Chỉ trong 2 tháng đầu năm, thị trường M&A bất động sản tiếp tục chứng kiến những thương vụ "bom tấn", mở đầu cho một năm "bận rộn".
>>Góc khuất M&A bất động sản mùa dịch
Mới đây, Tập đoàn Novaland và Công ty cổ phần Phát triển Tài Nguyên đã làm lễ khởi động dự án Grand Sentosa (huyện Nhà Bè, TPHCM) sau hơn 10 năm dang dở.
Đây là dự án tổ hợp thương mại dịch vụ và khu nhà ở cao cấp, với diện tích tổng khu hơn 8,3 hecta. Theo thông báo được phát đi, Tập đoàn Novaland sẽ trở thành nhà phát triển của Grand Sentosa, cam kết đưa dự án vào vận hành theo đúng tiến độ dự kiến trong năm 2024.
Được biết, tiền thân dự án có tên gốc là Kenton Residences tọa lạc tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, do Công ty Tài Nguyên làm chủ đầu tư, khởi công năm 2009. Đầu năm 2010, dự án mở bán 100 căn hộ giai đoạn một, giá 1.566 – 2.250 đô la/m2. Đến giữa năm 2010, thị trường bất động sản rơi vào tình trạng đóng băng khiến dự án bị ngưng lại.
Có thể bạn quan tâm |
Đến giữa năm 2017, dự án được đổi tên thành Kenton Node, sau khi được BIDV và MSB rót vốn hơn 1.000 tỉ đồng để hồi sinh, thế nhưng dự án cũng ngưng lại sau đó một năm.
Không những vậy, dự án này còn được dùng làm tài sản thế chấp cho khoản nợ 4.000 tỉ đồng của Công ty cổ phần Phát triển Tài Nguyên và nhiều lần bị BIDV đưa ra đấu giá để thu hồi nợ.
Một thương vụ khác đáng chú ý là dự án Sài Gòn Bình An chính thức được đổi tên thành The Global City, đánh dấu về tay “chủ mới” là Masterise Homes vào tháng 1/2022.
Theo ghi nhận của Diễn đàn Doanh nghiệp, để thâu tóm siêu dự án này, trong năm 2021, Masterise Homes đã huy động qua trái phiếu 22.075 tỷ đồng trong cả năm 2021 và đầu năm 2022.
Ở quy mô nhỏ hơn, mới đây Công ty Vina Đại Phước, chủ đầu tư dự án SwanBay Đại Phước cũng đã có sự thay đổi về cổ đông chủ chốt khi SNC Investments 27 (nắm 92% cổ phần) và SNC Investments 28 đã không còn tên trong danh sách cổ đông của Công ty.
Dù tên tuổi doanh nghiệp “thế chân” chưa được công bố, song một số nguồn tin cho biết, có khả năng dự án này đã thuộc về doanh nghiệp bất động sản lớn của Việt Nam, được sở hữu bởi một nữ tỷ phú USD.
Ở phía Bắc, thị trường cũng ghi nhận thương vụ có giá trị lên tới 550 triệu USD khi Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Viva Land, thông qua các đơn vị liên kết đã chính thức sở hữu tòa nhà Capital Place thuộc sở hữu của CapitaLand Việt Nam hồi cuối tháng 1 vừa qua.
Hay Tập đoàn Keppel Land cũng vừa ký thỏa thuận ràng buộc với Công ty cổ phần Địa ốc Phú Long để mua 49% cổ phần trong 3 khu đất tại Khu đô thị Bắc An Khánh - Mailand Hanoi City (tên cũ là Splendora) với tổng giá trị 2.715 tỷ đồng (khoảng 120 triệu USD).
Ba khu đất có tổng diện tích 14,2 ha, bao gồm 2 khu được quy hoạch để phát triển nhà ở thấp tầng và 1 khu dành cho chung cư cao tầng. Giao dịch dự kiến được thực hiện vào quý III/2022.
Trên cương vị đơn vị nghiên cứu thị trường, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam nhìn nhận lại năm 2021 vừa qua, đa phần các giao dịch M&A đã diễn ra tại các dự án bất động sản vùng ven và các tỉnh thành xung quanh các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM.
Theo bà Dung, xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2022 với động lực thúc đẩy bao gồm nhiều tín hiệu tích cực đến từ các kế hoạch triển khai đầu tư phát triển hạ tầng giao thông nhằm tăng khả năng kết nối của các đô thị lớn đến các tỉnh thành xung quanh.
Vị chuyên gia cũng tiết lộ, trong bối cảnh mới, các nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ không chỉ tìm kiếm các quỹ đất có vị trí đắc địa, mà còn mở rộng việc tìm kiếm dự án đến các tỉnh thành xung quanh nhằm gia tăng quỹ đất dự án cho việc phát triển trong trung và dài hạn.
"Năm 2022 sẽ chứng kiến nhiều thương vụ M&A hơn so với hai năm chúng ta bị ảnh hưởng bởi đại dịch, song sẽ không phải là sự bùng bổ mạnh về số lượng các thương vụ dù một số chính sách hỗ trợ các nhà đầu tư sẽ có hiệu lực trong năm 2022, nhưng sẽ cần có thời gian để các chính sách này được thực thi và phát huy tác dụng" - bà Dung nói.
Trong khi đó, theo ông David Jackson - Giám đốc điều hành Colliers Việt Nam, những công ty bất động sản có tiềm lực mạnh về tài chính đang có xu hướng săn dự án thông qua các thương vụ M&A, bởi quỹ đất để triển khai dự án riêng rất hạn hẹp, nên họ sẽ ra sức mua lại những dự án chưa hoàn thành và nhanh chóng hoàn thiện để tung ra thị trường.
Đồng quan điểm, đánh giá đến từ đơn vị nghiên cứu JLL Viet Nam cũng cho rằng cuộc đua thâu tóm quỹ đất của các nhà phát triển bất động sản được dự báo tiếp tục sôi động và điều này sẽ làm thay đổi diện mạo thị trường nhà ở trong 5 năm tới.
"Các chủ đầu tư đã nhanh chóng nắm bắt xu hướng và chuyển sang các điểm đến mới đầy tiềm năng. Nhiều thương vụ M&A bất động sản sẽ được tiến hành trong năm 2022 và trọng tâm dồn về các tỉnh vùng ven, vùng ven biển miền Trung, hay thậm chí là khu vực Tây Nguyên" - chuyên gia JLL cho hay.
Có thể bạn quan tâm
Doanh nghiệp nội nhập cuộc đua M&A bất động sản
14:46, 06/12/2021
Khối ngoại chiếm lĩnh giá trị thương vụ M&A bất động sản
14:51, 31/08/2021
Góc khuất M&A bất động sản mùa dịch
15:00, 27/08/2021
Sóng ngầm M&A bất động sản
06:00, 31/07/2021
Làn sóng M&A bất động sản giữa tâm bão COVID-19: Cơ hội cho những “cá mập”
04:00, 29/07/2021