Lào Cai có thế mạnh về CN chế biến gắn với hoạt động khai khoáng, với 35 loại khoáng sản và 150 điểm mỏ có trữ lượng lớn. Lào Cai là 1 trong 8 vùng trọng điểm của Việt Nam về sản xuất cây dược liệu.
Lào Cai tiếp tục hoàn thiện hạ tầng giao thông, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kiến tạo nhiều không gian mới, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, đưa Lào Cai trở thành một cực tăng trưởng, là trung tâm kết nối giao thương giữa Việt Nam với các nước ASEAN và khu vực Tây Nam Trung Quốc.
Đó là chia sẻ của ông Trịnh Xuân Trường - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai với DOANH NHÂN.
- Như ông chia sẻ, Lào Cai hội tụ nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế?
Đúng vậy! Lào Cai là nơi có "sông đầu nguồn, núi tuyệt đỉnh"; có cửa khẩu quốc tế nằm trong lòng thành phố; có diện tích rộng và mật độ dân cư thấp (diện tích tự nhiên đứng thứ 19/63 và dân số đứng thứ 54/63 cả nước); có đầy đủ các loại hình giao thông kết nối nội tỉnh, liên tỉnh và quốc tế (đường cao tốc, đường sắt, đường thủy, cảng hàng không Sa Pa đang được đầu tư xây dựng).
Đặc biệt, Lào Cai có các địa danh du lịch nổi tiếng, đã có thương hiệu, như: vùng đất Sa Pa được ví như dãy Alps của châu Á, được Thủ tướng Chính phủ công nhận là khu du lịch quốc gia; Bắc Hà, Y Tý được Chính phủ định hướng trở thành khu du lịch quốc gia trong tương lai. Năm 2023, Sa Pa được Tạp chí Du lịch quốc tế CN Traveler bình chọn là 1 trong 50 thị trấn đẹp nhất thế giới.
Lào Cai cũng có thế mạnh về công nghiệp chế biến gắn với hoạt động khai khoáng, với 35 loại khoáng sản và 150 điểm mỏ có trữ lượng lớn. Lào Cai là 1 trong 8 vùng trọng điểm của Việt Nam về sản xuất cây dược liệu. Với trên 850 loài cây thuốc chiếm 21,5% số loài cây thuốc của Việt Nam trong đó có 70 loài cây thuốc quý hiếm thuộc diện bảo tồn. Những cây thuốc trên là thành phần quan trọng trong sản xuất các loại biệt dược, mang lại tiềm năng phát triển lớn cho ngành công nghiệp dược phẩm.
Bên cạnh đó, tỉnh Lào Cai đã áp dụng cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư nhằm thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với Lào Cai. Các nhà đầu tư được hưởng mức ưu đãi trong khung quy định của Nhà nước Việt Nam, bao gồm ưu đãi về tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, hỗ trợ về lao động, cơ chế giải phóng mặt bằng và cơ chế đối với các dự án đầu tư vào Khu Kinh tế cửa khẩu...
- Thưa ông, vậy đâu là điểm nhấn của Lào Cai trong phát triển kinh tế, thu hút đầu tư thời gian qua?
Thời gian qua, với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền và các sở, ngành liên quan, cùng với nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế Lào Cai đã có sự phát triển vượt bậc. Năm 2022 tốc độ tăng trưởng kinh tế tỉnh Lào Cai đạt 9,02%, xếp thứ 4/14 tỉnh trong vùng và 26/63 tỉnh, thành phố, tăng 3 bậc so năm 2021. Quy mô kinh tế được mở rộng, năm 2022 đạt gần 68.000 tỷ đồng, xếp thứ 4/14 tỉnh trong vùng, xếp thứ 42/63 tỉnh, thành phố. Năm 2022, UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư cho 21 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn 5.927 tỷ đồng.
Lào Cai cũng đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án lớn tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như: Cảng hàng không Sa Pa, cầu biên giới qua sông Hồng tại xã Bản Vược và hạ tầng kết nối; cầu Phú Thịnh; cầu Làng Giàng; cải tạo, nâng cấp hệ thống quốc lộ và đường tỉnh...
Bên cạnh đó, tỉnh Lào Cai chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng phía Trung Quốc để đẩy mạnh kết nối, hợp tác kinh tế qua biên giới; giải quyết, tháo gỡ các khó khăn để thúc đẩy giao thương, xuất nhập khẩu hàng hóa; vận hành tốt Cổng dịch vụ công tại Cửa khẩu quốc tế Đường bộ số II Kim Thành theo hướng số hóa quy trình thủ tục, công khai minh bạch những quy trình hàng xuất, hàng nhập, sắp xếp phương tiện. Đồng thời, triển khai vận hành có hiệu quả “luồng ưu tiên” thông quan đối với hàng nông sản qua cặp cửa khẩu quốc tế Kim Thành (Lào Cai, Việt Nam) - Bắc Sơn (Hà Khẩu, Trung Quốc).
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lào Cai có hơn 7.000 doanh nghiệp, 28 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 685,84 triệu USD. Lào Cai cũng đặt mục tiêu đến năm 2025 toàn tỉnh có trên 9.000 doanh nghiệp và năm 2030 có trên 16.000 doanh nghiệp.
