia đình (chủ yếu do hộ gia đình chi tiền) và xã hội (do Chính phủ chi) trong một thời kỳ nhất định, bao gồm tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình và tiêu dùng cuối cùng của Nhà nước.
“Tổng cầu tiêu dùng chiếm tỷ trọng lớn nhất, trên 70% trong cơ cấu GDP; trong đó, tiêu dùng của dân cư khoảng 90% tổng cầu tiêu dùng. Vì vậy, chính sách kích cầu nhằm đẩy mạnh chi tiêu của người dân sẽ là giải pháp nhanh nhất, hiệu quả nhất thúc đẩy tăng trưởng và tháo gỡ khó khăn về đầu ra cho doanh nghiệp”, TS. Nguyễn Bích Lâm chia sẻ.
TS. Nguyễn Bích Lâm cho rằng, thực hiện chính sách này, Chính phủ hỗ trợ trực tiếp cho người dân trong tiêu dùng để tăng sức mua. Chẳng hạn, Chính phủ có thể trợ cấp cho người có thu nhập thấp, kể cả công chức, viên chức; hỗ trợ người dân tiêu dùng một số mặt hàng thiết yếu như: trợ giá tiền điện, nước, lương thực thực phẩm, vé tàu xe đi lại, sách vở học sinh; hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo, người có thu nhập thấp, đồng bào dân tộc thiểu số, các vùng núi khó khăn, thiên tai, bệnh dịch; miễn giảm học phí với các mức độ khác nhau cho từng cấp, từng nhóm học sinh ở từng vùng; hỗ trợ đào tạo, y tế, phúc lợi xã hội.
Để giải pháp kích cầu tiêu dùng phát huy hiệu quả, Chính phủ thực hiện thêm các giải pháp giảm giá hàng tiêu dùng; giảm lãi suất, giảm thuế thu nhập cá nhân và doanh nghiệp, tăng cho vay tiêu dùng; giãn, khoanh nợ và tăng hỗ trợ an sinh xã hội.
Đồng thời để người tiêu dùng “dốc hầu bao” cho chi tiêu, giá hàng hoá và dịch vụ phải ổn định, đặc biệt cần các đợt khuyến mại giảm giá sẽ có hiệu quả rất lớn trong thúc đẩy tiêu dùng. Doanh nghiệp và các đơn vị kinh doanh cần giữ chữ tín, không lợi dụng vào mùa cao điểm để tăng giá…
Còn theo TS. Lê Duy Bình - Giám đốc điều hành Economyca, khôi phục tổng cầu là chìa khóa, nhưng phải kích cầu trong nước (chi tiêu hộ gia đình, chi tiêu của Chính phủ, đầu tư của tư nhân, đầu tư của chính phủ và xuất khẩu), và xây dựng nền kinh tế tự lập tự cường.
Theo đó, kích cầu phải kịp thời và phải có những nguyên tắc để tránh tạo ra các bất ổn khác như làm tăng lạm phát, tỷ giá hay tạo ra bong bóng tài sản. Vì thế, một số biện pháp kích cầu chỉ thực hiện tạm thời để kích thích được phản ứng của doanh nghiệp và người tiêu dùng. Để tránh gây bất ổn, trong khi nguồn lực và dư địa chính sách còn hạn chế, cần ưu tiên các biện pháp kích cầu tạm thời nhưng cải thiện được năng suất trong dài hạn.
“Kích cầu phải đúng đối tượng, đó là hướng vào đối tượng có nhu cầu/cần chi tiêu cao; Hướng vào hàng hóa nội địa (giảm VAT (giảm VAT, phí trước bạ chưa thực sự đúng đối tượng)”, vị chuyên gia này bày tỏ.
Thực tế cho thấy, việc thực hiện chính kích cầu tiêu dùng nội địa được cho là một trong những giải pháp khả thi và đem lại hiệu quả, bởi từ đầu tháng 7, thuế giá trị gia tăng (VAT) được giảm từ 10% xuống còn 8% theo Nghị quyết số 101/2023/QH15 của Quốc hội đối với nhiều mặt hàng đã tạo ra “cú hích” cho tiêu dung, chưa kể theo tính toán của các chuyên gia, tiêu dùng tăng trưởng 1% sẽ giúp GDP tăng thêm 0,2%, nếu loại trừ yếu tố giá.
Bên cạnh các giải pháp đã nêu, nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc bình ổn và thực hiện các biện pháp lành mạnh hóa các thị trường gồm chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, xăng dầu, tăng thanh khoản ngân hàng cũng góp phần củng cố niềm tin nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân nửa cuối năm 2023 để thúc đẩy tăng trưởng.
Có thể bạn quan tâm
Triển vọng ngành dầu khí: Kỳ vọng tăng trưởng từ việc khởi động các dự án mới
04:45, 18/07/2023
Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc gây lo ngại
02:30, 18/07/2023
Động lực tăng trưởng kinh tế cuối năm 2023
04:18, 17/07/2023
NHNN: Điều hành tăng trưởng khối lượng và cơ cấu tín dụng hợp lý
09:09, 15/07/2023
Bắc Ninh: Phát triển hạ tầng giao thông, tạo động lực tăng trưởng kinh tế
14:23, 13/07/2023