Đây là đánh giá của Bộ Công thương tại Hội nghị Công thương khu vực phía Bắc gồm 28 tỉnh, thành được tổ chức sáng nay tại Hải Phòng.
Tốt không đều
Ông Đặng Hoàng An - Thứ trưởng Bộ Công Thương nêu rõ, ngành Công thương khu vực phía Bắc hiện đang có những dấu hiệu bất thường khi giá trị sản xuất công nghiệp (SXCN) có dấu hiệu chững lại. Năm 2018, giá trị SXCN của vùng đạt cao nhất so với các khu vực trên cả nước thì mức tăng của những tháng đầu năm 2019 thấp.
“Dấu hiệu này là cảnh báo khó khăn trong việc hoàn thành kế hoạch sản xuất công nghiệp, thương mại của vùng trong năm 2019. Nếu không tìm ra giải pháp hữu hiệu và sớm triển khai sẽ không chỉ kéo thấp mức tăng trưởng của vùng mà còn ảnh hưởng tới mục tiêu tăng trưởng của cả nước”, ông An nhấn mạnh.
Theo số liệu, các địa phương khu vực phía Bắc đạt tổng kim ngạch xuất khẩu ở mức cao, chiếm tỷ trọng lớn/toàn khu vực là: Bắc Ninh (34,9 tỷ USD), chiếm 28,23%; Thái Nguyên (25 tỷ USD), chiếm 20,26%; Hà Nội (14,2 tỷ USD), chiếm 11,51%; Hải Phòng (11,6 tỷ USD), chiếm 9,15%...Tuy nhiên, 2 địa phương đứng đầu là Bắc Ninh và Thái Nguyên có tổng kim ngạch xuất khẩu đều nhờ vào Samsung.
Ông Nguyễn Tiến Nhường - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở tỉnh này vẫn chiếm tỷ trọng lớn, tới 90% kim ngạch xuất khẩu và 80% giá trị SXCN của tỉnh. “Chỉ samsung ốm nhẹ thôi là tỉnh sẽ lao đao”.
Môi trường cũng là vấn đề nóng được nêu ra tại hội nghị này. Hạ tầng cụm công nghiệp, làng nghề trên địa bàn tỉnh hạn chế là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, ý thức của doanh nghiệp trong xử lý nước thải, rác thải rất kém, tỉnh dù đã rất nỗ lực xử lý, thậm chí ưu đãi lớn nhưng tiến triển rất chậm. Thứ trưởng Bộ Công thương cho rằng “cần xử lý hình sự với các đơn vị gây ô nhiễm môi trường để lại hậu quả nghiêm trọng”.
Ông Nguyễn Công Trưởng, Phó Chủ tịch tỉnh Lạng Sơn cho biết, là tỉnh liên quan đến biên giới và có 12 cửa khẩu nhưng 2 năm gần đây việc xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu bị sụt giảm rất nhiều so với hàng năm do phía Trung Quốc có những chính sách thay đổi, 4 tháng đầu năm xuất khẩu của tỉnh chỉ đạt 1,5 tỷ USD, riêng mặt hàng nông sản giảm tới 18,8% so với cùng kỳ năm 2018.
“Bộ Công Thương sớm tổ chức hội đàm với Chính phủ Trung Quốc giúp Lạng Sơn thuận lợi hơn trong thông quan hàng hoá. Trung Quốc cũng không còn là thị trường khó tính, do vậy Bộ sớm phối hợp với các đơn vị liên quan cảnh báo thường xuyên cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Đặc biệt, làn sóng doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư tại Việt Nam ngày một rõ nét. Lạng Sơn hiện đã tiếp nhận một số dự án, tuy nhiên hiệu quả của các dự án này chưa chắc đã đạt như kỳ vọng. Do vậy, đề nghị Bộ Công Thương các bộ, ngành khác thận trọng trong thẩm định các dự án này”, ông Nguyễn Công Trưởng đề xuất.
Tháo gỡ khó khăn
Tháo gỡ những khó khăn cho các địa phương trong vùng, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho rằng, trong khuôn khổ chức năng, nhiệm vụ, Bộ Công Thương sẽ đồng hành và gỡ khó tối đa cho các địa phương. Tuy nhiên, với những khó khăn đã được nhận diện các địa phương sớm triển khai giải pháp, tạo thuận lợi cho phát triển sản xuất công nghiệp, thương mại.
Các địa phương chủ động xây dựng cơ chế, chính sách chủ yếu hỗ trợ phát triển công nghiệp và thương mại; tập trung chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại; kêu gọi đầu tư phát triển công nghiệp theo chiều sâu, các ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ, giá trị gia tăng và tỷ trọng giá trị nội địa cao; phát triển kết cấu hạ tầng thương mại và hệ thống phân phối; xây dựng danh mục và khuyến khích thu hút đầu tư các dự án trọng điểm phát triển hạ tầng thương mại; phát huy tối đa nguồn lực, lồng ghép các chương trình nguồn vốn để đầu tư phát triển lưới điện nông thôn, tổ chức quản lý vận hành đảm bảo an toàn cung cấp điện, giảm tổn thất điện năng, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa...
Với khó khăn của Lạng Sơn, đại diện Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công Thương cho biết, thời gian vừa qua kinh tế Trung Quốc liên tục tăng trưởng, thu nhập của người dân tăng cao kéo theo thị hiếu tiêu dùng thay đổi theo hướng khắt khe hơn. Do vậy, Chính phủ Trung Quốc đã nâng cao tiêu chuẩn nhập khẩu, đưa ra quy định về truy xuất nguồn gốc và siết chặt thực hiện từ năm 2018. Căng thẳng thương mại Trung Quốc - Mỹ leo thang, cơ quan quản lý thương mại biên giới của Trung Quốc đã tăng cường các biện pháp kiểm soát để ngăn chặn dòng hàng hoá của Mỹ có thể qua Việt Nam vào thị trường Trung Quốc. Đó là những nguyên nhân gây khó cho hoạt động xuất khẩu, nhất là nông sản qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn thời gian gần đây.
Có thể bạn quan tâm
14:15, 20/05/2019
18:13, 08/05/2019
00:40, 05/05/2019
04:05, 27/04/2019
Tại hội nghị, công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành đã được Sở Công thương các tỉnh, thành phố tập trung xây dựng, bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực công nghiệp - thương mại phù hợp, thống nhất với quy hoạch tổng thể của địa phương. Các quy hoạch đã góp phần quan trọng trong việc định hướng phát triển ngành Công thương khu vực phía Bắc cũng như quá trình phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh, thành phố.
Hoạt động xúc tiến thương mại đã được Sở Công thương các tỉnh, thành phố đẩy mạnh triển khai theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả; linh hoạt hình thức tổ chức, đa dạng về ngành hàng, dịch vụ sản phẩm đặc trưng, có lợi thế của từng địa phương, để phát triển đồng thời thị trường trong và ngoài nước. Duy trì việc cung cấp thông tin về môi trường, chính sách, cơ hội đầu tư sản xuất - kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại của địa phương, thông qua Cổng thông tin điện tử, website thương mại điện tử, các ấn phẩm của các Sở Công thương các tỉnh, thành phố trong khu vực.
Hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp trong việc tiếp cận thông tin, tìm kiếm khách hàng, xây dựng và phát triển thương hiệu. Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh tham gia các hội chợ, triển lãm công nghiệp, thương mại.