Nghiên cứu - Trao đổi

Nghị quyết 68-NQ/TW: Bảo vệ quyền tài sản và quyền tự do kinh doanh

Yến Nhung thực hiện 22/05/2025 11:05

Việc bảo đảm thực chất quyền tài sản và quyền tự do kinh doanh chính là thước đo cho chất lượng của một nhà nước pháp quyền hiện đại, do dân và vì dân.

hung quang
Luật sư Nguyễn Hưng Quang

Đây là chia sẻ của Luật sư Nguyễn Hưng Quang, Luật sư điều hành Văn phòng Luật sư NHQuang&Cộng sự, Chủ tịch Trung tâm hoà giải thương mại quốc tế Việt Nam (VICMC) với Diễn đàn Doanh nghiệp.

Luật sư đánh giá như thế nào về yêu cầu bảo vệ các quyền như quyền tài sản và tự do kinh doanh của kinh tế tư nhân trong Nghị quyết 68-NQ/TW (Nghị quyết 68)?

Tôi cho rằng, cùng với một số nghị quyết nhằm hoàn thiện thể chế của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) như Nghị quyết 27/NQ-TW tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN giai đoạn mới, Nghị quyết 66/NQ-TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới… Nghị quyết 68 đã khẳng định về tính cấp thiết nhấn mạnh lại yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu, quyền tài sản và tự do kinh doanh trong giai đoạn củng cố việc xây dựng Nhà nước pháp quyền hiện nay.

Trong bối cảnh khu vực tư nhân đang đóng góp lớn cho nền kinh tế với hàng triệu hộ kinh doanh và doanh nghiệp, việc bảo vệ quyền tài sản và tự do kinh doanh là yếu tố cốt lõi để thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng, huy động nguồn lực tư nhân, và giảm thiểu can thiệp hành chính không cần thiết vào hoạt động kinh doanh.

Đồng thời, Nghị quyết cũng nhấn mạnh “củng cố niềm tin giữa Nhà nước và khu vực kinh tế tư nhân” trong bối cảnh pháp lý còn nhiều thay đổi, tiềm ẩn rủi ro và chi phí tuân thủ cao. Do đó, việc bảo vệ các quyền này là cần thiết để tạo môi trường kinh doanh an toàn, khuyến khích đầu tư dài hạn, khuyến khích người dân tham gia thị trường.

kttn4.jpg

Theo luật sư, hiện nay các quyền nói trên của doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân đã được đảm bảo ở mức độ nào trên thực tế?

Quyền tài sản và quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân tại Việt Nam đã có nhiều tiến bộ đáng ghi nhận về mặt pháp lý và chính sách, với hệ thống quy định rõ ràng trong Hiến pháp, Bộ luật Dân sự và các luật chuyên ngành như Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Đất đai, và Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng… cùng các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết có liên quan đến quyền tài sản như Hiệp định TRIPS về sở hữu trí tuệ, CPTPP, EVFTA, EVIPA... Cùng với đó, Nhà nước cũng đã có nhiều nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, xoá bỏ rào cản liên quan đến hoạt động kinh doanh (như Nghị quyết 30 của Thủ tướng Chính phủ, chuỗi Nghị quyết 19, Nghị quyết 02).

Tuy nhiên, trên thực tế, các quyền này vẫn chưa được đảm bảo đầy đủ. Vẫn còn tình trạng “giấy phép con”, thanh kiểm tra tràn lan, chi phí không chính thức, pháp luật chồng chéo... những thực tiễn này đã làm hạn chế quyền tự do kinh doanh theo khảo sát tại Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Đặc biệt, tình trạng "hình sự hoá quan hệ kinh tế" và sự thiếu bình đẳng giữa khu vực tư nhân và doanh nghiệp nhà nước khiến nhiều doanh nghiệp e ngại phát triển lớn. Do đó, cần có các biện pháp quyết liệt và thực chất hơn để đảm bảo quyền lợi thực tế cho khu vực kinh tế tư nhân.

Vậy luật sư có khuyến nghị gì về hoàn thiện thể chế để bảo đảm quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh thực chất và hiệu quả?

Đối với quyền tài sản, cần sửa đổi các quy định pháp luật liên quan đến đất đai, địa điểm kinh doanh, đầu tư và sở hữu trí tuệ theo hướng cụ thể hóa chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ, khởi nghiệp sáng tạo và doanh nghiệp công nghệ. Cần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho mô hình kinh doanh linh hoạt và rút ngắn thủ tục đăng ký, bảo hộ tài sản trí tuệ. Đồng thời, phải bảo đảm quyền tiếp cận công bằng các nguồn lực công như thông tin quy hoạch, đầu tư, khoa học công nghệ và đấu thầu, đấu giá. Công tác thực thi pháp luật trong lĩnh vực này phải nghiêm minh như công tác phòng chống các tội xâm phạm trật tự công khác.

Đặc biệt, tôi nghĩ là các quy định pháp luật về bồi thường nhà nước, quy định pháp luật về tố tụng hành chính cần được sửa đổi. Chúng ta cần nâng cao chất lượng hệ thống tư pháp, nhất là là tòa án để thúc đẩy tính chuyên nghiệp, độc lập xét xử của hệ thống này để có thể bảo vệ được quyền tài sản của người dân, doanh nghiệp được hiệu quả hơn.

Đối với quyền tự do kinh doanh, cần tiếp tục rà soát, cắt giảm các điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính không còn phù hợp, cải cách toàn diện hệ thống giấy phép con. Các quy định pháp luật về điều kiện kinh doanh chuyên ngành, thủ tục hành chính cần phải tiếp tục được rà soát với các phương pháp tính toán chi phí tuân thủ pháp luật, tính hợp pháp, tính hợp lý và tính thống nhất. Quy định về hậu kiểm cần minh bạch, dễ hiểu, ổn định, giúp doanh nghiệp dự đoán được rủi ro. Cần nghiên cứu sửa đổi các quy định về hình sự, tố tụng hình sự, tố tụng dân sự và tố tụng hành chính để bảo đảm các quyền được tiếp cận tư pháp công bằng của người dân, doanh nghiệp nhằm hạn chế rủi ro tối đa về hình sự hoá các hoạt động kinh doanh thương mại.

Tôi cho rằng, hệ thống tòa án cần có các toà án chuyên trách hoặc đội ngũ thẩm phán chuyên trách giải quyết các vụ án kinh doanh thương mại, sở hữu trí tuệ, phá sản công nhận và cho thi hành các phán quyết trọng tài và thoả thuận hoà giải thành ngoài toà án… hướng tới tạo dựng môi trường kinh doanh an toàn, bình đẳng.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nghị quyết 68-NQ/TW: Bảo vệ quyền tài sản và quyền tự do kinh doanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO