Một luật sửa nhiều luật: Gỡ nút thắt pháp lý cho thị trường bất động sản

GIA NGUYỄN 11/01/2022 04:30

Trước những tác động tiêu cực của COVID-19 và thực trạng đang tồn tại, nhiều doanh nghiệp bất động sản kỳ vọng vào quyết tâm gỡ khó chính sách để khơi thông và phát huy nguồn lực cho phát triển…

>>Ngày bế mạc, Quốc hội sẽ biểu quyết, thông qua 4 nội dung quan trọng, cấp bách

Theo chương trình làm việc của Kỳ họp bất thường lần thứ nhất của Quốc hội khóa XV đang diễn ra, trong ngày làm việc cuối cùng 11/01/2022, dự kiến Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa – tiền tệ hỗ trợ nền kinh tế và Dự án một luật sửa 8 luật, trong đó có Luật Đầu tư.

Theo các chuyên gia, đây là hai nội dung được tất cả các thành phần kinh tế trông đợi, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản bởi những tác động tích cực lan tỏa từ các quyết nghị này sẽ giúp tháo gỡ khó khăn cho thị trường vốn đang chịu ảnh hưởng nặng nề sau hai năm dịch bệnh COVID-19 hoành hành.

Doanh nghiệp kỳ vọng vào quyết tâm gỡ khó chính sách tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất Quốc hội khóa XV trong ngày bế mạc - Ảnh minh họa

Doanh nghiệp bất động sản kỳ vọng vào quyết tâm gỡ khó chính sách tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất Quốc hội khóa XV trong ngày bế mạc - Ảnh minh họa

Cụ thể, Nghị quyết về chính sách tài khóa - tiền tệ hỗ trợ nền kinh tế với gói hỗ trợ lên tới gần 350.000 tỷ đồng có thể tạo ra lực đẩy mạnh mẽ cho nền kinh tế cũng như thúc đẩy dòng vốn đầu tư đổ vào thị trường bất động sản, thì các vấn đề còn lại đều tác động trực tiếp tới sự vận hành của thị trường.

Còn việc một luật sửa 8 luật, trong đó có nội dung sửa đổi điểm c, khoản 1, Điều 75 Luật Đầu tư về công nhận chủ đầu tư dự án… được nhận định sẽ “gỡ khó” cho ít nhất 208 dự án bất động sản ở TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội đã và đang mắc kẹt suốt nhiều năm qua.

Theo TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh, quyết tâm của Chính phủ và Quốc hội trong việc tạo động lực bằng gói kích thích kinh tế và tháo gỡ những điểm nghẽn chính sách là tín hiệu tích cực, giúp nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng có thêm điểm tựa để phục hồi và phát triển.

>>Một luật sửa 8 luật: Mở rộng phân quyền quyết định chủ trương đầu tư

Thực tế, Điều 75 Luật Đầu tư (Điều 23 Luật Nhà ở) hiện nay quy định nhà đầu tư có quyền sử dụng đất ở và các loại đất khác được phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở. Với quy định này, chỉ có những dự án có dính đến đất ở thì nhà đầu tư mới được công nhận chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở. Trong khi đó, hiện nay, phần lớn quỹ đất phát triển nhà ở mà các chủ đầu tư sở hữu đều đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp, đất sản xuất - kinh doanh… Mặc dù các lô đất này đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch xây dựng, quy hoạch kế hoạch sử dụng đất có mục đích đất ở nhưng không thể triển khai được dự án do… không dính một vài mét vuông đất ở hiện hữu.

Thống kê của Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) cũng cho thấy, trong số 208 dự án mắc kẹt như đã nêu, TP. Hồ Chí Minh có khoảng 126 dự án nhà ở thương mại. Giả định, mỗi dự án nhà ở thương mại này có vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng, thì tổng mức đầu tư của 126 dự án sẽ là 126.000 tỷ đồng, nên việc không được công nhận chủ đầu tư các dự án này dẫn đến Nhà nước bị thất thu 12.600 tỷ đồng thuế VAT; nếu lợi nhuận các dự án đạt 20% tương đương 25.200 tỷ đồng thì Nhà nước còn bị thất thu thêm 5.040 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp, chưa kể nhiều loại thuế khác.

việc tạo ra những chính sách cởi mở, thông thoáng cho môi trường kinh doanh rất được doanh nghiệp hoan nghênh - Ảnh minh họa

Việc tạo ra những chính sách cởi mở, thông thoáng cho môi trường kinh doanh rất được doanh nghiệp hoan nghênh - Ảnh minh họa

Với việc Quốc hội sẽ xem xét biểu quyết thông qua dự án một luật sửa 8 luật vào ngày cuối Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã và đang đem đến nhiều kỳ vọng cho các doanh nghiệp bất động sản bởi, sự quyết liệt này sẽ giúp các doanh nghiệp trong ngành tự tin hơn với kế hoạch kinh doanh năm 2022, nhất là sau 2 năm hứng chịu tác động tiêu cực từ COVID-19, từ đó tạo tác động lan tỏa ra nhiều ngành kinh tế khác.

Thông tin với báo chí, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA chia sẻ, thị trường hiện còn tồn tại nhiều vướng mắc, đặc biệt là sự chồng chéo trong các văn bản pháp luật thuộc các lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường, nhà ở, kinh doanh bất động sản. Trong đó, sự chưa khớp nối giữa quy định của Luật Đầu tư và Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Đất đai khiến cho nhiều dự án lâm vào bế tắc, dẫn đến nguồn cung giảm mạnh.

“Chính vì lẽ đó, việc tạo ra những chính sách cởi mở, thông thoáng cho môi trường kinh doanh rất được doanh nghiệp hoan nghênh”, ông Châu nhấn mạnh.

Còn theo ông Ngô Đức Sơn - Tổng giám đốc DRH Holdings nhận định, điều khoản này vốn là cái van hãm nguồn cung, làm tăng giá sản phẩm. Vì thế, “tháo được cái van này có lợi cho cả chủ đầu tư, cho người dân và cho ngân sách Nhà nước”.

Ông Sơn phân tích, khi doanh nghiệp có quyền sử dụng đất và khu đất đó phù hợp quy hoạch, kế hoạch triển khai dự án nhà ở thương mại thì cần được phát triển dự án, còn nguồn gốc trước kia là đất gì, có “dính” tí đất ở nào không thì không quá quan trọng.

Theo Dự thảo một luật sửa 8 luật đã được Chính phủ chỉ đạo nhiều bộ, ngành tham gia soạn thảo, cho ý kiến từ tháng 8/2021 đến nay,  điểm c khoản 1 Điều 75 Luật Đầu tư sẽ được thống nhất sửa đổi theo hướng cho phép nhà đầu tư có quyền sử dụng đất hợp pháp (bao gồm cả đất ở và không phải đất ở) được chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án xây dựng nhà ở theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt, trừ trường hợp các diện tích đất của nhà đầu tư thuộc vào các dự án xây dựng nhà ở, các dự án khác thuộc trường hợp nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng... theo quy định của Luật Đất đai.

Nhiều chuyên gia cho rằng, hướng sửa đổi này theo đề xuất của Chính phủ có thể giúp giảm bớt gánh nặng cho ngân sách Nhà nước nếu quy định việc phải thu hồi đất đối với các diện tích đất không phải là đất ở để đấu giá, đấu thầu. Đồng thời, tạo điều kiện sớm bổ sung thêm quỹ nhà ở cho người dân trong tình trạng nguồn cung đang khan hiếm do nhà đầu tư có quyền sử dụng đất hợp pháp được giảm bớt thời gian thực hiện các thủ tục đầu tư khác vốn rất mất thời gian, thậm chí có thể lên đến nhiều năm.

Được biết, trong phiên thảo luận trực tuyến của Quốc hội sáng 10/01 về dự án một luật sửa 8 luật về đề xuất sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 Điều 75 Luật Đầu tư (sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở) bên cạnh những ý kiến khẳng định đề xuất này là hợp lý, hợp tình, hợp thực tiễn, tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có một số ý kiến trái chiều.

Có thể bạn quan tâm

  • Một luật sửa 8 luật: Mở rộng phân quyền quyết định chủ trương đầu tư

    Một luật sửa 8 luật: Mở rộng phân quyền quyết định chủ trương đầu tư

    11:05, 10/01/2022

  • Một luật sửa 8 luật: Rà soát kỹ lưỡng các nội dung được sửa đổi

    Một luật sửa 8 luật: Rà soát kỹ lưỡng các nội dung được sửa đổi

    17:02, 06/01/2022

  • Một luật sửa 8 luật: Dù cấp bách nhưng chính sách đặt ra phải “chín”

    Một luật sửa 8 luật: Dù cấp bách nhưng chính sách đặt ra phải “chín”

    04:10, 05/12/2021

  • Chính sách tiền tệ cần là “hậu phương” cho chính sách tài khoá

    Chính sách tiền tệ cần là “hậu phương” cho chính sách tài khoá

    12:00, 09/01/2022

  • Lo trục lợi chính sách nếu chuyển đổi đất thương mại không qua đấu giá

    Lo trục lợi chính sách nếu chuyển đổi đất thương mại không qua đấu giá

    22:28, 06/01/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Một luật sửa nhiều luật: Gỡ nút thắt pháp lý cho thị trường bất động sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO