Ninh Thuận thu hút đầu tư từ lợi thế cạnh tranh

Diendandoanhnghiep.vn Ninh Thuận đã và đang đẩy mạnh các hoạt động hợp tác, xúc tiến thu hút các nhà đầu tư đến với tỉnh, huy động các nguồn lực hiện thực hóa Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đó là chia sẻ của ông Trần Quốc Nam – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận với Diễn đàn Doanh nghiệp.

>> Ninh Thuận mời gọi các nhà đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp

- Thưa ông, đâu là lợi thế cạnh tranh của tỉnh trong thu hút đầu tư? 

Ninh Thuận thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, có vị trí chiến lược nằm trên giao điểm nối liền 3 vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, là điều kiện thuận lợi để mở rộng giao thương và kết nối hợp tác đầu tư phát triển với các trung tâm kinh tế, văn hóa lớn của cả nước.

Ninh Thuận có diện tích (cả biển và đất liền) rộng, dân thưa, nắng và gió đặc biệt với tốc độ gió lớn nhất cả nước (trung bình 7,5m/s), số giờ nắng trung bình trong ngày cao nhất cả nước (7,7 giờ mỗi ngày) với cường độ lớn. Trên địa bàn Ninh Thuận ít có bão và lượng gió thổi đều trong suốt 10 tháng với tốc độ từ 6,4-9,6 m/s, đảm bảo ổn định cho turbine gió phát điện. Đây chính là lợi thế căn bản để tỉnh thu hút đầu tư, phát triển mạnh năng lượng điện gió.

Tỉnh Ninh Thuận có tiềm năng lớn về du lịch, nằm ở ngã ba vùng trọng điểm du lịch quốc gia (Đà Lạt - Phan Rang - Nha Trang); giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, cách mạng, có nhiều bãi biển đẹp, nổi tiếng (Ninh Chữ, Cà Ná, Vĩnh Hy, Bình Tiên, Mũi Dinh và Nam Cương) gắn với các vùng sinh thái đặc thù. Vườn quốc gia Núi Chúa.

Thời gian qua, tỉnh đã đẩy nhanh tốc độ đầu tư xây dựng và phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi về hạ tầng kỹ thuật để thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư triển khai dự án.  Trên địa bàn tỉnh hiện có 3 KCN đã được thành lập, gồm: KCN Thành Hải, KCN Du Long, KCN Phước Nam. Đối với KCN Cà Ná đã được UBND tỉnh phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu xây dựng (tỷ lệ 1/2000) và đang trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định chủ trương đầu tư. Theo quy hoạch tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Ninh Thuận sẽ phát triển 4 khu công nghiệp với tổng diện tích gần 1.700 ha và 19 cụm công nghiệp với diện tích 770 ha.

Đặc biệt, việc thực hiện Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 31/8/2018 của Chính phủ về một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận đã góp phần biến những khó khăn, thách thức của tỉnh thành tiềm năng, lợi thế cạnh tranh, thu hút mạnh mẽ nguồn lực đầu tư, nhất là chủ trương xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước đã thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn, chiến lược, tạo sức lan tỏa trong việc thu hút đầu tư vào các lĩnh vực trọng điểm, đột phá như cảng biển, du lịch, công nghiệp, hạ tầng đô thị.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nghe báo cáo quy hoạch xây dựng khu tổ hợp Cà Ná, cảng Cà Ná

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nghe báo cáo quy hoạch xây dựng khu tổ hợp Cà Ná, cảng Cà Ná

- Cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch đã góp phần quan trọng trong thu hút đầu tư. Theo ông, đâu là điểm đột phá trong cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh thời gian qua?

Trong thời gian qua, Ninh Thuận đã đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Ngày 14/12, tại Trung tâm Hội nghị và triển lãm tỉnh Bình Dương, UBND tỉnh Ninh Thuận phối hợp với UBND tỉnh Bình Dương tổ chức Hội nghị kết nối, xúc tiến đầu tư vào tỉnh Ninh Thuận tại tỉnh Bình Dương. Tại Hội nghị, tỉnh Ninh Thuận sẽ giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, môi trường đầu tư của tỉnh, các khu, cụm công nghiệp tới các doanh nghiệp, nhà đầu tư các tỉnh, thành phía Nam.

Điểm nhấn trong công tác cải cách hành chính của tỉnh là việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số. Đến nay, tỉnh Ninh Thuận đã triển khai đồng bộ, toàn diện các nội dung trong công tác chuyển đổi số. Toàn tỉnh hiện có 26/26 sở, ban, ngành cấp tỉnh và 7/7 UBND cấp huyện, 65/65 UBND cấp xã đã triển khai phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc được tích hợp chứng thư số và được gắn mã định danh. Cổng dịch vụ công tỉnh có 829 dịch vụ công trực tuyến, trong đó: 334 dịch vụ công trực tuyến toàn trình và 495 dịch vụ công trực tuyến một phần. Đến nay, đã đồng bộ trạng thái và tích hợp 812/829 dịch vụ công trực tuyến lên Cổng Dịch vụ công quốc gia đạt 97,95%.

Cùng với cải cách thủ tục hành chính, Ninh Thuận cũng đã xây dựng, tiến hành khảo sát và công bố đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện và các sở, ban, ngành trong tỉnh (DDCI). Đây là một trong những giải pháp quan trọng nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chất lượng điều hành của các cấp chính quyền trên địa bàn.

Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận và đại diện các Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh đã ký kết Quy chế phối hợp.

Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận và đại diện các Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh đã ký kết Quy chế phối hợp cải thiện môi trường đầu tư.

Qua khảo sát, đánh giá cảm nhận, chấm điểm của doanh nghiệp về môi trường đầu tư, kinh doanh của cấp huyện, thành phố và các sở, ban, ngành trên địa bàn... cũng giúp các đơn vị nhận diện những “điểm nghẽn”, đề ra những giải pháp đột phá giải quyết những nút thắt về thể chế, quy định, cách thức tổ chức thực hiện đảm bảo kịp thời, hiệu quả và tạo sự chuyển biến cải cách mạnh mẽ, nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đẩy mạnh tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn trực tiếp cho doanh nghiệp, nhà đầu tư về quy trình, thủ tục đầu tư; giới thiệu các dự án đầu tư khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; tăng cường gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp, nhà đầu tư để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án, khơi thông nguồn lực tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư, phát triển hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Với những giải pháp quyết liệt, kịp thời, năng lực cạnh tranh của tỉnh cải thiện đáng kể, Chỉ số PCI năm 2022 của tỉnh xếp thứ 30/63 (tăng 19 bậc) thuộc nhóm các địa phương có chất lượng điều hành tốt nhất; Chỉ số chuyển đổi số xếp thứ 27/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số PAPI xếp hạng 4/63 tỉnh, thành phố, tăng 10 bậc; Chỉ số PAR INDEX xếp hạng 29/63 tỉnh, thành phố, tăng 6 bậc; chỉ số DTI xếp hạng 27/63 tỉnh, thành phố, tăng 26 bậc.

- Thưa ông, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng kinh tế Ninh Thuận đã có sự vươn lên mạnh mẽ. Ông có thể chia sẻ đôi nét về điều này?

Thời gian qua, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng với với quyết tâm chính trị cao nhất, sự đồng thuận, vượt khó của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận đã đạt được những thành tựu quan trọng. Tốc độ tăng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2023 đạt 9,28%/năm. Quy mô nền kinh tế năm 2023 gấp 1,5 lần so năm 2020 và bằng 78,9% mục tiêu năm 2025. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021-2023 khoảng 72.725 tỷ đồng, bằng 69,3% mục tiêu.

 ( Chú thích ảnh: Tỉnh Ninh Thuận tổ chức Ngày Văn hóa, Du lịch Ninh Thuận tại Cần Thơ năm 2023)

Tỉnh Ninh Thuận tổ chức Ngày Văn hóa, Du lịch Ninh Thuận tại Cần Thơ năm 2023.

Riêng năm 2023, tăng trưởng GRDP tăng 9,4%, xếp thứ 9/63 tỉnh thành cả nước và thứ 2/14 các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung. Kinh tế nông nghiệp và nông thôn duy trì ổn định, tăng trưởng khá; ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất tiếp tục đạt kết quả tích cực, chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả, bền vững; sản lượng khai thác, sản xuất tôm giống tiếp tục phát huy lợi thế và tăng khá. Một số sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo đang phục hồi, năng lực sản xuất mới phát huy hiệu quả; Khâu đột phá về năng lượng tái tạo tiếp tục phát huy hiệu quả, đóng góp lớn cho tăng trưởng, tăng 16,14%. Các lĩnh vực xây dựng, thương mại, du lịch… tiếp tục phục hồi và tăng trưởng khá…

Đặc biệt, công tác xúc tiến, thu hút đầu tư được đẩy mạnh. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 22.710 tỷ đồng, đạt 102,3% kế hoạch, tăng 15,3% so cùng kỳ. GRDP bình quân đầu người ước đạt 87,7 triệu đồng. Quản lý nhà nước về đất đai, khoáng sản và bảo vệ môi trường được tăng cường; các dự án trọng điểm, động lực được tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ…

- Trong thời gian tới, tỉnh Ninh Thuận sẽ ưu tiên thu hút đầu tư trong lĩnh vực nào, thưa ông?

Trong thời gian tới, Ninh Thuận tiếp tục huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn lực đầu tư. Tỉnh triển khai hiệu quả Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 gắn với rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh quy hoạch các ngành, lĩnh vực đảm bảo đồng bộ, thống nhất. Tiếp tục tranh thủ hiệu quả sự hỗ trợ của Trung ương, nhất là thực hiện tốt các cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh theo Nghị quyết 115/NQ-CP của Chính phủ.

Bên cạnh đó, tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ; ưu tiên đầu tư hạ tầng cấp thiết, trọng điểm, cấp bách theo hướng kết nối, liên vùng và đa mục tiêu. Đồng thời, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, bảo đảm giải ngân 100% nguồn vốn theo kế hoạch và vốn chương trình phục hồi phát triển kinh tế-xã hội, 03 chương trình mục tiêu quốc gia.

Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận kiểm tra Dự án Đường nối từ thị trấn Tân Sơn - Ninh Sơn đi ngã tư Tà Năng huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng).

Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận kiểm tra Dự án Đường nối từ thị trấn Tân Sơn - Ninh Sơn đi ngã tư Tà Năng huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng).

Ninh Thuận tập trung thu hút hiệu quả đầu tư của các thành phần kinh tế; thu hút có chọn lọc, sử dụng hiệu quả nguồn lực từ bên ngoài; tăng cường xúc tiến đầu tư, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án Cảng hàng không Thành Sơn, các dự án Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Cảng tổng hợp Cà Ná giai đoạn 2; các dự án công nghiệp, năng lượng, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp; dự án thủy điện tích năng, hạ tầng truyền tải điện, khu công nghiệp. Đẩy nhanh tiến độ, đấu thầu, đấu giá, các khu đất, dự án thương mại, dịch vụ, nhà ở...

- Hướng tới mục tiêu phát triển Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước, Ninh Thuận đã và đang có những giải pháp cụ thể như thế nào thưa ông?

 Nghị quyết số 20-NQ/TU ngày 15/1/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV về phát triển Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước là một chủ trương lớn, mang tầm chiến lược của tỉnh.

Thực hiện Nghị quyết 20, UBND tỉnh đã triển khai kế hoạch 1305/KH-UBND ngày 6/4/2023 về triển khai thực hiện Đề án phát triển Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước. Đây cũng là cơ sở quan trọng để Ninh Thuận thu hút, kêu gọi đầu tư, tạo động lực thúc đẩy nhanh sự phát triển của Ninh Thuận. 

Theo đánh giá, các dự án năng lượng tái tạo đã góp phần giảm phát thải khí nhà kính, tỷ lệ 97,9% so với sử dụng điện truyền thống (điện than); sản lượng điện năm 2022 của tỉnh đạt 7 tỷ kWh, chiếm 5,4% tổng sản lượng điện năng lượng tái tạo của cả nước; huy động được 63 dự án năng lượng với tổng công suất 3.636MW, tổng vốn đầu tư trên 100.000 tỷ đồng; tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, nâng cơ cấu ngành công nghiệp - xây dựng từ 19% năm 2017 lên 38% vào năm 2022... Đây là kết quả rõ nét việc hiện thực hóa Nghị quyết 20 về xây dựng tỉnh thành trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết 20 và Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong thời gian tới, tỉnh tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư trên cơ sở tranh thủ, tận dụng cơ hội và chính sách; tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án trọng điểm, động lực như: Tổ hợp điện khí LNG Cà Ná, thủy điện tích năng Bác Ái, các dự án điện gió, điện mặt trời, Khu công nghiệp Cà Ná, hạ tầng giao thông kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, công bố quy hoạch tỉnh, đẩy nhanh phát triển hạ tầng công nghiệp năng lượng. 

 Cánh đồng điện gió ở Ninh Thuận

Cánh đồng điện gió ở Ninh Thuận.

Ninh Thuận cũng kiến nghị các cơ quan chức năng sớm ban hành cơ chế giá điện mặt trời, điện gió giai đoạn mới, trong đó ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch nhằm đảm bảo phát triển bền vững, khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của các địa phương; tạo điều kiện thuận lợi để tỉnh kêu gọi và triển khai đầu tư các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh.

Phấn đấu đến năm 2030 năng lượng, năng lượng tái tạo chiếm tỷ trọng khoảng 12% GRDP của tỉnh, giải quyết 7,3% nhu cầu việc làm trong toàn tỉnh. Tập trung khai thác các tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên nắng, gió để phát triển điện mặt trời, điện gió ven bờ, điện gió ngoài khơi, điện khí LNG, thủy điện tích năng, nguồn năng lượng mới (hydro, thủy triều, sinh khối,…). Đồng thời, phát triển nguồn năng lượng Hydrogen xanh từ việc sử dụng năng lượng tự tiêu, năng lượng tái tạo tại chỗ hướng đến ngành công nghiệp xanh phù hợp với cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26.

Bãi biển Ninh Chữ

Bãi biển Ninh Chữ

- Ông có chia sẻ gì với các doanh nghiệp, nhà đầu tư trước thềm Hội nghị kết nối, xúc tiến đầu tư tỉnh Ninh Thuận tại tỉnh Bình Dương?

Hội nghị kết nối, xúc tiến đầu tư tỉnh Ninh Thuận tại tỉnh Bình Dương là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, là dịp để tỉnh Ninh Thuận giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, môi trường đầu tư của tỉnh Ninh Thuận, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp Ninh Thuận tới các doanh nghiệp, nhà đầu tư các tỉnh, thành phía Nam. Đây cũng là dịp để các tổ chức, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư hạ tầng, đầu tư sản xuất kinh doanh trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tạo ra sự bứt phá cho ngành công nghiệp của tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tỉnh Ninh Thuận trân trọng chào đón các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu, mở rộng đầu tư kinh doanh. Ninh Thuận cam kết sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư đến đầu tư tại tỉnh, đồng hành cùng nhà đầu tư, doanh nghiệp trong quá trình hoạt động tại địa phương, đảm bảo quyền lợi tốt nhất, khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển của tỉnh trong thời gian tới.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1319/QĐ-TTg ngày 10/11/2023, đã xác định tầm nhìn chiến lược phát triển: “Ninh Thuận - Miền đất hội tụ những giá trị khác biệt”; đến năm 2050 Ninh Thuận trở thành tỉnh phát triển toàn diện, nhanh và bền vững, có nền kinh tế đa dạng và thịnh vượng; phát triển mạnh về kinh tế biển, với khu kinh tế ven biển hiện đại, kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế của tỉnh, chiếm trên 55% tổng sản phẩm nội tỉnh, hệ thống đô thị ven biển thông minh, bền vững, có bản sắc riêng, thân thiện với môi trường, có khả năng chống chịu cao với thiên tai, dịch bệnh và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu, tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 65%; là nơi các giá trị văn hóa, lịch sử, hệ sinh thái biển, rừng được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đạt mức cao so với các địa phương khác trong cả nước, quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Ninh Thuận thu hút đầu tư từ lợi thế cạnh tranh tại chuyên mục Kinh tế địa phương của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714399039 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714399039 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10