Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng cần có chế tài nghiêm đối với các doanh nghiệp trả giá đấu thầu cao rồi bỏ cọc làm lũng đoạn thị trường.
>>Quốc hội thông qua Luật Kinh doanh Bất động sản sửa đổi, hiệu lực từ 1/1/2025
Sáng 28/11, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Các biện pháp để xử lý tình trạng trả giá cao rồi bỏ cọc nhận được nhiều quan tâm của đại biểu.
Đề nghị xử lý hình sự
Góp ý vào dự thảo luật, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) nhận định việc sửa đổi quy định về tiền đặt trước và xử lý tiền đặt trước trong đấu giá tài sản là rất cần thiết, để tránh việc lợi dụng tham gia đấu giá không vì mục đích đấu giá, thay vào đó là thông đồng, thỏa thuận với nhau để trả giá thấp, làm thất thu ngân sách nhà nước, dẫn tới tiêu cực.
Đại biểu Hòa dẫn chứng một số vụ việc bỏ cọc đấu giá, làm lũng đoạn thị trường, "lu mờ hình ảnh của cuộc đấu giá", gây dư luận không tốt thời gian qua. Điển hình, vụ Tân Hoàng Minh bỏ cọc đấu giá đất ở khu đô thị mới Thủ Thiêm, các cuộc đấu giá biển số xe ô tô hay 3 mỏ cát ở Hà Nội...
"Cần có chế tài xử lý mạnh tay hơn với những trường hợp trúng đấu giá nhưng bỏ cọc, như phạt hành chính, tăng tiền cọc và cấm những người này tham gia các cuộc đấu giá sau trong một thời gian", đại biểu tỉnh Đồng Tháp kiến nghị. Đồng thời, ông Hòa đề nghị công nhận kết quả đối với người trả giá cao thứ hai, không cần tổ chức đấu giá lại, tránh tốn kém.
Bên cạnh đó, bà Phan Thị Mỹ Dung (đoàn Long An) cho biết, thực tế một số tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá nhưng bỏ cọc, với mục đích thao túng thị trường để hình thành mặt bằng giá mới. Do đó, bà Dung đề xuất sau thời gian nhất định mà người trúng đấu giá không hoàn thành nghĩa vụ tài chính và không chứng minh được lý do bất khả kháng thì ngoài việc mất tiền đặt trước còn bị phạt thêm một số tiền. Tất nhiên, việc phạt này phải dựa trên cơ sở bổ sung các quy chế, chế tài có liên quan.
Theo đại biểu Dung, nhiều cuộc đấu giá mà người tham gia biểu hiện bất thường, trả giá cao so với mặt bằng chung, nhất là tài sản công như quyền sử dụng đất, quyền khai thác mỏ. Trong đó, có cuộc đấu giá, người tham gia trả giá cao vài chục, tới hơn 200 lần giá khởi điểm; hoặc từ giá khởi điểm 24 tỷ đồng, nhưng giá trúng được trả lên tới gần 1.700 tỷ, cao bất thường.
>>Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi) vừa thông qua: Siết phân lô, bán nền
Theo đó, nữ đại biểu dẫn chứng và cho rằng luật chưa quy định đấu giá viên hoặc người có tài sản đấu giá được quyền dừng hoặc yêu cầu dừng cuộc đấu giá để xử lý các trường hợp tương tự.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Duy Thanh (đoàn Cà Mau) cho rằng, cần có các quy định để hướng tới hạn chế tình trạng bỏ cọc đấu giá. Luật hiện hành quy định mức tiền đặt trước từ 5 - 20% giá khởi điểm (sau khi trúng đấu giá chuyển thành tiền đặt cọc), trong khi nhiều trường hợp giá khởi điểm thấp nên người trúng đấu giá không phải cân nhắc quá nhiều khi bỏ cọc.
Để hạn chế tình trạng trúng đấu giá rồi bỏ cọc, theo đại biểu Thanh, cần tách bạch giữa tiền đặt trước và tiền cọc. Trong đó, tiền đặt cọc có thể 20-30% giá trúng đấu giá, phải nộp ngay sau khi có kết quả trúng đấu giá. Nếu người trúng đấu giá không nộp sẽ hủy kết quả, cuộc đấu giá tiếp tục được diễn ra.
Đồng thời, đại biểu Thanh cũng nhấn mạnh việc có thể tham khảo kinh nghiệm quốc tế, bổ sung quy định cụ thể theo hướng xử lý hình sự đối với hành vi bỏ cọc đấu giá và có dấu hiệu thao túng, gây rối trật tự, ảnh hưởng xấu đến an ninh kinh tế.
Ở một góc nhìn khác, đại biểu Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang) cho rằng, đây là quan hệ dân sự, trong mọi trường hợp, phải tôn trọng, bảo vệ quyền được từ bỏ tài sản trúng đấu giá của người trúng đấu giá. Do đó, "chỉ nên điều chỉnh bằng các quan hệ khác, trong trường hợp này, cần điều chỉnh về tiền đặt trước".
Đại biểu Thịnh cho biết, khi đấu giá theo hình thức trả giá lên nhiều vòng liên tục, khi nào giá bắt đầu đến mức gấp 2 lần giá khởi điểm ban đầu thì cho phép điều chỉnh giá đặt trước. Quy định như vậy sẽ phù hợp hơn với điều kiện thực tế. Ngoài ra, quy định về tiền đặt trước này chỉ nên đặt ra đối với tài sản Nhà nước mang ra đấu giá, không nên điều chỉnh đối với các tài sản khác.
Bỏ cọc đấu giá đất gây nhiều hệ lụy tiêu cực
Trong thời gian vừa qua, trên khắp cả nước đã xảy ra nhiều trường hợp cá nhân và doanh nghiệp tham gia đấu giá với giá cao nhưng sau đó bỏ cọc. Tình trạng này đã tạo ra những hệ lụy tiêu cực đối với thị trường.
Theo các chuyên gia, nhiều trường hợp cá nhân và doanh nghiệp trúng đấu giá với giá cao sau đó bỏ cọc không nộp tiền trúng thầu gây ra những hệ lụy tiêu cực đối với thị trường.
Trước hết, việc trúng đấu giá với giá cao, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản, đã tạo ra nguy cơ làm xáo trộn thị trường nhà đất. Có những quan ngại rằng, các doanh nghiệp có thể có ý định tăng giá đất đấu giá để sau đó bán những lô đất xung quanh với giá cao hơn, dù họ phải chấp nhận mất số tiền cọc. Hành động này có thể làm gia tăng giá đất xung quanh và tạo ra sự bất ổn trong thị trường.
Mặt khác, việc các doanh nghiệp bỏ cọc sau khi trúng đấu giá cũng gây nhiều khó khăn cho địa phương và cơ quan chức năng trong việc tổ chức bán đấu giá và tăng nguồn thu cho ngân sách. Tình trạng này không chỉ làm mất đi nguồn thu quan trọng mà còn tạo ra sự không chắc chắn và không công bằng trong quá trình đấu giá đất đai. Điều này làm mất thời gian, công sức của các đơn vị quản lý, tổ chức và ảnh hưởng đến cá nhân có nhu cầu thực sự.
Liên quan đến vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng, việc cần có thêm những chế tài nghiêm khắc hơn để đảm bảo tính răn đe và hạn chế tình trạng trục lợi từ việc trúng đấu giá với giá cao rồi bỏ cọc.
Có thể bạn quan tâm