Lo doanh nghiệp “bỏ” nhà máy vì “sợ” quy định PCCC

NGUYỄN GIANG 09/04/2023 03:20

“Nghị định 136/2020/NĐ-CP ban hành không có lộ trình, độ trễ để doanh nghiệp thích ứng. Đùng một cái, đồng loạt kiểm tra, đùng một cái đòi xử phạt…đẩy doanh nghiệp rơi vào tình trạng bế tắc, bất an…”.

Đó là nhận định của luật sư Lê Thị Nhung – Giám đốc Công ty TNHH Lee và Cộng sự khi trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp xung quanh nội dung phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp về những bất cập trong quy định phòng cháy, chữa cháy (PCCC) hiện nay.

>>Bất cập quy định PCCC: Hàng nghìn doanh nghiệp nguy cơ dừng hoạt động

hihihhi

Cơ quan chức năng kiểm tra công tác PCCC tại một doanh nghiệp. Ảnh minh họa

Lo doanh nghiệp bỏ nhà máy, dừng đầu tư vì bất cập

Là một đơn vị chuyên hỗ trợ, tư vấn pháp lý cho doanh nghiệp, luật sư Lê Thị Nhung cho biết, gần đây, nhiều doanh nghiệp nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc liên tục nhờ văn phòng tư vấn về những vướng mắc các quy định phòng cháy, chữa cháy. Theo luật sư Nhung, tất cả các vướng mắc đều liên quan đến vật liệu chống cháy, như sơn, khung dầm...của nhà xưởng, nằm trong quy chuẩn mới là QCVN 06:2022/BXD. Đây là Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn cháy cho nhà và công trình, do Bộ xây dựng tham mưu, Bộ Công an phối hợp thực hiện, quản lý, giám sát.

Theo đó, nhiều nhà máy, phân xưởng của các doanh nghiệp đã xây xong nhưng khó đưa vào hoạt động vì không kiểm định được tính chịu lửa, chịu lực trên các vật liệu chống cháy. Khi hỏi các đơn vị liên quan, doanh nghiệp nhận được câu trả lời rằng chưa có hướng dẫn cụ thể.

“Theo yêu cầu của đơn vị thẩm định phòng cháy, chữa cháy, toàn bộ kết cấu khung dầm của nhà xưởng phải được sơn bằng sơn chống cháy. Nhưng đó là sơn gì, chỉ số đảm bảo cần bao nhiêu, bán ở đâu, ai kiểm định... thì không có hướng dẫn cụ thể . Đáng nói, trên thị trường hiện nay có hàng trăm hãng sơn, nhưng loại sơn nào đáp ứng được các quy định, đảm bảo yêu cầu của phòng cháy, chữa cháy thì doanh nghiệp cũng phải tự tìm”, luật sư Nhung chia sẻ.

Thực tế nhiều ý kiến cho biết, Nghị định số 136/2020/NĐ-CP (Nghị định 136) ngày 24/11/2020 của Chính phủ được ban hành dựa trên quy chuẩn 06 (quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy, chữa cháy, có hiệu lực từ ngày 10/1/2021) khi đi vào thực tiễn đã gây ra loạt trở ngại cho doanh nghiệp.

Cụ thể, nhiều doanh nghiệp xây nhà xưởng dựa trên Nghị định 79/2014/NĐ-CP (quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy, chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy, chữa cháy) đã hoàn thiện và đang sản xuất nay đối mặt với vi phạm.

“Ngành chức năng hiện nay yêu cầu, vật liệu chống cháy như cửa chống cháy... trước đây là đối tượng kiểm định, nhưng sau khi có thông tư mới thì chỉ kiểm định một mẫu và đơn vị sản xuất chịu trách nhiệm. Việc kiểm định cả công trình như trước đây không được chấp nhận nữa”, luật sư Nhung nói.

Cũng trao đổi với báo chí về vấn đề này, ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền (Hải Phòng), cho biết, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản trong khu công nghiệp cũng phản ánh: Các quy định về phòng cháy, chữa cháy của Việt Nam đang thuộc tốp đầu thế giới, cao hơn cả tiêu chí mà chính phủ Nhật đưa ra tại nước bản địa.

