Vừa qua, Chính quyền Tổng thống Joe Biden tuyên bố sẽ tăng cường việc giám sát các hoạt động đầu tư của Trung Quốc vào các công ty khởi nghiệp của Washington.
Theo thông tin được Wall Street Journal đăng tải, Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS), cơ quan chuyên xem xét các khoản đầu tư vào Mỹ đã được tăng cường nhân lực với các chuyên gia từ các ngân hàng đầu tư, công ty công nghệ nhằm tập trung vào các khoản đầu tư nước ngoài có thể gây ra mối đe dọa tới an ninh quốc gia.
Cụ thể, đội ngũ mới dưới thời Tổng thống Biden sẽ siết chặt giám sát các khoản tiền từ Trung Quốc đổ vào các công ty khởi nghiệp của Mỹ, kể cả các giao dịch nhỏ. Dự kiến cơ quan mới sẽ có quyền phạt tiền, ra lệnh cho các công ty thay đổi cơ cấu quản trị hoặc thậm chí yêu cầu thoái vốn nếu phát hiện ra đầu tư Trung Quốc trong một số thương vụ nhất định.
Có thể nhận thấy, việc Tổng thống Biden củng cố CFIUS là một trong nỗ lực của nhằm hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ. Không chỉ có kiềm soát nguồn vốn đầu tư từ bên ngoài, chính quyền Washington cũng cho biết họ sẽ yêu cầu các nhà cung ứng Mỹ phải xin giấy phép trước khi giao dịch với Semiconductor Manufacturing International Corporation (SMIC).
Các chuyên gia nhận định, chính phủ Biden sẽ tiếp tục đối đầu với Trung Quốc trong lĩnh vực quan trọng này nhằm nỗ lực cản trở sự phát triển thần tốc của cường quốc châu Á. Cụ thể, thông qua ngăn chặn đầu tư vào các công ty công nghệ khởi nghiệp, những sáng tạo và các phát minh công nghệ mới sẽ tránh rơi vào tay Trung Quốc.
Trong quá khứ, rất lâu trước khi Trung Quốc được coi là đối thủ công nghệ của Mỹ, Washington luôn tìm cách kìm kẹp sự phát triển công nghệ của quốc gia châu Á này.
Thông qua các thỏa thuận như Thỏa thuận Wassenaar, một cơ chế nhằm kiểm soát xuất khẩu vũ khí thông thường và các sản phẩm công nghệ lưỡng dụng đa phương, Mỹ và các đồng minh của họ đã đảm bảo rằng những tiến bộ công nghệ của Trung Quốc luôn được nằm ở phía sau và duy trì trong một khoảng cách an toàn.
Kết quả là lĩnh vực công nghệ Trung Quốc, mặc dù có quy mô và tốc độ tăng trưởng ấn tượng nhưng phụ thuộc rất nhiều vào công nghệ nước ngoài. Mặc dù quốc gia này đã tự chủ trong các lĩnh vực liên quan đến tiêu dùng và mạng xã hội, nhưng Trung Quốc vẫn phụ thuộc Mỹ trong những công nghệ quan trọng nhất như bán dẫn, hệ điều hành, chip... mà chưa tìm ra giải pháp thay thế.
Mario Daniels, trợ lý giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Georgetown cho biết, trong những năm qua, việc Trung Quốc không ngừng thông qua các thương vụ mua bán sáp nhập với các công ty công nghệ trên thế giới và cả Thung lũng Silicon là một biện pháp nhằm giúp quốc gia châu Á này “nhảy cóc” trên chặng đua với những cường quốc khác.
“Trung Quốc đang cần làm chủ các công nghệ tiên tiến hơn. Việc liên doanh với các công ty nước ngoài đã không mang lại hiệu quả. Chính vì vậy, với tiềm lực tài chính từ chính phủ, các vụ mua bán đã diễn ra mạnh mẽ trên khắp thế giới, nhất là với các doanh nghiệp khởi nghiệp đang rất cần vốn đầu tư”, ông Mario phân tích.
Mặt khác, trong rất nhiều năm, Trung Quốc đã hạn chế mở cửa nền kinh tế cho các công ty nước ngoài trong một số lĩnh vực quan trọng. Chính vì vậy, việc siết chặt quy định với các công ty Trung Quốc cũng có thể là động thái trả đũa, cũng như làm đòn bẩy để ép quốc gia này nhượng bộ các cuộc đàm phán giữa hai nước trong tương lai.
Khác với người tiền nhiệm, ông Joe Biden chắc chắn sẽ cân nhắc kỹ lưỡng hơn các lợi ích của Mỹ khi phát triển chính sách đối với Trung Quốc và mối quan hệ song phương. Nếu Trung Quốc muốn tăng cường cơ hội đầu tư vào Mỹ, họ cần nhún nhường hơn trong việc đối thoại với Tổng thống và chính quyền mới của ông. Và đó không phải là điều dễ dàng.
Có thể bạn quan tâm
Chính quyền Biden và liên minh chống Trung Quốc
13:30, 01/02/2021
Ban hành Luật Hải cảnh: Trung Quốc "thách thức" ASEAN và Mỹ
12:00, 30/01/2021
ĐỐI THOẠI DAVOS: Trung Quốc thị uy sức mạnh “mềm”
06:00, 29/01/2021
Mỹ nhấn mạnh lập trường cứng rắn với Trung Quốc tại Biển Đông
06:00, 29/01/2021
Chính quyền Biden có tháo "rào cản" cho các công ty Trung Quốc?
12:34, 28/01/2021