Quy định lập kế hoạch phát triển nhà ở 05 năm và hàng năm của địa phương có tính hình thức, không sát với thực tế nền kinh tế thị trường.
Đó là khẳng định trong văn bản mới đây của Hiệp hội Bất động sản TP HCM gửi Thủ tướng đề xuất bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP về “điều chỉnh chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở” nhằm góp phần đảm bảo sự thống nhất giữa Nghị định số 99/2015/NĐ-CP (sửa đối) với Luật Nhà ở 2014, Luật Đầu tư 2020, Luật Xây dựng (sửa đổi) 2020.
Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA, quy định về lập Kế hoạch phát triển nhà ở chỉ đúng đối với trường hợp phát triển các dự án nhà ở thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước theo Luật Đầu tư công, như các dự án nhà ở công vụ, nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư nhưng không đúng đối với hoạt động phát triển các dự án nhà ở thương mại thực hiện bằng nguồn vốn tư nhân.
Theo đó, trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, dưới sự quản lý của Nhà nước thì nhà đầu tư có quyền thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong các ngành nghề mà pháp luật không cấm.
Do vậy, Nhà nước chỉ cần định hướng hoạt động đầu tư kinh doanh của khu vực tư nhân (trong đó có các dự án nhà ở thương mại, dự án kinh doanh bất động sản), thông qua các công cụ về quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất hàng năm, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; Quy hoạch xây dựng; Quy hoạch đô thị; Chiến lược và Chương trình phát triển nhà ở. Đồng thời, sử dụng các công cụ về thuế, về tín dụng… để điều tiết các lĩnh vực của nền kinh tế, trong đó có thị trường bất động sản và các dự án phát triển nhà ở thương mại, các dự án kinh doanh bất động sản.
Ông Châu cũng cho rằng, căn cứ các quy hoạch, nhà đầu tư có quyền sử dụng đất (tự tạo lập quỹ đất dự án phổ biến thông qua phương thức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất phù hợp với quy hoạch, theo quy định của pháp luật về đất đai) và đề xuất dự án nhà ở.
“Do vậy, không thể “tư duy cũ theo kiểu lập kế hoạch tập trung như trước đây” đối với hoạt động phát triển nhà ở thương mại 05 năm và hàng năm, yêu cầu UBND cấp tỉnh phải tổ chức lập, phê duyệt kế hoạch phát triển nhà ở hàng năm và 05 năm trên địa bàn bao gồm kế hoạch phát triển nhà ở thương mại”, bao gồm chi tiết “số lượng dự án đầu tư xây dựng nhà ở, số lượng nhà ở, tổng diện tích sàn xây dựng nhà ở cần đầu tư xây dựng, trong đó nêu rõ kế hoạch cho 05 năm và hàng năm; Tỷ lệ các loại nhà ở (nhà ở riêng lẻ, nhà chung cư) cần đầu tư xây dựng”, kể cả “nhà ở thương mại” - Ông Châu khẳng định.
Chủ tịch HoREA cũng cho biết, do Khoản 2 Điều 15 Luật Nhà ở 2014 hiện hành quy định như trên nên Hiệp hội đề nghị lập Kế hoạch phát triển nhà ở có các nội dung như “Quy hoạch phân khu xác định vị trí, khu vực phát triển nhà ở (bao gồm phát triển nhà ở thương mại)” và chỉ quy định “số lượng dự án” đối với các dự án nhà ở xã hội, nhà ở phục vụ tái định cư, nhà ở công vụ.
Không cần thiết xác định “số lượng dự án nhà ở thương mại” trong Kế hoạch phát triển nhà ở 05 năm và hàng năm, vì theo quy định pháp luật và trên thực tế nhà đầu tư chỉ có thể được chấp thuận dự án đầu tư nếu dự án nhà ở thương mại phù hợp với quy hoạch.
Do vậy, Khoản 3 Điều 3 Nghị định số 99/2015/NĐ-CP đề xuất được sửa đổi, bổ sung như sau: Nội dung kế hoạch phát triển nhà ở 05 năm và hàng năm của địa phương bao gồm: Quy hoạch phân khu xác định vị trí, khu vực phát triển nhà ở (bao gồm phát triển nhà ở thương mại); số lượng dự án đầu tư xây dựng nhà ở (nhà ở xã hội, nhà ở phục vụ tái định cư, nhà ở công vụ), số lượng nhà ở, tổng diện tích sàn xây dựng nhà ở cần đầu tư xây dựng, trong đó nêu rõ kế hoạch cho 05 năm và hàng năm; Tỷ lệ các loại nhà ở (nhà ở riêng lẻ, nhà chung cư) cần đầu tư xây dựng; số lượng, diện tích sàn xây dựng nhà ở xã hội cần đầu tư xây dựng trong 05 năm và hàng năm, trong đó nêu rõ diện tích sàn xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê;
Xác định chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân đầu người tại đô thị, nông thôn và trên toàn địa bàn; chỉ tiêu diện tích nhà ở tối thiểu; Xác định diện tích đất để xây dựng các loại nhà ở (nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở phục vụ tái định cư, nhà ở công vụ) trong 05 năm và hàng năm; các hình thức đầu tư xây dựng nhà ở; Xác định nguồn vốn huy động cho phát triển các loại nhà ở; thời gian triển khai thực hiện 05 năm và hàng năm; Cách thức tổ chức thực hiện và trách nhiệm của các cơ quan liên quan của địa phương trong việc triển khai kế hoạch phát triển nhà ở”.
Có thể bạn quan tâm
QCVN 06:2020/BXD về an toàn cháy cho nhà ở: Bất cập tầng lánh nạn
11:00, 27/10/2020
Nhiều bất cập trong đặt cọc thuê nhà ở xã hội
07:30, 26/10/2020
Truy tố Giám đốc “lừa” mua bán nhà ở xã hội
04:20, 25/10/2020
TP HCM: Hạn chót bàn giao nhà ở xã hội Tân Bình tháng 4/2021
05:00, 21/10/2020
HDBank nâng thời hạn vay mua, sửa chữa nhà ở lên đến 35 năm
15:08, 19/10/2020