Tuần tới Thượng viện Mỹ sẽ xem xét đạo luật ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc.
Mỹ và Trung Quốc ít “nói chuyện” với nhau hơn kể từ khi ông Joe Biden trở thành Tổng thống. Dự cảm chẳng lành bởi khoảng lặng này thật đáng sợ, bởi hai bên đang toan tính những nước cờ để thi triển hàng loạt trong một vài năm tới.
Đối sách với Trung Quốc của J. Biden vẫn chưa có gì mới ngoài duy trì nền tảng mà ông Trump để lại. Tuy nhiên các bước chuẩn bị của Washington không thể xem thường.
Ngoài nối lại mạng lưới đồng minh - nếu được phê chuẩn - lần đầu tiên nước Mỹ ban hành riêng một đạo luật toàn diện nhằm vào một quốc gia đối thủ. Theo đó, sẽ huy động tổng lực các công cụ kinh tế và ngoại giao cho một chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để đối đầu với những thách thức Trung Quốc đặt ra.
Đặc biệt hơn, Hồng Công, Đài Loan và theo dõi các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc sẽ là một phần quan trọng của đạo luật này. Bên cạnh đó, dự luật kêu gọi nỗ lực thêm để củng cố quan hệ quân sự với đồng minh và đối tác ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Đồng thời, Mỹ sẽ hạn chế giúp đỡ các quốc gia có đặt cơ sở vật chất quân sự của Trung Quốc. Yêu cầu Bắc Kinh phải tuân theo phán quyết năm 2016 của Tòa trọng tài quốc tế bác bỏ các yêu sách của Bắc Kinh trên Biển Đông. Khuyến khích các đồng minh tích cực giám sát “hành vi hung hăng và quyết đoán” của Bắc Kinh.
Như vậy, Nhà trắng đang âm thầm chuẩn bị cho cuộc chiến trên mặt trận pháp lý hơn là giải quyết bằng vũ lực trong mối quan hệ với Trung Quốc. Một lần nữa khẳng định, Washington quyết tâm quốc tế hóa mối nguy Trung Quốc.
Kiềm chế Trung Quốc là trọng tâm ngoại giao của Tổng thống J. Biden. Trong các biện pháp trên, ngoại giao trực tiếp xem như đã thất bại kể từ hội đàm Alaska hồi tháng trước.
Từ các dữ kiện này cho thấy, Washington sẽ tăng cường sức ép bằng cấm vận, cô lập, phong tỏa từ xa. Đây chẳng khác gì những dấu hiệu cơ bản báo hiệu cuộc “chiến tranh lạnh”.
Bất kể hình thức chiến tranh nào, mức độ liên kết với đồng minh có vai trò quyết định đến kết quả cuối cùng. Xét về phương diện này, Mỹ có lợi thế hơn, nước này đã tạo hiệu ứng bằng các cuộc đàm phán “2 + 2”, “đối thoại 4 bên”.
Trước đó và các cuộc họp giữa các ông Antony Blinken và Joe Biden với NATO và Liên minh châu Âu, Mỹ và các đồng minh đã đạt được đồng thuận sơ bộ về việc chống lại Trung Quốc. Trong số đó, đáng chú ý là về vấn đề Tân Cương; Mỹ, EU cùng Vương quốc Anh và Canada đã gần như cùng đồng nhất một quan điểm.
“Chiến tranh lạnh 2.0” về cơ bản giống với chiến tranh lạnh Mỹ - Liên xô giữa thế kỷ 20 - cốt lõi vẫn là xung đột ý thức hệ và quan niệm giá trị.
Khả năng thiết lập đồng minh của Bắc Kinh kém hơn, trước hết vì nước này chưa đủ kinh nghiệm xử lý các vấn đề toàn cầu, nhưng mấu chốt là “giá trị Trung Quốc” chưa thật sự thuyết phục, nếu không muốn nói là để lại quá nhiều lo lắng.
Các quốc gia được xem là đồng minh với Trung Quốc đều hạn chế tiềm lực. Cho nên, Bộ Ngoại giao nước này đang tập trung “điền vào ô trống” - những nơi đang xảy ra mâu thuẫn với Mỹ, cụ thể là các nước ở Trung Đông.
Thời điểm này hai bên chưa thể ra đòn chí tử với nhau - “chiến tranh lạnh” đang ở giai đoạn chuẩn bị lực lượng.
Có thể bạn quan tâm
Quan hệ Mỹ - Trung nhìn từ Alaska
06:29, 22/03/2021
Quan hệ Mỹ - Trung nhìn từ Alaska (Bài 2)
06:00, 24/03/2021
Hậu bầu cử Mỹ: Liệu mối quan hệ Mỹ - Trung sẽ có sự thay đổi?
05:04, 01/12/2020
Điểm sáng bất ngờ trong quan hệ Mỹ - Trung
07:12, 30/10/2019
Mối quan hệ Mỹ - Trung: Quá quan trọng để bỏ qua
13:00, 12/01/2019
Bầu cử giữa kỳ định hình tương lai quan hệ Mỹ - Trung
11:02, 16/09/2018
Mối quan hệ Mỹ - Trung: Ai nắm dao đằng chuôi?
14:20, 25/08/2017