Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi do Chính phủ trình đã đề xuất cơ chế đột phá nhằm huy động tối đa nguồn lực cho các dự án đầu tư.
>>> Hà Nội: Vướng cơ chế, làm tiếp "dự án treo" cũng thấy lo
Một vấn đề nổi cộm liên quan đến huy động nguồn lực đất đai thời gian qua là cơ chế nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án khu đô thị, nhà ở thương mại.
Tại các bản dự thảo luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp tháng 8 và tháng 9 vừa qua đều theo phương án: Nhà đầu tư phải đang có hoặc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở và đất phi nông nghiệp không phải đất ở đã nộp tiền sử dụng đất hoặc đã nộp tiền thuê đất một lần thì mới được thực hiện dự án nhà ở thương mại.
Phương án nêu trên đã thu hẹp các trường hợp sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại so với luật hiện hành (Luật số 03/2022/QH15 sửa Điều 23 Luật Nhà ở, quy định nhà đầu tư phải có quyền sử dụng đất ở và đất khác). Trong khi quy định của Luật số 03/2022/QH15 vốn đã được coi là quá hẹp, gây tắc nghẽn cho khoảng 300 dự án nhà ở trong cả nước (nhà đầu tư đã “gom đất” nhưng không thể triển khai được vì diện tích đất gom được không có đất ở).
Tại báo cáo một số nội dung đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 23/10, Chính phủ đã đề xuất chỉnh lý dự thảo theo hướng đột phá: bãi bỏ hoàn toàn các yêu cầu về loại đất mà nhà đầu tư phải đang có hoặc nhận chuyển nhượng để thực hiện dự án nhà ở thương mại.
>>>Nghị định số 10/2023: Gỡ khó thu hồi dự án treo
Cụ thể, Chính phủ đề xuất bãi bỏ quy định tại khoản 4 Điều 123; khoản 1, khoản 6 Điều 128 dự thảo (trước đây quy định chỉ được chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại với trường hợp đang có hoặc nhận chuyển nhượng đất ở và đất phi nông nghiệp không phải đất ở đã nộp tiền sử dụng đất hoặc đã nộp tiền thuê đất một lần).
Hướng sửa đổi này hoàn toàn phù hợp với Nghị quyết số 18-NQ/TW của Đảng về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách đất đai. Cụ thể, Nghị quyết 18 bên cạnh quy định “Thực hiện việc giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất” cũng cho phép “Tiếp tục thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại”.
Như vậy, Nghị quyết 18 quy định rất mở, cho phép địa phương linh hoạt giữa phương án thu hồi đất để giao đất thông qua đấu giá, đấu thầu (cơ chế hành chính) với phương án cho phép doanh nghiệp tự thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án (cơ chế dân sự).
Báo cáo của Chính phủ cũng nhận định rõ: các trường hợp thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất là để phát triển đô thị chủ yếu xảy ra tại khu vực phát triển mới mà thường chưa có đất ở, trong khi chủ trương của Nhà nước là đẩy mạnh đô thị hóa, chỉnh trang đô thị. Do đó, việc loại bỏ yêu cầu phải có sẵn một tỷ lệ đất ở mới được triển khai dự án là phù hợp với thực tiễn, giúp tháo gỡ các dự án đang ách tắc thủ tục.
Việc phát huy cơ chế thỏa thuận dân sự tạo lập quỹ đất cho dự án cũng giúp hạn chế khiếu kiện của người dân khi áp dụng cơ chế thu hồi đất bắt buộc.
Có thể bạn quan tâm
Sửa Luật Đất đai: Cân nhắc việc bãi bỏ một số cơ chế đặc thù tại các tỉnh thành
04:00, 01/11/2023
Sửa Luật Đất đai: Cân nhắc mở rộng đối tượng áp dụng phương pháp thặng dư
04:00, 29/10/2023
Sửa Luật Đất đai: Cần xóa bất cập về đất làm dự án nhà ở thương mại
04:00, 27/10/2023
Sửa Luật Đất đai: Phá “rào cản” để phát triển du lịch
20:58, 23/10/2023