Nợ có khả năng mất vốn của nhóm Big 3 liệu có giảm tốc?

DƯƠNG THUỲ 12/02/2022 05:30

Nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) của nhóm Big 3 thời gian qua liệu có giảm tốc sau đại dịch? Tình hình này nợ xấu tại các ngân hàng lớn nhất hệ thống đang được xử lý ra sao?

Nợ xấu, chứng khoán, bất động sản: Những lưu ý cho năm 2022

Nợ nhóm 5 của của ngân hàng Big 3 liệu có giảm tốc?

Việc các ngân hàng dồn dập rao bán nợ cho thấy áp lực xử lý nợ trên vai các ngân hàng rất lớn. Những khoản nợ có tài sản đảm bảo tốt được ngân hàng xử lý một cách dễ dàng, nhưng số lượng này lại rất ít. Trong khi đó, những khoản nợ quy mô lớn dù giảm giá mạnh cũng khó bán vì thường những khoản nợ này phức tạp và đòi hỏi người mua phải có tiềm lực tài chính mạnh. Không ít món nợ ngân hàng rao bán cả chục lần, liên tiếp giảm giá vẫn không tìm được người mua. Tuy nhiên để xử lý nợ xấu, nhất là nợ nhóm 5, thời gian qua BIDV là một trong những ngân hàng liên tục rao bán các khoản nợ xấu.

BIDV là nhà băng giảm được nhiều nợ nhóm 5 nhất trong quý 4 khi xử lý được 6.901 tỷ đồng, tương đương giảm gần 50%. Còn so với cuối năm 2020, nợ có khả năng mất vốn của BIDV đã giảm hơn một nửa xuống còn 6.979 tỷ.

Nợ nhóm 5 của BIDV giảm mạnh nhờ đẩy mạnh hoạt động xử lý nợ xấu trong năm 2021. Bên cạnh việc liên tục rao bán các khoản nợ khó đòi, ngân hàng này cũng đã sử dụng gần 19.345 tỷ đồng quỹ dự phòng để xử lý nợ xấu, riêng quý 4 /2021 dùng hơn 7.200 tỷ đồng.

Có những khoản nợ mà BIDV ráo riết bán nhiều lần, như ngân hàng này đã phải ra thông báo bán lần thứ 9 bán đấu giá tài sản Công ty CP Kiến trúc và xây dựng Archplus. Đây là khoản nợ liên quan tới ông Trương Việt Bình, là người sáng lập thương hiệu thời trang NEM. Số dư của khoản nợ tính đến 15/4 năm nay là 498 tỷ đồng, trong đó nợ gốc 257 tỷ và nợ lãi gần 174 tỷ đồng, phí phạt quá hạn hơn 67 tỷ đồng.

Ngoài ra, khoản nợ còn được đảm bảo mới 3 triệu cổ phần của ông Trương Việt Bình tại Công ty CP Thời trang NEM, bảo lãnh thanh toán của Công ty CP Thời trang NEM. Giá khởi điểm khoản nợ lần này là 257 tỷ đồng, không giảm so với lần rao bán thứ 8. Trước đó, qua mỗi lần rao bán không thành công, BIDV sẽ giảm giá khoảng 10%. Nếu lần này rao bán thành công ở mức giá 257 tỷ đồng, BIDV cũng chỉ thu hồi được nợ gốc, bằng một nửa giá trị khoản nợ. Đây chỉ là 1 trong hàng 100 khoản nợ mà nhà băng này phải xử lý…

Ban Lãnh đạo BIDV khẳng định năm 2021 ngân hàng cũng tăng cường trích lập dự phòng, đưa tỷ lệ bao phủ nợ xấu lên mức cao nhất từ trước đến nay. Tính cuối năm 2021, tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư 11/2021/TT-NHNN của BIDV chỉ còn 0,81%, giảm 0,73% so với năm 2020, đảm bảo mục tiêu NHNN giao năm 2021 (dưới 1,6%). Tỷ lệ nợ nhóm 5 ở mức 0,42%, giảm 0,82% so với năm 2020. Tỷ lệ trang trải nợ xấu (dư quỹ DPRR tín dụng/dư nợ xấu) đạt 235%.

Dư nợ tín dụng của BIDV đạt khoảng 1,33 triệu tỷ đồng, tăng 11,8% so với năm 2020. Theo đó, ước tính tổng nợ xấu nội bảng của ngân hàng là hơn 10.700 tỷ đồng, giảm "sốc" so với mức hơn 21.400 tỷ đồng hồi cuối tháng 9/2021.

Một "ông lớn" trong ngành ngân hàng là Vietcombank cũng giảm được gần 1.868 tỷ đồng nợ có khả năng mất vốn trong 3 tháng cuối năm 2021. Tuy nhiên so với hồi đầu năm nợ có khả năng mất vốn của nhà băng này vẫn nhích nhẹ thêm 73 tỷ, tương đương tăng 2%. Năm 2021, Vietcombank cũng rao bán hàng loạt tài sản là bất động sản tại Lâm Đồng của Công ty TNHH Việt Trường Sơn. Giá khởi điểm cho lần thứ 10 phát mại là hơn 22,3 tỷ đồng cho 6 lô đất tại Lâm Đồng. Tính đến 30/9, khoản nợ của công ty này tại Vietcombank đã lên đến 34,9 tỷ đồng.

Ẩn số” lãi vay và nợ xấu sau 30/6/2022

Vietcombank cho biết, cuối năm 2021, tỷ lệ nợ nhóm 2 của ngân hàng chỉ ở mức 0,34%, tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,63%. Vietcombank đã trích lập đủ 100% dự phòng cụ thể của dư nợ cơ cấu theo Thông tư 03 - sớm trước 2 năm so với thời hạn quy định của NHNN. Đáng chú ý, tỷ lệ quỹ dự phòng bao nợ xấu nội bảng đạt mức cao kỷ lục và cũng cao nhất trong hệ thống ngân hàng là 424%.

Dư nợ tín dụng cuối năm 2021 của Vietcombank là 963.670 tỷ đồng. Như vậy ước tính con số nợ xấu ngân hàng ở khoảng 6.000 tỷ đồng, giảm đáng kể so với mức gần 10.900 tỷ đồng hồi cuối tháng 9/2021. Quỹ dự phòng bao nợ xấu nội bảng của Vietcombank theo đó đạt khoảng 25.700 tỷ đồng.

Hay như tại VietinBank, 6 lần rao bán khoản nợ của Công ty TNHH Kinh doanh Thương mại và Xuất nhập khẩu Cát Tường với mức giá ra bán giảm 20 tỷ đồng so với lần đầu... Trong guồng quay rao bán nợ xấu, không chỉ BIDV, Vietcombank, ghi nhận do tích cực xử lý nợ xấu nên chất lượng tài sản tại VietinBank có chuyển biến tích cực khi tính đến hết năm 2021, tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 1,3%, tỷ lệ bao phủ nợ xấu 171%, tức cao hơn so với năm 2020.

Ông Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính ngân hàng khẳng định, nhóm Big 3 niêm yết, với việc tập trung tăng cường trích lập dự phòng rủi ro tín dụng trong năm vừa qua, nên có lợi nhuận khó tăng trưởng đột biến. Chưa kể, nhóm Big 3 này còn phải thực hiện nhiệm vụ giảm lãi, hỗ trợ khách hàng cao hơn các ngân hàng tư nhân. Trong những năm 2022, nếu nợ xấu không quá nghiêm trọng thì khi xử lý được, các ngân hàng sẽ được hoàn nhập dự phòng một số tiền khá lớn...

Bức tranh nợ xấu trong hệ thống ngân hàng thương mại cũng tăng lên rõ rệt qua tác động tiêu cực của đợt bùng phát dịch COVID-19 lần 4. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 6, nếu tính cả nợ cơ cấu, nợ xấu toàn ngành đã lên tới 7,21% (cuối năm 2020 là 1,69%). Cuối năm 2020, tỷ lệ nợ xấu này chỉ ở mức 5,08%.

 Theo ông Nguyễn Quốc Hùng-Tổng Thư ký Hiệp hội các Ngân hàng, hiện các biện pháp hỗ trợ xử lý nợ xấu như Nghị quyết 42 sẽ hết hiệu lực vào năm 2022 nên đang có các đề xuất về việc gia hạn hoặc luật hóa Nghị quyết này để hỗ trợ các TCTD xử lý nợ xấu tồn đọng và nợ xấu liên quan đến COVID-19. Ngoài ra, có thể nới lỏng một số mốc thời hạn quan trọng giúp các ngân hàng thuộc nhóm Big 3  và nhóm ngân hàng tư nhân có thêm thời gian để xử lý nợ xấu nhất các khoản nợ liên quan đến nhóm 5 - nợ có khả năng mất vốn. Tuy nhiên ông Hùng kỳ vọng các ngân hàng tốt sẽ có đủ năng lực để xử lý rủi ro nợ xấu. Bộ đệm tín dụng tốt sẽ giúp ngân hàng xử lý nợ xấu trước khi có Nghị quyết mới về xử lý nợ xấu trong năm 2022...

Có thể bạn quan tâm

  • Tác động từ chính sách tiền tệ linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước

    Tác động từ chính sách tiền tệ linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước

    13:30, 10/02/2022

  • Tối ưu trải nghiệm với tiện ích vượt trội từ ngân hàng số OCB OMNI

    Tối ưu trải nghiệm với tiện ích vượt trội từ ngân hàng số OCB OMNI

    07:00, 09/02/2022

  • Ngân hàng thuộc nhóm Big 3 có lãnh đạo tuổi Dần đang làm ăn ra sao?

    Ngân hàng thuộc nhóm Big 3 có lãnh đạo tuổi Dần đang làm ăn ra sao?

    05:15, 06/02/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nợ có khả năng mất vốn của nhóm Big 3 liệu có giảm tốc?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO