MobiFone làm gì để đạt mục tiêu 1,5 tỷ USD?

NGUYỄN LONG 09/08/2021 17:05

Trong kế hoạch xây dựng 5 năm 2021-2021, 5G là một trong những định hướng quan trọng để MobiFone phát triển. Liệu ông lớn viễn thông có nắm bắt được cơ hội này?

5G được xem là chìa khóa để MobiFone cải thiện tình hình kinh doanh.

5G được xem là chìa khóa để MobiFone cải thiện tình hình kinh doanh.

Thực tại kinh doanh mờ nhạt

Kết thúc 6 tháng đầu năm nay, MobiFone đạt doanh thu của công ty mẹ là 15.551 tỉ đồng, hoàn thành 51,8% kế hoạch năm và tăng 23,6% so cùng kỳ năm 2020. Lợi nhuận trước thuế công ty mẹ đạt 2.038 tỉ đồng, hoàn thành 41,5% kế hoạch năm, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm 2020. Những điểm sáng trong kết quả 6 tháng đầu năm của MobiFone là doanh thu data tăng trưởng 14,8%; Doanh thu các dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT), giá trị gia tăng và nội dung số tăng trưởng hơn 20% cho thấy dấu ấn của công tác chuyển đổi số ở MobiFone. Trong đó sự dịch chuyển theo hướng gia tăng tỉ trọng của các sản phẩm CNTT, dịch vụ số trong cơ cấu hệ thống các sản phẩm dịch vụ của MobiFone bên cạnh dịch vụ viễn thông truyền thống.

Từ năm 2015, MobiFone cũng phát triển thêm dịch vụ phân phối bán lẻ, nội dung số nhưng hoạt động rất mờ nhạt trên thị trường. Trong khi đó, doanh thu từ năm 2013 đến nay cũng liên tục trồi sụt.

Theo cáo cáo của MobiFone, lợi nhuận nhà mạng này đạt đỉnh gần 7.500 tỷ đồng vào năm 2014, rồi lao dốc 2 năm liền sau đó. Đến năm 2019, MobiFone ghi nhận lãi trước thuế hơn 6.000 tỷ đồng nhưng năm 2020 lại giảm mạnh xuống còn khoảng 4.700 tỷ đồng vì COVID-19.

Định hướng 5 năm tới với 5G

Trong buổi làm việc ngày 5/8 với Tổng công ty MobiFone về xây dựng chiến lược phát triển của MobiFone giai đoạn 2021-2025, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã nhận định, nhà mạng này đang gặp hai trục trặc lớn: Trục trặc thứ nhất là vào tổ chức bên trong, là vụ AVG. Trục trặc thứ hai đến từ thách thức bên ngoài, thách thức của ngành, là bế tắc về tăng trưởng, về không gian phát triển mới. Vượt qua hai thách thức này thì MobiFone sẽ vừa đổi mới cả bên trong và bên ngoài.

Trục trặc thứ nhất thì hãy coi như đã đi qua.

Trục trặc thứ hai thì trước hết hãy xem tại sao MobiFone đã từng phát triển nhanh và thành công. Ngày ấy MobiFone bước vào một thị trường gần như “trinh nguyên”, Việt Nam lúc ấy chưa có ai dùng điện thoại di động. Và vì thế mà Mobifone phát triển nhanh và thành công.

Từ năm 2009, tức là cách đây 12 năm, mật độ điện thoại di động tại Việt Nam đã đạt 100%. Nhưng Mobifone vẫn làm điện thoại di động và chưa tạo thêm cho mình bất kỳ không gian mới nào. Không có không gian mới thì sẽ không có sáng tạo, không có sự phát triển mới, không có tăng trưởng.

Không gian mới của ngành viễn thông, của MobiFone là ở đâu? Chắc hẳn là phải tìm ở bên ngoài viễn thông truyền thống nhưng phải là rất gần với viễn thông. Và vẫn phải là hạ tầng viễn thông, hạ tầng số, nền tảng số, công nghệ số, các dịch vụ phổ cập và thiết yếu.

Đó là đưa viễn thông xâm nhập vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, mọi ngành, chứ không chỉ là alo và dữ liệu cho các cá nhân. Lời giải của câu chuyện này là 5G. 5G nếu làm tốt sẽ tạo ra tăng trưởng cho viễn thông 3%/năm. 5 năm nữa sẽ mang lại cho MobiFone một doanh thu tăng thêm 250 triệu USD. Và đây là con đường để MobiFone có thêm 1,5 tỷ USD mới vào năm 2025, tức doanh nghiệp phải tăng trưởng gấp đôi sau 5 năm nữa, nghĩa là phải tăng trưởng ít nhất 15%/ năm. 

Mạng 5G MobiFone vẫn chưa phủ sóng rộng rãi trên khắp cả nước mà chỉ ở mức thử nghiệm tại một số khu vực. Nhà mạng cũng đã chuẩn bị cơ sở hạ tầng và tiến hành lắp đặt tại một số tỉnh thành trên cả nước. MobiFone được Bộ TT&TT cấp phép thử nghiệm tại TP.Hồ Chí Minh.

Hiện người dùng tại TP.Hồ Chí Minh đã có thể sử dụng dịch vụ 5G của MobiFone từ đầu năm 2021, tuy nhiên do mới bước đầu triển khai, nên phạm vi sử dụng được dịch vụ 5G vẫn hạn chế tại Quận 1.

