Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị cơ quan soạn thảo phải làm rõ một số khái niệm mới về công trình hỗn hợp toà nhà văn phòng kết hợp lưu trú (officetel) và căn hộ kết hợp lưu trú (condotel).
>>Khơi thông pháp lý cho condotel
Chủ trì cuộc họp trực tiếp kết hợp trực tuyến về dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu: "Những gì chưa được quy định nhưng thực tiễn đã có, được thừa nhận và được nêu trong luật thì phải được thể chế hoá cụ thể, rõ ràng hơn chứ không nhắc lại luật".
Thực tế, dù "sinh sau đẻ muộn" so với thế giới nhưng thị trường condotel tại Việt Nam trong một thập kỷ qua đã phát triển mạnh mẽ.
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), cả nước có 239 dự án bất động sản du lịch, với khoảng 114.000 căn condotel, giá trị ước tính 297.000 tỉ đồng; gần 24.400 biệt thự du lịch nghỉ dưỡng, giá trị ước tính 244.000 tỉ đồng; gần 30.900 shophouse, giá trị ước tính 154.000 tỉ đồng.
Tuy nhiên, vì chưa có hành lang pháp lý rõ ràng, hầu hết các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng chưa được cấp chứng nhận quyền sở hữu (sổ hồng) cho các nhà đầu tư thứ cấp, nên chưa thể giao dịch, mua bán trên thị trường thứ cấp, đây chính là điểm nghẽn khiến thị trường này đóng băng thời gian qua.
>>Condotel không phát sinh giao dịch
Để gỡ vướng, Chính phủ và các bộ ngành liên quan như Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã nhiều lần cùng vào cuộc nhưng câu chuyện sổ hồng vẫn bỏ ngỏ.
Ngày 23/04/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11/CT- TTg về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh. Trong đó yêu cầu Bộ Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch ban hành cơ chế quản lý đối với một số loại hình bất động sản mới như căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, văn phòng kết hợp lưu trú theo đúng quy định của pháp luật.
Ngày 31/12/2019, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 21/2019/TT-BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà chung cư”, trong đó có “căn hộ lưu trú (condotel)”. Đầu năm 2020, Tài nguyên và Môi trường cũng có văn bản 703/BTNMT-TCQLĐĐ hướng dẫn chế độ sử dụng đất và việc chứng nhận quyền sở hữu.
Tháng 4/2023, Chính phủ ban hành Nghị định 10/2023/NĐ-CP có hiệu lực (ngày 20-5-2023) với niềm kỳ vọng giúp “hồi sinh” thị trường bất động sản nghỉ dưỡng qua việc cụ thể hóa quy định về cấp quyền sở hữu công trình xây dựng không phải là nhà ở đối với công trình xây dựng có sử dụng vào mục đích lưu trú du lịch trên đất thương mại, dịch vụ (thị trường thường gọi là condotel, officetel). Thế nhưng hơn một năm trôi qua, không có quá nhiều thay đổi với phân khúc này.
Đến tháng 1/2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ, thúc đẩy thị trường bất động sản. Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát, tổng hợp, thống kê đầy đủ số lượng trường hợp công trình xây dựng thuộc như: condotel, biệt thự du lịch, căn hộ văn phòng kết hợp lưu trú, thương mại dịch vụ… chưa được cấp giấy chứng nhận.
Bộ cũng đề nghị các đơn vị chỉ đạo tổ chức thực hiện việc cấp giấy chứng nhận cho những loại hình căn hộ nói trên theo đúng quy định.
Tuy nhiên, theo luật sư Lê Cao, Công ty Luật FDVN, đến nay chưa có cơ sở pháp lý cụ thể nào cho loại hình căn hộ du lịch, kể cả khi Nghị định 10/2023/NĐ-CP của Chính phủ được ra đời. Bởi quy định của nghị định này chỉ bổ sung Khoản 5 Điều 32 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP với nội dung: “Đối với công trình xây dựng có sử dụng vào mục đích lưu trú du lịch theo quy định của pháp luật về du lịch trên đất thương mại, dịch vụ, phải đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về xây dựng, pháp luật về kinh doanh bất động sản”.
Nghị định này mở ra khả năng để các căn hộ du lịch được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình, tuy nhiên để thực thi được hay không còn nhiều vấn đề trong các luật khác cần phải bàn đến như: mục đích để ở, hay lưu trú du lịch; chế độ sở hữu với loại hình công trình này như thế nào? điều kiện về diện tích công trình, công năng công trình ra sao…
Theo vị luật sư, nền tảng để xác lập vấn đề sở hữu và các vấn đề liên quan đối với bất động sản nghỉ dưỡng đều cần được chuẩn hóa bằng các quy định pháp quy. Từ định danh bằng các khái niệm pháp lý để triển khai các quy định cụ thể liên quan, mới có cơ sở để thực thi. Nếu chỉ “chữa cháy” bằng các quy định tạm thời mà chưa dựa trên nền tảng quy phạm luật hoặc nghị quyết được Quốc hội ban hành, thì khi triển khai trên thực tế sẽ rất khó. Vì dễ rơi vào tình trạng làm theo hướng dẫn và quy định chi tiết, nhưng không biết căn cứ từ đâu mà có các hướng dẫn hoặc quy định chi tiết đó.
Trong khi đó, một số chuyên gia cũng cho rằng Luật Đất đai 2024 quy định về phân loại đất hiện không xuất hiện cụm từ “du lịch, nghỉ dưỡng” nào và loại hình condotel được cho là nằm trong phạm trù điều chỉnh của khoản đ, điểm 2 điều 9 “Đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp, gồm đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp; đất thương mại, dịch vụ; đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp; đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản”.
Theo đó, giới đầu tư cũng kỳ vọng rằng, để condotel thật sự có “danh phận” sẽ có thể phải tiếp tục chờ các văn bản dưới Luật hướng dẫn thi hành các Luật nói trên.
Có thể bạn quan tâm