Các khoản đầu tư gần đây theo sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) ngày càng đi theo xu hướng xanh hơn và có quy mô nhỏ hơn so với trước đây.
>> Sáng kiến Vành đai và Con đường (Kỳ II): Nguy cơ khủng hoảng nợ
Tuần tới, Trung Quốc sẽ kỷ niệm 10 năm Sáng kiến Vành đai và Con đường bằng một diễn đàn quốc tế dự kiến thu hút các nhà lãnh đạo từ khắp nơi trên thế giới.
Ban đầu, rất ít nhà quan sát chú ý khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công bố sáng kiến này, khi đó có tên gọi là "Một vành đai, Một con đường" trong một bài phát biểu ở Kazakhstan năm 2013. Nhưng kể từ đó, BRI đã nổi lên như một trong những sáng kiến tham vọng nhất và gây tranh cãi nhất trên toàn cầu.
Trong khi Italy đã phát đi tín hiệu rằng họ có thể sẽ sớm rời khỏi BRI, thì khoảng 140 quốc gia khác, nằm rải rác ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh, vẫn kiên định ủng hộ chương trình này.
Cam kết tài chính của Trung Quốc đối với BRI rất ấn tượng. Đầu năm nay, tổng số tiền luỹ kế cho vay hoặc đầu tư cổ phần vào các dự án liên quan trong khuôn khổ sáng kiến BRI đã vượt quá 1 nghìn tỷ USD, trong đó phần lớn dành cho giao thông, năng lượng và cơ sở hạ tầng truyền thống khác.
Ông Stephen Roach, chuyên gia cấp cao tại Viện Các vấn đề Toàn cầu Jackson thuộc Đại học Yale nhận định, cho đến nay BRI đã thích ứng với những thách thức mới cả trong nước và quốc tế. Theo đó, ông cho biết, những thay đổi quan trọng đầu tiên là xanh hóa BRI.
Trong những năm đầu của chương trình, Trung Quốc đã nhận được sự phản đối đáng kể khi đề nghị hỗ trợ cho các dự án than ở nước ngoài. Nhưng từ năm 2020, Bắc Kinh bắt đầu thay đổi hướng đi và kể từ đó, không có dự án than mới nào thông qua BRI được công bố.
Ông Tập đã hệ thống hóa cách tiếp cận mới này vào tháng 9 năm 2021 và kể từ đó, các cơ quan quản lý Trung Quốc cũng đã ban hành những hướng dẫn yêu cầu các nhà phát triển dự án áp dụng các tiêu chuẩn môi trường quốc tế.
Các khoản đầu tư BRI gần đây ngày càng đi theo xu hướng xanh hơn, với các khoản cho vay và đầu tư xanh mới trong nửa đầu năm 2023 tăng mạnh mẽ so với cùng kỳ các năm trước. Sự thúc đẩy phát triển xanh bao gồm các lĩnh vực như sản xuất pin và khai thác kim loại để chuyển đổi xanh. Mặc dù Trung Quốc cần phải làm nhiều hơn nữa để thúc đẩy tăng trưởng xanh, nhưng xu hướng này vẫn đang trở nên đầy hứa hẹn.
Bên cạnh đó, một số chuyên gia nhận định, đã có sự chuyển dịch từ những dự án hoành tráng sang những dự án quy mô nhỏ hơn. Trong những năm đầu, BRI đã thu hút sự chú ý toàn cầu do có quá nhiều dự án lớn trị giá hàng tỷ USD ở các quốc gia gặp khó khăn trong việc nhận tài trợ từ các tổ chức tài chính phương Tây. Ví dụ, thông qua BRI, Trung Quốc đã đầu tư hàng tỷ USD vào đường sắt ở Kenya và năng lượng ở Bangladesh và Pakistan.
Nhưng nhiều dự án trong số này đã gặp rắc rối về tài chính. Vào năm 2021, Bắc Kinh đã áp dụng chiến lược mới là thúc đẩy các dự án nhỏ hơn để hạn chế việc đầu tư lãng phí và tập trung vào các mục tiêu chiến lược hơn, chẳng hạn như phát triển hệ thống cảng và tuyến đường sắt.
Dữ liệu cho thấy, trung bình quy mô của những thỏa thuận thuộc BRI đã giảm từ hơn 500 triệu USD vào năm 2017 xuống dưới 400 triệu USD trong năm nay. Ưu điểm của các dự án nhỏ hơn bao gồm tiến độ nhanh hơn và rủi ro thấp hơn. Cũng có ý kiến cho rằng, việc giảm quy mô các dự án một phần là do một số quốc gia thuộc BRI gặp khó khăn trong việc trả nợ.
>> Trung Quốc đã làm gì với sáng kiến BRI sau 10 năm?
Hiện những cam kết cho vay và tài trợ của các ngân hàng chính sách Trung Quốc dành cho các dự án BRI đã giảm từ khoảng 90 tỷ USD vào năm 2016 xuống còn khoảng 5 tỷ USD vào năm 2021.
Theo ông Christoph Nedopil, Giám đốc Viện Griffith Châu Á tại Đại học Griffith ở Brisbane, một trong những thay đổi đáng chú ý trong BRI là sự hiện diện ngày càng tăng của các doanh nghiệp tư nhân. Vào những năm đầu, các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc thống trị thị trường thì các công ty tư nhân bắt đầu đẩy mạnh sự hiện diện vào năm ngoái, thông qua việc đầu tư vào cơ sở vật chất hoặc các nhà máy sản xuất.
"Mặc dù động thái này có thể liên quan đến việc phát triển các trung tâm sản xuất và tìm kiếm thị trường thay thế do căng thẳng thương mại với phương Tây, nhưng chúng cũng phản ánh khả năng cạnh tranh của các công ty Trung Quốc trong các lĩnh vực then chốt", ông Nedopil cho biết.
Mặc dù vậy, những căng thẳng ngày càng gia tăng đã khiến các chính phủ phương Tây ngày càng rời xa BRI. Các nước phương Tây đang đưa ra các giải pháp thay thế của riêng họ, bao gồm Mạng lưới Điểm Xanh do Mỹ dẫn đầu, Sáng kiến "Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn" của Nhóm G7 hay vào tháng trước, EU và các đối tác đã công bố Hành lang kinh tế Ấn Độ-Trung Đông Âu.
Nhưng tất cả những nỗ lực mới này cho đến nay vẫn chỉ ở giai đoạn khởi động khi các yếu tố hợp tác vẫn chưa rõ ràng. Tất cả các sáng kiến này chỉ tập trung vào việc đối trọng với BRI khi nhắm vào cơ sở hạ tầng.
Hiện nay, Trung Quốc đang có lợi thế về khả năng cạnh tranh và uy tín trong lĩnh vực này. Sẽ hợp lý hơn nếu các quốc gia phương Tây tập trung vào các lĩnh vực khác và xây dựng chiến lược hợp tác với Trung Quốc trong việc cung cấp vốn hỗ trợ, cũng như cung cấp các giải pháp về nợ cho các nước nhận hỗ trợ.
Có thể bạn quan tâm