Ông Tô Mạnh Cường - Tổng giám đốc MobiFone từng chia sẻ: “MobiFone xác định việc triển khai thương mại dịch vụ 5G hiện tại mới chỉ là bước thử nghiệm ban đầu để khách hàng trải nghiệm dịch vụ 5G và những tính năng vượt trội mà 5G mang lại. Công nghệ 5G đóng vai trò quan trọng trong hạ tầng của nền kinh tế số, nền tảng cho việc thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Do đó, chúng tôi cho rằng cơ hội to lớn mà 5G mang lại không chỉ dành riêng MobiFone mà của tất cả các đối tác, khách hàng của MobiFone. Giai đoạn tiếp theo, ngay khi được Bộ TT&TT cấp phép chính thức triển khai 5G thương mại trên phạm vi toàn quốc, MobiFone cam kết sẽ là nhà mạng tiên phong trong việc đầu tư, phát triển 5G với mục tiêu mang lại dịch vụ tốt nhất, chất lượng nhất tới cho khách hàng”.

Bên cạnh MobiFone còn có hai nhà mạng khác cũng đang thử nghiệm 5G là Viettel và VNPT-VinaPhone lần lượt tại các thành phố lớn Hà Nội (Viettel,VinaPhone) và TP.Hồ Chí Minh (VinaPhone). Do vậy, nếu MobiFone không đẩy nhanh việc sẵn sàng cho giai đoạn thương mại 5G trên toàn quốc, rất có thể sẽ mất lợi thế vào Viettel và VinaPhone, hai nhà mạng có tiềm lực kinh tế rất lớn, cũng như có sẵn cơ sở hạ tầng tại các thành phố lớn.

Chậm trễ cổ phần hóa

Từ năm 2019 đến nay việc cổ phần hóa của MobiFone vẫn dậm chân tại chỗ.

Từ năm 2019 đến nay việc cổ phần hóa của MobiFone vẫn dậm chân tại chỗ.

Bên cạnh định hướng phát triển 5G, một vấn đề còn vướng mắc tại MobiFone là việc chậm tiến hành cổ phần hóa. Được biết từ giữa năm 2019, MobiFone đã hoàn thiện phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất, trình Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đồng thời thực hiện kiểm tra thực trạng toàn bộ các lô đất. Đến đầu tháng 12/2019 Mobifone đã hoàn tất việc kiểm tra toàn bộ 26 cơ sở nhà đất.

Song song với công việc này, MobiFone đã phối hợp với Tổ giúp việc Ban chỉ đạo cổ phần hóa thực hiện các công việc chuẩn bị cho công tác cổ phần hóa tổng công ty như: rà soát hồ sơ pháp lý về tài sản, nguồn vốn, công nợ; rà soát các hồ sơ pháp lý về đất đai; lập phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất của Mobifone; tiến hành xây dựng kế hoạch chiến lược 2020-2025 và tầm nhìn đến 2030; tiến hành thủ tục thuê công ty luật để hỗ trợ, tư vấn Mobifone lập phương án lựa chọn thầu quốc tế tư vấn cổ phần hóa tuân thủ các qui định của pháp luật; làm việc với các đơn vị tư vấn, ngân hàng và các tổ chức tài chính để có cơ sở lập dự toán chi phí cổ phần hóa.

MobiFone cũng trình Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phê duyệt chủ trương tổ chức lại các ban quản lý dự án của tổng công ty; triển khai hợp nhất cơ quan tham mưu của Đảng ủy với các đơn vị chuyên môn có chức năng, nhiệm vụ tương đồng của tổng công ty theo Quy định số 69-QĐ/TW.

Từ năm 2019 đến nay đã gần 2 năm, nhưng việc cổ phần hóa của MobiFone cũng chưa có tín hiệu mới này. Mới đây, Bộ Tài chính đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành (cơ quan đại diện chủ sở hữu) tập trung hoàn thành việc bán cổ phần lần đầu một số doanh nghiệp lớn trong năm 2021 trong đó có MobiFone, cùng với đó là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Agribank, Công ty mẹ VNPT. Dự kiến, nếu IPO thành công, Agribank sẽ thu 19.847 tỷ đồng nếu Nhà nước nắm giữ 65% vốn điều lệ. VNPT dự kiến thu 30.759 tỷ đồng nếu Nhà nước nắm giữ 51% vốn điều lệ. Hay MobiFone dự kiến thu 9.255 tỷ đồng nếu Nhà nước nắm giữ 51% vốn điều lệ...

Có thể bạn quan tâm

  • Giải pháp nào đẩy nhanh tiến độ cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước?

    Giải pháp nào đẩy nhanh tiến độ cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước?

    04:05, 17/07/2021

  • “Hạt sạn” trong cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước

    “Hạt sạn” trong cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước

    11:10, 21/05/2021

  • Không phải cổ phần hóa là cái gì cũng bán!

    Không phải cổ phần hóa là cái gì cũng bán!

    11:00, 20/05/2021

  • Cổ phần hóa Sở giao dịch chứng khoán: Có thể hay không?

    Cổ phần hóa Sở giao dịch chứng khoán: Có thể hay không?

    05:47, 05/04/2021

  • “Quá độ cổ phần hóa” nhìn từ Agribank

    “Quá độ cổ phần hóa” nhìn từ Agribank

    11:00, 24/01/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
MobiFone làm gì để đạt mục tiêu 1,5 tỷ USD?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO