Những tỉnh đang dẫn đầu trong phát triển nhà ở xã hội như Bắc Giang, Bắc Ninh cũng đang “chật vật” để hiện thực hóa giấc mơ an cư của người dân.
>>Phát triển nhà ở xã hội cho thuê
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, Bắc Giang đang dẫn đầu cả nước về số dự án nhà ở xã hội được khởi công xây dựng. Cụ thể, địa phương này đang có 5 dự án, tương ứng với 12.475 căn, cao hơn cả Hải Phòng (7 dự án, 11.678 căn) và Bắc Ninh (15 dự án, 10.500 căn).
Pháp lý vẫn là “rào cản”
Dù vậy, những thách thức trong quá trình triển khai tại các địa phương vẫn không hề nhỏ. Như lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, địa phương này vẫn đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong các quy định pháp lý liên quan đến Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, hay Luật Đất đai. Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh chia sẻ, chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội cũng chưa đủ hấp dẫn. Gói hỗ trợ tín dụng 120.000 tỷ đồng cũng đang triển khai rất chậm, do điều kiện đặt ra còn nhiều khó khăn.
Chính vì lý do đó, UBND tỉnh Bắc Giang đã kiến nghị Bộ Xây dựng báo cáo Chính phủ điều chỉnh giảm chỉ tiêu hoàn thành số căn nhà ở xã hội trong năm 2024, từ 12.500 căn xuống 2.428 căn, nhằm đảm bảo tính khả thi và phù hợp với tình hình triển khai thực tế của tỉnh.
>>Tăng hệ số sử dụng đất cho dự án nhà ở xã hội
Tương tự với tỉnh Bắc Ninh, một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về xây dựng nhà ở xã hội, cũng đang phải đối diện với nhiều thách thức. Chia sẻ tại một hội nghị được tổ chức vào đầu tháng 4 vừa qua, lãnh đạo tỉnh cho biết, hiện vẫn có tới 28 dự án đang chờ được tháo gỡ vướng mắc. Các dự án chủ yếu gặp vướng mắc trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng, các thủ tục hành chính, đặc biệt là quy định về đảm bảo PCCC. Hay việc gia hạn tiến độ đầu tư đối với các dự án đã được phê duyệt.
Đáng chú ý, Bắc Ninh còn có 2 dự án nhà ở xã hội phục vụ khu công nghiệp được thực hiện lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13. Tuy nhiên, khi dự án đã đủ điều kiện đưa vào kinh doanh, số lượng nhà bán ra rất ít bởi khó khăn trong việc tiếp cận khách hàng.
Còn tại TP.HCM, do vướng mắc liên quan đến quy hoạch, chấp thuận chủ trương chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, pháp lý đã khiến 8 dự án nhà ở xã hội chưa thể triển khai xây dựng. Do đó, để đẩy nhanh tiến độ giải quyết thủ tục pháp lý cũng như đảm bảo chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội đã được phê duyệt, lãnh đạo Sở Xây dựng TP.HCM đã kiến nghị UBND Thành phố chỉ đạo các sở, ngành tháo gỡ vướng mắc.
Cần thêm cơ chế
Một “nút thắt” khiến loại hình nhà ở này chưa thể phát triển rộng rãi được các chuyên gia chỉ ra là thiếu cơ chế hỗ trợ. Theo ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HoREA, Nghị định 100/2015/NĐ-CP quy định chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được tăng mật độ xây dựng hoặc hệ số sử dụng đất lên tối đa 1,5 lần so với tiêu chuẩn. Đây là ưu đãi cho các chủ đầu tư loại nhà ở này trong 10 năm qua. Tuy nhiên, Bộ Xây dựng bỏ quy định này tại dự thảo nghị định về phát triển, quản lý nhà ở xã hội mới nhất.
Song, để giải quyết những “nút thắt” trên, ông Châu đề xuất cho phép dự án nhà ở xã hội tiếp tục được hưởng ưu đãi này, bởi sẽ tăng hiệu quả đầu tư và thu hút nguồn lực tham gia triển khai nhà ở xã hội. Bởi, trong lúc Nhà nước chưa có sẵn quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, rất cần khuyến khích các nhà đầu tư tự thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất để thực hiện dự án.
Bên cạnh đó, một giải pháp khác được đưa ra là sớm gỡ các rào cản để thu hút thêm doanh nghiệp đầu tư vào xây dựng nhà ở xã hội. Như chia sẻ của ông Lê Hữu Nghĩa - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Xây dựng Lê Thành, giải pháp thúc đẩy tăng cung nhà ở xã hội, quan trọng nhất là gỡ vướng pháp lý.
Theo ông Nghĩa, nếu không có chính sách đặc biệt về vốn và lãi suất cho doanh nghiệp thì cả khi luật sửa đổi có hiệu lực, vẫn ít doanh nghiệp quan tâm đầu tư dự án nhà ở xã hội cho thuê.
Không chỉ để bán, phát triển nhà ở xã hội cho thuê được các chuyên gia cho là lời giải đối với “bài toán” thiếu hụt nguồn cung nhà giá rẻ. Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Trần Đăng Toàn - Tổng Giám đốc Công ty Miền Đông (thành viên Kim Oanh Group) cho rằng, chỉ cần nguồn vốn hợp lý thì doanh nghiệp sẽ “bắt tay” vào làm. Tuy nhiên, hiện nay mức lãi suất vay thấp nhất với các doanh nghiệp địa ốc là 6%, còn lại doanh nghiệp phải vay các ngân hàng thương mại ở mức 8 - 10%.
Hơn nữa, việc xác định giá đất cũng tồn tại nhiều rủi ro do liên quan đến thời điểm xác định, các phương pháp đưa ra những chi phí khác nhau. Bởi vậy, dù đang có phương án đầu tư loạt dự án nhà ở xã hội, song doanh nghiệp vẫn đang chờ hướng dẫn luật mới.
Có thể bạn quan tâm