“Nếu làm đúng yêu cầu hiện nay thì chi phí xây dựng hệ thống phòng cháy, chữa cháy so với cách làm cũ tăng từ 1,7 đến 2,2 lần, khiến tổng mức đầu tư bị đội lên cao, ảnh hưởng đến nguồn vốn, nguồn đầu tư, kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp".

Khi áp dụng các tiêu chuẩn phòng cháy, chữa cháy tự động trong nhà xưởng, không thể sử dụng các thiết bị của Trung Quốc hay các nước châu Á lân cận nữa mà phải nhập từ châu Âu. Mà nhập thiết bị từ châu Âu về Việt Nam hiện rất khó khăn, tăng thời gian chờ đợi, tăng giá thành, thủ tục hành chính dài hơn,... khiến doanh nghiệp rơi vào tình trạng mất tự chủ trong sản xuất. Bởi, không có nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy sẽ bị đình chỉ hoạt động. Lúc đó sản xuất bị đình trệ. 

"Đó là lý do nhiều nhà đầu tư nước ngoài hiện nay không dám mở rộng nhà máy hay đầu tư mới. Nếu những vướng mắc trên không được điều chỉnh phù hợp với thực tiễn, thì có thể buộc họ phải tính toán, chuyển sang thị trường khác”, ông Điệp lo ngại.

>>Quy định phòng cháy chữa cháy đang làm “khó” doanh nghiệp

Một vụ cháy xảy ra tại TP. HCM. Ảnh minh họa

Một vụ cháy xảy ra tại TP. HCM. Ảnh minh họa

Thủ tướng chỉ đạo “gỡ vướng”

Ngày 5/4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng cháy, chữa cháy.

Cụ thể, để bảo đảm tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, đồng thời phục vụ có hiệu quả hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành, địa phương rà soát chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy để kịp thời sửa đổi, bổ sung ngay theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung.

Đẩy mạnh cải cách, cắt giảm mạnh thủ tục hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy, đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế, xã hội.

Cùng với đó, phân loại cụ thể theo nhóm các công trình, cơ sở có khó khăn, vướng mắc trong việc khắc phục sau kiểm tra, rà soát; chủ động, kịp thời giải đáp, hướng dẫn đầy đủ để cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân khắc phục tổng thể các vi phạm, thiếu sót, phục vụ có hiệu quả hoạt động đầu tư xây dựng, sản xuất, kinh doanh (hoàn thành trước ngày 30/4/2023).

Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương rà soát, kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc về phòng cháy, chữa cháy trong đầu tư xây dựng nhà và công trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp để có giải pháp bổ sung, sửa đổi tiêu chuẩn, quy chuẩn cho phù hợp; đồng thời cương quyết cắt giảm thủ tục hành chính rườm rà không cần thiết đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy (báo cáo kết quả thực hiện với Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/4/2023).

Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xác định rõ vai trò, trách nhiệm xử lý ngay những hạn chế, bất cập, cản trở trong quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn mình quản lý. Chỉ đạo có giải pháp cụ thể, chi tiết để xử lý dứt điểm những vi phạm về phòng cháy, chữa cháy trong đầu tư xây dựng theo thẩm quyền để khẩn trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về phòng cháy, chữa cháy, phục vụ có hiệu quả hoạt động đầu tư xây dựng, sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.

Có thể bạn quan tâm

  • Doanh nghiệp đồng loạt kiến nghị về tháo gỡ khó khăn về quy định PCCC

    Doanh nghiệp đồng loạt kiến nghị về tháo gỡ khó khăn về quy định PCCC

    13:27, 31/03/2023

  • Bất cập quy định PCCC: Hàng nghìn doanh nghiệp nguy cơ dừng hoạt động

    Bất cập quy định PCCC: Hàng nghìn doanh nghiệp nguy cơ dừng hoạt động

    03:00, 30/03/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Lo doanh nghiệp “bỏ” nhà máy vì “sợ” quy định PCCC
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO