Với những thay đổi lớn trong việc cắt giảm điều kiện kinh doanh tại Nghị quyết số 02/2019/NQ-CP, cộng đồng doanh nghiệp đang háo hức kỳ vọng về một môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh hơn.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản gửi Bộ Thông tin và Truyền thông về việc góp ý Dự thảo Nghị định về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình (sửa đổi Nghị định số 06/2016/NĐ-CP), với nhiều kiến nghị cụ thể về việc xem xét lại các nội dung trong Dự thảo.
Việc nhận diện phạm vi dịch vụ phát thanh - truyền hình chưa hợp lý
Theo đánh giá của VCCI, thay đổi đáng chú ý của Dự thảo Nghị định là mở rộng định nghĩa “dịch vụ phát thanh truyền hình”, bao gồm cả dịch vụ cung cấp nội dung theo yêu cầu trên Internet, các chương trình trong nước, chương trình nước ngoài, phim và các nội dung có hình ảnh hoặc âm thanh khác.
Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ này theo hình thức thu phí cũng phải thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam và xin giấy phép tại Bộ Thông tin và Truyền thông trước khi hoạt động. Các nội dung số như video, nhạc trực tuyến phải được biên tập, biên dịch theo quy định của Luật Báo chí, với tỉ lệ số lượng chương trình trên mạng Internet không thấp hơn 30%.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường Kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, dự thảo Nghị định quy định thêm việc cấp phép là không phù hợp, vì sẽ đi ngược lại mục tiêu đảm bảo cạnh tranh và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào thị trường. Việc phải xin cấp phép sẽ khiến doanh nghiệp khó khăn, tạo rào cản chứ không mang tính khuyến khích.
“Phạm vi điều chỉnh của Dự thảo cũng được mở rộng đến tất cả nội dung có hình ảnh hoặc âm thanh, như vậy sẽ bao phủ một khối lượng rất lớn nội dung trên online, đặt ra câu hỏi về khả năng quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông. Hơn nữa, Thủ tướng yêu cầu nếu thêm điều kiện kinh doanh phải báo cáo, trong khi ở trường hợp này việc mở rộng phạm vi ngành nghề có thể phải thuộc thẩm quyền Quốc hội”, bà Thảo nói.
Thật ra, những kiến nghị này của doanh nghiệp đã được VCCI tập hợp từ cuộc hội thảo do VCCI tổ chức giữa tháng 12/2018. Nhưng trong trong bối cảnh hiện nay, thì những kiến nghị của VCCI, cộng đồng doanh nghiệp và các chuyên gia, hiệp hội cần được xem xét dựa trên một bình diện mới, một tư duy mới và cách tiếp cận mới.
Công bằng mà nói, tính đến thời điểm hiện tại, cuộc chiến với cắt giảm điều kiện kinh doanh lại bước sang một ngưỡng mới khi Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về việc tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021.
Có thể bạn quan tâm
06:30, 29/12/2018
14:00, 22/11/2018
18:12, 17/11/2018
16:15, 15/11/2018
05:21, 11/11/2018
15:49, 03/11/2018
11:02, 03/11/2018
Các cấp chính quyền không được đặt thêm điều kiện kinh doanh
Với phiên bản mới của Nghị quyết 19, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ tiếp tục rà soát, trình Chính phủ bãi bỏ, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh không rõ ràng, không cụ thể, không khả thi trước quý 3/2019.
Chủ tịch UBND cấp tỉnh theo dõi, chỉ đạo các sở, ngành, UBND cấp huyện đảm bảo thực thi đầy đủ điều kiện kinh doanh đã bị bãi bỏ, những nội dung được đơn giản hóa của các quy định về điều kiện kinh doanh; không tự đặt thêm điều kiện kinh doanh trái quy định; xử lý nghiêm những cán bộ, công chức không thực hiện đúng, đầy đủ các quy định mới về điều kiện kinh doanh.
Các Bộ, cơ quan ngang bộ đến hết năm 2019 thực hiện đầy đủ các nguyên tắc cải cách về quản lý, kiểm tra chuyên ngành, gồm: áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro, phân tích về mức độ tuân thủ của doanh nghiệp; chuyển mạnh sang hậu kiểm; minh bạch về danh mục mặt hàng kiểm tra chuyên ngành, chế độ quản lý và chi phí…
Trước tháng 6/2019, hoàn thành rà soát, cắt giảm thực chất 50% số mặt hàng thuộc danh mục mặt hàng kiểm tra chuyên ngành và thực hiện việc công khai đầy đủ danh mục này.
Trong năm 2019, hoàn thành tập trung một đầu mối duy nhất thực hiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với một sản phẩm, hàng hóa.
Đẩy mạnh thanh toán điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4. Theo đó, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ chỉ đạo thực hiện cung cấp ít nhất 30% số dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết ở cấp độ 4.
Yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trước quý 3/2019, báo cáo Chính phủ phương án cho phép nạp tiền mặt vào ví điện tử không qua tài khoản thanh toán ngân hàng; yêu cầu các ngân hàng thương mại, các tổ chức trung gian thanh toán áp dụng Tiêu chuẩn cơ sở QR code…
Như vậy, thay đổi đáng chú ý nhất Nghị quyết 02 là hướng tới một phần mục tiêu thay đổi phương thức quản lý nhà nước từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Điều này được doanh nghiệp và giới chuyên gia kỳ vọng sẽ hạn chế được tình trạng cài cắm chính sách, hạn chế được tình trạng các điều kiện kinh doanh sẽ mọc trở lại.
Nói như TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung Ương thì Nghị quyết 02 hướng tới một phần mục tiêu thay đổi phương thức quản lý nhà nước bởi nếu cải cách mà vẫn dựa trên phương thức quản lý cũ thì mọi việc sẽ quay trở lại, như cắt các điều kiện kinh doanh mà không thay đổi phương thức quản lý thì vài năm sau các điều kiện sẽ trở lại, thậm chí nhiều hơn, tinh vi hơn.
Minh chứng cụ thể ông Cung lấy một ví dụ về dự thảo Luật Thư viện đang được xây dựng có quy định muốn thành lập thư viện cũng phải có các điều kiện, phải có phương án tài chính.
“Tại sao lại phải có phương án tài chính? Cần để tất cả mọi người được lập thư viện mà không cần điều kiện nào cả. Thư viện là tri thức, hãy để cho người dân tự do sáng tạo. Câu hỏi đầu tiên của quản lý nhà nước là có làm hay không làm, mà thường là người ta đặt không làm lên trước, nếu phải làm thì tìm phương án cách thức làm tốt nhất, hiệu quả tốt”, ông Cung nói và nhấn mạnh quan điểm: “Việc thay đổi phương thức quản lý nhà nước là cực kỳ quan trọng để tạo động lực phát triển mới cho nền kinh tế Việt Nam”.