Vài năm trở lại đây, du lịch nông nghiệp vùng nông thôn, miền núi đang trở thành “trend mới” đối với không ít du khách hướng đến để trải nghiệm sự độc đáo, mới lạ.
Chính vì sự mới lạ nên loại hình du lịch này cũng đang nở rộ ở khắp mọi miền trên dải đất hình chữ “S”, không kể đồng bằng hay miền núi cao, vùng gần đô thị cho tới nơi xa trung tâm. Vậy nhưng, để phát huy hết hiệu quả kinh tế từ du lịch nông nghiệp mang lại, nhiều mô thức kinh doanh cũng như dịch vụ vệ tinh tạo ra các chuỗi giá trị vẫn còn phải tạo dựng.
Theo tìm hiểu, du lịch nông nghiệp là loại hình du lịch do người chủ hoặc người điều hành nông trại triển khai kinh doanh, nhằm mục đích nâng cao kiến thức và thư giãn giải trí đối với công chúng, quảng bá các sản phẩm của nông trại. Thông qua đó sẽ tăng thêm thu nhập cho nông trại bằng nhiều dịch vụ đi kèm.
Cũng có thể hiểu du lịch nông nghiệp là bao gồm một loạt hoạt động ở nông thôn, nông trại tạo ra nhằm mục đích giáo dục hay giải trí, thư giãn và tham quan. Còn thực tế, du lịch nông nghiệp có nhiều tên gọi khác nhau như agri-tourism, agro-tourism, farm tours, study tours…với những hoạt động chính diễn ra trong các trang trại riêng biệt, cộng thêm một số hoạt động phụ trợ xung quanh.
Trên thực tế, loại hình du lịch nông nghiệp đã xuất hiện ở Châu Âu từ những năm 80 của thế kỷ 20 phần lớn trồng cây ăn trái, rau màu, hoa, chăn nuôi gia súc, gia cầm…cùng với hệ thống hạ tầng lưu trú cho du khách muốn nghỉ lại qua đêm. Theo hiệp hội du lịch Farm Holidays Association của Áo, quốc gia này có khoảng 9900 trang trại làm du lịch, cung cấp 114.000 giường, chiếm 1/7 tổng số giường lưu trú dành cho khách du lịch trên toàn quốc. Còn ở Thái Lan, quốc gia khu vực Đông Nam Á qua thống kê năm 2019 đã có hơn 400 trang trại làm du lịch và các dịch vụ trải nghiệm hoạt động sản xuất, thu hoạch, đánh bắt thuỷ sản, đào tạo và nghỉ dưỡng.
>>Cần thay đổi tư duy về cách làm du lịch inbound
>>Du lịch “phượt” - “sứ giả marketing”
Còn tại Việt Nam, hiện chưa có số liệu thống kê chính thức các điểm du lịch nông nghiệp nhưng có thể nói loại hình du lịch nhà vườn, trang trại đã phát triển hàng chục năm nay. Đơn cử ở Đà Lạt (Lâm Đồng) có “du lịch canh nông”, Làng rau Trà Quế, Hội An (Quảng Nam) có “một ngày làm nông dân” dành cho du khách đến trải nghiệm khi đến địa phương này.
Gần 10 năm trở lại đây, vùng đồng bằng Sông Cửu Long có phong trào làm du lịch nông nghiệp phát triển rất lớn với nhiều mô hình đa dạng như phát triển cơ sở du lịch trên cánh đồng sen, ao nuôi cá ở Đồng Tháp, vuông tôm ở Sóc Trăng, Trà Vinh, trịa nuôi dê ở Hậu Giang, rừng đước, rừng tràm ở Cà Mau…. Gần đây, nhiều chủ đầu tư xây dựng các khu nghỉ dưỡng nhỏ ở ven sông trạch, nhà vườn được đặt tên là “lodge” hay “bungalow” xuất hiện tại Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Cần Thơ với giá nghỉ dưỡng có thể cao hơn một số khách sạn 4-6 sao trên địa bàn.
Theo ông Phan Đình Huê – Chuyên gia tư vấn phát triển du lịch đồng bằng Sông Cửu Long, Chủ tịch Công ty Dịch vụ và du lịch vòng tròn Việt cho rằng, Việt Nam là một trong những quốc gia có diện tích vùng nông thôn lớn, với các điều kiện tự nhiên tương đối khác nhau. Hầu hết các vùng đồng bằng lớn của nước ta đều gần các đại đô thị nên rất dễ phát triển các sản phẩm tham quan trong một vài ngày.
Tuy nhiên, hiện nay du khách thường liên tưởng du lịch nông nghiệp với hình ảnh đi coi cây trồng, vật nuôi, lội ruộng, bắt cá… Chính vì vậy, nếu được phát triển chuyên nghiệp thì đó phải gọi là kỳ nghỉ về vùng quê. Theo đó, kỳ nghỉ này sẽ bao gồm tham quan, trải nghiệm, ăn uống, nghỉ dưỡng, hít thở không khí trong lành và mua đặc sản tươi sống ở vùng quê thanh bình về cho gia đình mình.
“Vì vậy, cần định vị thương hiệu du lịch nông nghiệp gắn với “kỳ nghỉ vùng quê” và có phiên bản tiếng Anh tương xứng để làm truyền thông, đồng thời cần có các hiệp hội du lịch nông nghiệp vùng để quản lý thương hiệu này” – ông Phan Đình Huê đề xuất.
Cũng theo các chuyên gia, để định vị loại hình du lịch nông nghiệp, chính sách phát triển đa dạng các loại sản phẩm dựa vào sự đa dạng về tài nguyên, khí hậu, văn hoá, mùa vụ của các vùng miền hiện nay vẫn chưa được quan tâm, đầu tư bài bản.
Chưa kể, đội ngũ nguồn nhân lực cũng đang là vấn đề cần được quan tâm bởi hiện nay các cơ sở du lịch nông nghiệp, nông dân là những người tham gia chính nên họ chỉ có khả năng phát triển sản phẩm đơn giản, có giá trị thấp.
Trong khi đó, Việt Nam được biết đến với “Tam sơn, tứ hải, nhất phần điền” với ba phần núi, bốn phần biển và một phần đất liền. Tuy nhiên, thực tế rất nhiều địa phương lại chưa có đề án, chương trình về phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp…
Còn nữa....
Có thể bạn quan tâm
“Mở lối” cho du lịch dược liệu Quảng Nam
15:50, 28/03/2023
Đà Nẵng: Dịch vụ xe đạp công cộng thu hút khách du lịch
12:19, 28/03/2023
Ẩm thực – "Gia vị" hấp dẫn cho ngành du lịch
05:27, 28/03/2023
Khi du lịch Việt “mất điểm” vì rác thải nhựa: Giải pháp nào?
04:00, 28/03/2023
Quảng Trị: Kỳ vọng mùa du lịch “nở hoa”
04:00, 28/03/2023