Hiện nay, gạo có nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý rõ ràng đang “được lòng” người tiêu dùng tại các thị trường “khó tính”.
Khẳng định vị trí top 3 về xuất khẩu
Sau nhiều năm thăng trầm, Việt Nam đã khẳng định được vị trí top 3 về xuất khẩu gạo một cách đầy hãnh diện. Đáng chú ý, gạo của Việt Nam đã có mặt tại 150 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bên cạnh các thị trường truyền thống, gạo Việt Nam đã từng bước thâm nhập vào các thị trường khó tính như: EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ…
Năm 2010, Chính phủ ban hành Nghị định 109 về kinh doanh, xuất khẩu gạo, trong đó có những quy định được xem là "trói buộc" đối với doanh nghiệp như: phải có ít nhất một kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn lúa, có ít nhất một cơ sở xay xát lúa gạo với công suất tối thiểu 10 tấn/giờ hay phải đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo qua Hiệp hội Lương thực Việt Nam. Đến tháng 8/2018, sau gần 8 năm, với sự ra đời của Nghị định 107, những quy định không còn phù hợp đã được bãi bỏ nhằm "cởi trói" cho hạt gạo, đồng thời giúp doanh nghiệp rộng đường hơn khi xuất khẩu.
Bên cạnh đó, những tiến bộ trong sản xuất, cơ cấu giống, mùa vụ, cùng với những biện pháp canh tác thích hợp, đã từng bước nâng cao chất lượng gạo Việt Nam. Các giống lúa thơm, chất lượng cao, nhằm phục vụ những phân khúc thị trường cao cấp cũng được quan tâm hơn.
Bộ Công Thương nhận định, thời gian gần đây, giá gạo xuất khẩu duy trì ở mức cao, góp phần tăng tiêu thụ lúa gạo hàng hóa, có lợi cho người nông dân. Giá gạo xuất khẩu ở mức cao, lượng gạo xuất khẩu duy trì tích cực và gạo Việt Nam vẫn có tính cạnh tranh trên thị trường, từ đó giúp nâng giá thu mua trong nước, tăng lợi nhuận cho nông dân trồng lúa.
Mặc dù có những tín hiệu khả quan, song dự báo của các chuyên gia cho thấy, kim ngạch xuất khẩu gạo Việt Nam thời gian tới có thể đối diện không ít khó khăn trong cạnh tranh với các sản phẩm gạo Thái Lan, Campuchia…
Bên cạnh đó, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - cho rằng hiện nay, các quốc gia nhập khẩu có nhiều giải pháp quản lý mặt hàng gạo. Chẳng hạn, Trung Quốc là thị trường lớn nhất của gạo Việt Nam đã duy trì chế độ nhập khẩu chặt chẽ thông qua hạn ngạch, kiểm tra an toàn thực phẩm nghiêm ngặt. Xu thế này cũng được các nước khác áp dụng khiến doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam phải cạnh tranh khốc liệt hơn.
Vẫn phải đi lên từ "chất"
Nhìn từ khía cạnh khác, cạnh tranh sẽ là động lực giúp doanh nghiệp Việt Nam phải cọ xát, nâng cao sức cạnh tranh so với doanh nghiệp các nước, không chỉ dựa vào số lượng hoặc gạo cấp thấp mà phải cạnh tranh bằng chất lượng và tính chuyên nghiệp.
Có thể bạn quan tâm
15:18, 11/10/2018
02:00, 31/10/2018
11:00, 11/10/2018
03:12, 11/10/2018
11:20, 09/10/2018
Các chuyên gia thương mại và xuất khẩu cho rằng thời gian tới sản xuất gạo của Việt Nam cần theo đuổi quy trình gạo sạch, gạo hữu cơ, hay đa dạng hóa các sản phẩm chế biến từ lúa gạo. Đồng thời, cần tổ chức sản xuất theo quy trình chuẩn (đồng bộ từ khâu chọn giống, canh tác, thu hoạch, chế biến, đóng gói…). Cũng cần xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất lúa gạo hàng hóa có chất lượng, nhằm xây dựng uy tín, thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường.
Ông Martin Albani (Chuyên gia Tập đoàn Tài chính quốc tế) phân tích, để gạo Việt có hình ảnh “đậm nét” hơn trên thị trường, phải thay đổi cách thức từ buôn bán hàng hóa sang hoạt động makerting. Thương hiệu chính là việc xác định hình ảnh. Ở giai đoạn đầu, doanh nghiệp đưa ra hình ảnh, sau đó phải phát triển thương hiệu. Đưa ra thương hiệu không chỉ tác động đến chủ thương hiệu, tác động đến khách hàng, mà còn tác động lớn tới đối tác.
Để nâng cao chất lượng gạo, các chuyên gia cho rằng, những doanh nghiệp tham gia thị trường gạo và ngay cả nông dân cũng phải thay đổi nhận thức và tư duy trong trồng lúa, xuất khẩu gạo (theo hướng gắn bó hơn với doanh nghiệp), đồng thời sản xuất ra các sản phẩm có chất lượng hơn, bảo đảm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Vào tháng 12/2018, tại Festival Lúa gạo lần 3 được tổ chức tại tỉnh Long An, logo thương hiệu gạo Việt Nam sẽ được công bố. Dù khá muộn sau gần 30 năm tham gia thị trường, đây sẽ là điều kiện để hạt gạo Việt có tên, có tiếng, từ đó gia tăng giá trị, nâng cao thu nhập cho chính bà con nông dân trong thời gian tới.