Hành vi phát tán tài liệu có chứa đường lưỡi bò phi pháp của bà Lynette Moey Yu Lin - Tổng Giám đốc Công ty Bayer Việt Nam đã bị xử phạt 30 triệu đồng. Tuy nhiên, liệu mức phạt này đã đủ sức răn đe?
Phạt 30 triệu đồng
Chiều 21/5, bà Lynette Moey Yu Lin (quốc tịch Malaysia, gốc Trung Quốc), Tổng Giám đốc Công ty Bayer Việt Nam đã bị Sở Thông tin và Truyền thông TP. HCM phạt 30 triệu đồng vì hành vi sử dụng thư điện tử cá nhân cung cấp thông tin, hình ảnh vi phạm chủ quyền của Việt Nam.
Theo đó, bà Lynette Moey Yu Lin vi phạm và bị xử phạt theo Điểm b, Khoản 7, Điều 102 Nghị định 15 năm 2020 của Chính phủ (Nghị định số: 15/2020/NĐ-CP), với mức xử phạt là 30 triệu đồng.
Ngoài bị phạt tiền 30 triệu đồng, bà Lynette Moey Yu Lin còn bị tịch thu một máy điện thoại di động dùng để gửi thư điện tử có nội dung vi phạm và buộc phải gỡ bỏ, thu hồi thông tin vi phạm pháp luật nêu trên.
Trước đó, ngày 27/4, trong vai trò Tổng Giám đốc Công ty Bayer Việt Nam, bà Lynette đã chia sẻ một tập tài liệu từ thư điện tử (email) của bà đến khoảng 700 nhân viên trong công ty, với tiêu đề "COVID-19, bài học đến từ Trung Quốc - Chia sẻ bởi Michelle Han".
Theo quy trình làm việc tại Bayer Việt Nam, những tài liệu bắt nguồn từ Tổng Giám đốc sẽ được chuyển tiếp cho quản lý bộ phận, sau đó mới chuyển đến cho các nhân viên công ty.
Điểm b, Khoản 7, Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định:
Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:Cung cấp thông tin, hình ảnh vi phạm chủ quyền quốc gia; xuyên tạc sự thật lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, danh nhân, anh hùng dân tộc mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Có đủ sức răn đe?
Trong bối cảnh mà Trung Quốc đã thể hiện rất rõ dã tâm độc chiếm Biển Đông của mình bằng việc vung tiền ra vẽ đường lưỡi bò ở khắp nơi. Và bằng nhiều cách, hình ảnh phi pháp này đã len lỏi vào trong các ấn phẩm và xâm nhập vào Việt Nam, như là một cách tuyên truyền của người Trung Quốc về dã tâm này của họ.
Đây cũng không phải là trường hợp đầu tiên được phát hiện. Trước đó đã có rất nhiều trường hợp, không hiểu là vô tình hay cố ý mà tấm bản đồ phi pháp này như những chân rết, len lỏi vào trong phim ảnh, vào trong cẩm nang du lịch, trên ứng dụng định vị dẫn đường của xe ô tô, hay trên những sản phẩm được bày bán tràn lan trên các trang thương mại điện tử của Việt Nam. Và nguy hiểm hơn, nó còn xuất hiện cả ở trong trường học.
Rõ ràng, đây không còn là một trò chơi hay là những hành vi vố ý, gián tiếp nữa, mà nó đã là cả một âm mưu, là thủ đoạn để duy trì và hợp thức hóa dần một điều mơ hồ, không có thật đã bị Tòa án Quốc tế và nhiều nước trên thế giới phản bác.
Đã có rất nhiều trường hợp bị xử lý, nặng có, nhẹ cũng có, thậm chí một Lãnh đạo của Cục Điện ảnh đã bị mất chức vì đã kiểm duyệt và cấp phép phổ biến bộ phim Everest - Người tuyết bé nhỏ, trong đó có hình ảnh đường lưỡi bò. Tuy nhiên, những vụ việc phát tán này vẫn không có dấu hiệu dừng lại, mà ngược lại, nó lại đang có chiều hướng ra tăng và với những hình thức tinh vi hơn, khó phát hiện hơn.
Vì thế, câu hỏi đặt ra ở đây là với mức phạt 30 triệu đồng cho hành vi này liệu đã đủ sức răn đe? Có làm cho người ta sợ khi nghĩ đến hành vi này không? Liệu có tạo ra một tiền lệ nguy hiểm đối với những âm mưu mang tầm chiến lược của Trung Quốc? Và liệu có ai dám chắc rằng, sau Bayer Việt Nam sẽ không còn một cá nhân, hay một doanh nghiệp nào lấy danh nghĩa là “tai nạn”, là vô tình để “vô tư” phát tán, tiếp tay cho hành vi vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, để rồi chỉ bị phạt 30 triệu đồng là xong?
Những câu hỏi này sẽ dành cho những người làm Luật, những nhà hoạch định chính sách, cần phải có những nghiên cứu để đưa vào Luật những chế tài mạnh hơn, đủ sức răn đe hơn và phải coi đây là một trường hợp đặc biệt, vì nó liên quan đến vấn đề lãnh thổ Quốc gia.
Có thể bạn quan tâm
20:13, 15/05/2020
06:00, 15/05/2020
14:00, 14/05/2020
15:55, 11/05/2020
05:05, 30/04/2020
00:20, 29/04/2020
02:02, 11/11/2019