- Được biết, trong báo cáo PCI của VCCI năm 2022, chỉ số Tính năng động của chính quyền địa phương của tỉnh Lào Cai đứng thứ nhất cả nước, góp phần quan trọng trong cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Ông có thể chia sẻ đôi nét về điều này?
Theo bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2022, Lào Cai đạt 68,2 điểm, thuộc nhóm các tỉnh, thành phố đạt chất lượng điều hành kinh tế tốt nhất (xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố, tăng 14 bậc so với năm 2021). Đáng chú ý, chỉ số thành phần Tính năng động của chính quyền địa phương của tỉnh Lào Cai đứng thứ nhất cả nước. Các chỉ số khác cũng có thứ hạng cao như chỉ số Tính minh bạch đứng thứ 5/63 tỉnh, thành phố; chỉ số Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất đứng thứ 6/63; chỉ số Chi phí gia nhập thị trường đứng thứ 8/63. Tính tiên phong, năng động của lãnh đạo tỉnh Lào Cai không chỉ thể hiện ở việc chỉ đạo xây dựng khung pháp lý và chính sách nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp, mà còn ở việc thường xuyên tổ chức các hoạt động gặp gỡ, tiếp xúc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư, doanh nghiệp...
Lào Cai xếp thứ 10 Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI), điều này cho thấy sự quyết liệt của tỉnh trong kiểm soát ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp cũng như quan điểm xuyên suốt “Không đánh đổi môi trường lấy kinh tế”, khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ mới, ít tác động xấu đến môi trường, đồng thời đẩy mạnh công nghiệp chế biến sâu... Tỉnh cũng tăng cường công tác cải cách thủ tục hành chính nhất là các thủ tục liên quan đến đầu tư, xuất nhập khẩu, thuế... và cắt giảm các điều kiện kinh doanh bất hợp lý, các thủ tục không cần thiết để đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình tra cứu và thực thi. Tỉnh Lào Cai cũng đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường thực hiện công tác xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch, xây dựng thương hiệu; xây dựng các cơ chế khuyến khích, mời gọi các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài kết nối với doanh nghiệp trong tỉnh, góp phần vào việc hình thành và phát triển chuỗi cung ứng...
- Quy hoạch tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ phê duyệt sẽ góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy KT-XH địa phương phát triển nói riêng và cả nước nói chung. Ông đánh giá thế nào về các hoạch định trụ cột, các điều kiện cần thiết giúp kinh tế Lào Cai “cất cánh”?
Nghị Quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị xác định xây dựng Lào Cai trở thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam - Trung Quốc. Trên cơ sở đó, tỉnh Lào Cai đẫ trình Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó, xác định 04 trụ cột tăng trưởng: (1). Kinh tế cửa khẩu; (2). Công nghiệp chế biến, chế tạo; (3) Du lịch và (4). Nông nghiệp và Thủy sản.
Đây là bốn trụ cột phát triển kinh tế mang yếu tố quyết định để Lào Cai đạt được các mục tiêu đề ra trong kỳ quy hoạch, là các chủ thể chính góp phần cụ thể hóa khát vọng vươn lên, kiến tạo không gian phát triển để định vị vị thế trong vùng trung du miền núi Bắc Bộ và cả nước. Thực hiện thành công các trụ cột này sẽ đẩy nhanh quá trình xây dựng Lào Cai thành một cực tăng trưởng, trung tâm kết nối giao thương giữa Việt Nam với các nước ASEAN và vùng Tây Nam Trung Quốc.
Theo đó, điều kiện cần thiết để các trụ cột kinh tế giúp Lào Cai “cất cánh” trong thời gian tới là:
Thứ nhất, phát triển du lịch, trong đó tập trung phát triển Khu du lịch quốc gia Sa Pa mang tầm quốc tế; xây dựng Y Tý (Bát Xát), Bắc Hà trở thành khu du lịch đặc sắc hướng tới trở thành khu du lịch quốc gia. Phát triển khu vực Bảo Hà (Bảo Yên) - Tân An (Văn Bàn) trở thành trung tâm du lịch văn hóa tín ngưỡng cấp vùng và quốc gia. Tổ chức liên kết không gian du lịch Sa Pa với Y Tý và thành phố Lào Cai. Hình thành hệ thống sản phẩm du lịch đa dạng phục vụ thịtrường nội địa, quốc tế, các sản phẩm du lịch đặc trưng tại 3 vùng du lịch trọng điểm.
Thứ hai, phát triển kinh tế cửa khẩu, dịch vụ, đưa Lào Cai trở thành một trung tâm logistics lớn và quan trọng hàng đầu của cả nước, là trung tâm giao thương kết nối các nước ASEAN với thị trường vùng Tây Nam Trung Quốc, châu Âu.
Thứ ba, phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, trong đó tập trung mở rộng, phát triển nhóm ngành công nghiệp sau luyện kim, hoá chất, phân bón theo chiều sâu gắn với khai thác các loại khoáng sản có trữ lượng lớn như apatit, đồng, sắt, đất hiếm. Ưu tiên phát triển công nghiệp gia công, chế tạo sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản gắn với phát triển vùng nguyên liệu và thị trường tiêu thụ...
Thứ tư, phát triển kinh tế nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản gắn với chuỗi giá trị nông sản; nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp đi đôi với nâng cao giá trị và uy tín thương hiệu nông sản địa phương...
Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm