Trước những tác động tiêu cực từ dịch COVID-19, Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam và các chi hội viên kiến nghị đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin và sớm hoàn thành 2 mũi…
Theo đó, gửi kiến nghị tới Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp ngày 26/9, Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam; Chi hội TP. Hồ Chí Minh; Chi hội Đà Nẵng và văn phòng JETRO cho biết, do nhiều tỉnh, thành đang áp dụng các quy định về phòng chống dịch COVID-19 nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, vì thế các doanh nghiệp hoặc phải bắt buộc tạm dừng sản xuất, hoặc chỉ sản xuất được khoảng 10% - 50% công suất trong trường hợp áp dụng phương án “3 tại chỗ” (sản xuất tại chỗ - ăn uống tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ), phương án “1 cung đường – 2 địa điểm”.
Bên cạnh đó, việc áp dụng phương án “3 tại chỗ” cũng đem đến gánh nặng chi phí rất lớn cho doanh nghiệp do phải đầu tư các trang thiết bị vật dụng mới cũng như phải tổ chức xét nghiệm PCR thường xuyên, v.v... đã dẫn đến tình trạng khó khăn về tài chính. Hơn nữa, sự kiệt quệ về thể chất và tinh thần của nhân viên gần như đã đến giới hạn do tham gia sản xuất lưu trú liên tục trong một tháng rưỡi qua.
Từ đó, tổ chức này kiến nghị, Chính phủ, Bộ Y tế và các địa phương: TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng… Đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin và sớm hoàn thành 2 mũi việc tiêm vắc xin COVID-19 cho lao động người Việt Nam và gia đình của lao động người Việt Nam đang làm việc cho các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam.
Đồng thời, sớm đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin ở các địa phương và công bố lịch trình tiêm mũi 2 một cách rõ ràng trước khi thực hiện.
Hiệp hội doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam cho rằng, công bố của các nghiên cứu về vắc xin thì sau khi tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin sẽ làm giảm từ 70% - 80% khả năng lây nhiễm. Do đó, Hiệp hội kiến nghị cơ quan chức năng cho phép người lao động đã tiêm xong mũi 1 được đi làm từ nhà (bao gồm đi làm bằng phương tiện cá nhân như xe máy) trên cơ sở thực hiện các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm triệt để như xét nghiệm kháng nguyên thường xuyên và cam kết chỉ di chuyển giữa nơi cư trú và nơi làm việc; gỡ bỏ điều kiện phải có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính đối với người đã có chứng nhận tiêm vắc xin khi di chuyển để đi làm giữa các địa phương có nhiều khu công nghiệp tập trung các doanh nghiệp Nhật Bản
Cùng với việc hạn chế di chuyển của người, việc vận chuyển hàng hóa giữa các tỉnh, thành phố, cũng bị gián đoạn dẫn đến việc cung ứng sản phẩm, nguyên vật liệu bị đình trệ do cơ quan chức năng không cấp phép đầy đủ cho lực lượng nhân viên phục vụ lưu thông hàng hóa. Nếu nguyên vật liệu không được cung ứng, sản phẩm hàng hóa không được vận chuyển thì sẽ không thể nào duy trì được chuỗi cung ứng. Vì vậy, tổ chức này kiến nghị cho phép vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu giữa các tỉnh, thành phố; mở rộng cách hiểu hàng hóa thiết yếu bao gồm cả những mặt hàng cần thiết để duy trì sự sống của người dân như bao bì thực phẩm, thức ăn cho gia súc, gia cầm; đảm bảo việc lưu thông hàng hóa giữa các khu vực được thông suốt.
Theo Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, hiện nay, nhiều chuyên gia tại các doanh nghiệp cùng gia đình họ đã tạm trở về Nhật Bản để hoàn thành việc tiêm vắc xin và đang chuẩn bị quay trở lại Việt Nam. Trên thực tế, việc xin giấy phép nhập cảnh hiện nay ngoài các vị trí nhà đầu tư, nhà quản lý thì những vị trí chuyên gia, lao động kỹ thuật hầu như không được chấp thuận.
Vì vậy, Hiệp hội này kiến nghị cơ quan chức năng tạo điều kiện thuận lợi cho các chuyên gia, lao động kỹ thuật và gia đình (bao gồm trẻ em dưới 13 tuổi) có giấy chứng nhận tiêm chủng (hoặc giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19) theo như chính phủ Việt Nam đã công nhận được phép nhập cảnh theo như lịch trình mà họ mong muốn.
Về xem xét lại điều kiện nhà máy được hoạt động, đề nghị nỗ lực tránh áp dụng biện pháp “3 tại chỗ” trên toàn quốc. Trường hợp phải áp dụng tạm thời thì đề nghị chỉ tập trung áp dụng trong thời gian ngắn và áp dụng linh hoạt cho phép người lao động ở quận/huyện khác đến làm việc tại nhà máy theo mô hình “3 tại chỗ”.
Ban hành bổ sung văn bản cho phép doanh nghiệp làm thêm giờ vượt quá số giờ quy định đối với trường hợp bắt buộc phải tăng giờ làm thêm của người lao động khi thực hiện “3 tại chỗ” và thực hiện quy định hạn chế đi lại để đảm bảo điều kiện nhà máy được duy trì hoạt động do tình hình dịch bệnh.
Ngoài ra, Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cũng đề nghị Chính phủ xem xét công nhận những người đã tiêm vắc xin do chính phủ Nhật Bản phê duyệt cũng như công nhận giấy chứng nhận đã tiêm vắc xin do chính phủ Nhật Bản cấp, đồng thời, đẩy nhanh và sớm triển khai việc đàm phán và công nhận lẫn nhau giữa Nhật Bản và Việt Nam về “hộ chiếu vắc xin” để thúc đẩy hoạt động đi lại với Nhật Bản.
Có thể bạn quan tâm
KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Tháo gỡ khó khăn trong việc nhập cảnh
04:05, 05/10/2021
KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Sử dụng tất cả nguồn lực chăm sóc sức khỏe
04:00, 05/10/2021
KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Tái khởi động các nhà máy bị phong tỏa
03:55, 05/10/2021
KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Các quy tắc và quy định mới cần rõ ràng để phục hồi kinh tế
04:20, 04/10/2021
KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Cải thiện môi trường sản xuất kinh doanh
04:15, 04/10/2021