Công ty “vỏ bọc” hay công ty “bình phong”, công ty “ma” được thành lập để che chắn cho công ty mẹ nhằm thực hiện những hoạt động kinh doanh phi pháp, trong đó có hoạt động rửa tiền…
>>Nhận diện những "chiêu thức" rửa tiền - Bài 1: “Xóa dấu vết” qua bất động sản
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, nếu không có giải pháp ngăn chặn, Việt Nam rất dễ trở thành “thiên đường” rửa tiền của các đối tượng phạm tội, thủ đoạn của tội phạm rửa tiền luôn thay đổi và ngày càng tinh vi hơn nhằm đối phó, gây khó khăn cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc xác định, truy tìm, phong tỏa, tịch thu “tiền bẩn". Đặc biệt, những “chiêu trò” của loại tội phạm này luôn nằm tiềm ẩn trong nhiều hoạt động kinh tế. Theo nhận định, một trong những “mánh khóe” điển hình là việc thành lập các công ty “ma” để mua bán khống hàng hóa.
Theo luật sư Nguyễn Trọng Hiệp – Giám đốc Công ty Luật HPVN, những doanh nghiệp dạng này là một thực thể được thành lập hợp pháp, nhưng quá trình hoạt động lại không thực hiện các chức năng vốn có mà nhằm mục đích rửa các nguồn tiền bất chính, thông qua các hợp đồng khống tạm nhập tái xuất hàng hóa; hoặc khai báo nhiều hoặc ít hơn số lượng hàng hóa thực tế được vận chuyển.
Thậm chí, bên xuất khẩu có thể không chuyển bất kỳ hàng hóa nào lên tàu nhưng tội phạm thông đồng với các bên có liên quan (vận chuyển, hải quan, nhà nhập khẩu...), để có được bộ hồ sơ chứng từ khống đầy đủ thủ tục liên quan đến việc vận chuyển hàng hóa…
Đây là thủ đoạn của vợ chồng Nguyễn Thị Nguyệt và Phạm Anh Tuấn cùng 11 đồng phạm sử dụng trong vụ vận chuyển trái phép hơn 30.000 tỷ đồng vừa bị Viện KSND thành phố Hà Nội truy tố. Theo đó vợ chồng Nguyệt mượn CMND của người thân để thành lập 8 công ty, với những ngành nghề kinh doanh khác nhau, song đều có chung ngành xuất nhập khẩu. Sau đó Nguyệt soạn và ký các hợp đồng kinh tế mua hàng hóa là IC điện thoại thông minh của các công ty tại Singapore xuất bán cho các công ty tại Trung Quốc theo hình thức tạm nhập tái xuất để có tờ khai hải quan. Tiếp đó Nguyệt liên hệ với các ngân hàng, lập các tài khoản rồi thực hiện việc chuyển tiền trái phép từ Việt Nam ra nước ngoài để hưởng lợi 0,1% trên mỗi giao dịch chuyển tiền. Số hàng linh kiện mua từ Trung Quốc được khai khống giá lên nhiều lần, đồng thời cũng được quay vòng nhiều lần để tạo các bộ tờ khai hải quan, sau đó chuyển cho ngân hàng để thực hiện các yêu cầu chuyển tiền.
Sau khi hợp thức được hồ sơ tạm nhập tái xuất, vợ chồng Nguyệt cùng các đồng phạm đã nhiều lần chuyển tổng số tiền hơn 30.000 tỷ đồng trái phép ra nước ngoài. Cơ quan tố tụng cáo buộc bằng những thủ đoạn trên, Nguyễn Thị Nguyệt đã thu lời bất chính gần 30,5 tỉ đồng. Quá trình điều tra, bị can khai số tiền hưởng lợi đã được chi trả cho hoạt động của các công ty, mua hàng, vận chuyển hàng hóa và chi tiêu cá nhân hết. Tuy nhiên đến thời điểm này, CQĐT vẫn chưa xác định được chủ nhân của số tiền khủng kia là ai?
>>Luật Phòng, chống rửa tiền: Những bất cập cần sửa đổi
Hay như một thủ đoạn tinh vi không kém, đó là việc các đối tượng lợi dụng chính sách khuyến khích đầu tư kinh doanh của Nhà nước, các đối tượng đã sử dụng tiền bẩn có được từ hành vi phạm tội góp vốn, thành lập công ty “bình phong” dưới vỏ bọc doanh nhân đầu tư vào các dự án nhằm hợp thức hoá tài sản… như trong vụ án Nhật Cường.
Theo đó, trong quá trình điều tra vụ án buôn lậu, vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng và rửa tiền xảy ra tại Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Nhật Cường (Nhật Cường), Công ty TNHH giải pháp phần mềm Nhật Cường (Nhật Cường Software), Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã phát hiện ra nhiều tình tiết lắt léo, như: Công ty Nhật Cường sử dụng các khoản tiền từ buôn lậu để phục vụ cho hoạt động của Nhật Cường Software.
Cụ thể, Từ tháng 6/2012, Bùi Quang Huy thành lập bộ phận phần mềm thuộc Công ty Nhật Cường, giao cho Võ Minh Hiếu làm trưởng bộ phận. Tiếp đó, tháng 1/2016, Huy thành lập Nhật Cường Software, giao cho Võ Minh Hiếu làm giám đốc. Bộ phận phần mềm thuộc Công ty Nhật Cường và Nhật Cường Software sử dụng nguồn tiền từ các hoạt động của Công ty Nhật Cường để xây dựng một số phần mềm công nghệ thông tin nhằm mục đích bán cho các đơn vị, tổ chức kinh tế sử dụng.
Theo cơ quan điều tra, hành vi sử dụng nguồn tiền có được từ buôn lậu sang đầu tư, kinh doanh hợp pháp (viết phần mềm để bán, mua ô tô, nhà ở…) nhằm biến dòng tiền trở thành hợp pháp của Bùi Quang Huy có dấu hiệu của tội rửa tiền.
Đến nay, cơ quan CSĐT đã khởi tố đối với Huy về tội rửa tiền nhưng do bị can đã bỏ trốn nên công an quyết định tạm đình chỉ điều tra, khi nào bắt được sẽ xử lý sau.
Quay trở lại thông tin về Nhật Cường Software - một trong những nguồn để Bùi Quang Huy rửa tiền, trước đó được nhiều người biết đến khi trúng thầu một loạt dự án công trực tuyến của TP Hà Nội như cơ sở dữ liệu dân cư, phần mềm lưu trú trực tuyến, phần mềm hộ chiếu online, đặc biệt là giải pháp dịch vụ công trực tuyến liên thông ba cấp...
Ngoài ra, một kênh khác để ông chủ Công ty Nhật Cường “hô biến” từ “tiền bẩn” sang “tiền sạch” chính là việc thành lập Công ty Nhật Cường Chi nhánh Quảng Châu (có trụ sở tại Quảng Châu, Trung Quốc).
Chi nhánh này được Bùi Quang Huy giao cho Trần Tất Khoa làm giám đốc, có nhiệm vụ tiếp nhận hàng lậu do các đối tượng vận chuyển từ Hong Kong về Quảng Châu, sau đó kiểm đếm, đóng gói rồi vận chuyển về khu vực biên giới Việt - Trung và tìm cách đưa trái phép vào Việt Nam. Thông qua Nhật Cường Quảng Châu, số điện thoại và thiết bị điện tử nhập lậu được tuồn về Việt Nam lên tới hơn 33.000 sản phẩm với tổng giá trị gần 450 tỉ đồng.
Còn nữa…
Có thể bạn quan tâm