Quý II/2021: 71,4% kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp chưa được giải quyết

ANH KHÔI 02/08/2021 03:50

Quý II/2021, VCCI đã tập hợp, phân loại và chuyển các bộ ngành, địa phương 28 kiến nghị của các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, tuy nhiên, có tới 20 kiến nghị chưa được giải quyết (chiếm 71,4%)…

Theo đó, trong quý II/2021, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tập hợp, phân loại và chuyển các bộ ngành, địa phương 28 kiến nghị mới của các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp. Trong đó, có 08 kiến nghị (đạt tỷ lệ 28,6%) đã được trả lời, giải quyết, còn tới 20 kiến nghị (chiếm 71,4%) chưa giải quyết.

Số kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp chưa được giải quyết vẫn ở mức cao (chiếm 71,4%)

Số kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp chưa được giải quyết vẫn ở mức cao (chiếm 71,4%)

Cụ thể, các bộ ngành nhận được nhiều kiến nghị trong quý II/2021 bao gồm: Bộ Tài chính (11 kiến nghị), Bộ Công thương (06 kiến nghị), Bộ Giao thông Vận tải (05 kiến nghị), Ngân hàng Nhà nước (03 kiến nghị). Các bộ ngành: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Y tế, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động thương binh và Xã hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công an; các địa phương: UBND TP. Hà Nội, UBND TP. Hồ Chí Minh, UBND tỉnh Thanh Hóa, UBND tỉnh Long An, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, UBND tỉnh Lào Cai, UBND tỉnh Nam Định mỗi nơi nhận từ 01-02 kiến nghị (một số kiến nghị cùng gửi đến nhiều Bộ, ngành, địa phương liên quan).

Theo đánh giá của VCCI, các bộ ngành đã chủ động tiếp nhận và giải quyết kịp thời kiến nghị của doanh nghiệp do Văn phòng Chính phủ chuyển tới khá đầy đủ, kịp thời, đúng thời hạn theo phiếu chuyển của Văn phòng. Tuy nhiên, số lượng kiến nghị chưa được giải quyết quý này chiếm tỷ lệ cao do liên quan đến sửa đổi các quy định của pháp luật nên cần phải có thời gian nghiên cứu và trình cấp có thẩm quyền giải quyết. Các kiến nghị do VCCI và các Hiệp hội doanh nghiệp tập hợp gửi Văn phòng Chính phủ mất thời gian nhiều hơn do sau khi tiếp nhận, Văn phòng Chính phủ mới chuyển đến các Bộ, ngành, địa phương xem xét, giải quyết.

Cũng theo VCCI, nội dung chính trong các kiến nghị của doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp quý II/2021 chủ yếu đề xuất với các bộ ngành, địa phương có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn đại dịch COVID-19 bùng phát và hướng dẫn quy định của pháp luật để thực hiện.

Cụ thể, Hiệp hội đại lý và môi giới hàng hải Việt Nam (VISABA) kiến nghị xem xét không thu phí hạ tầng cảng biển đối với hàng quá cảnh, chuyển tải đi Campuchia và các địa phương trong cả nước.

VISABA kiến nghị xem xét không thu phí hạ tầng cảng biển đối với hàng quá cảnh... - Ảnh minh họa

VISABA kiến nghị xem xét không thu phí hạ tầng cảng biển đối với hàng quá cảnh... - Ảnh minh họa

Hiệp hội Vận tải Ô tô, Hiệp hội vận tải hành khách công cộng thành phố Hà Nội đề xuất các giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp như: Giảm từ 3 đến 5% lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ; Cho vay mới doanh nghiệp bổ sung vốn lưu động khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh; Cho phép các doanh nghiệp vận tải hành khách công cộng được ngừng đóng (không phải đóng) bảo hiểm xã hội đến hết năm 2021; Cho các doanh nghiệp vận tải hành khách công cộng được miễn nộp phí bảo trì đường bộ đến hết năm 2021; Xây dựng các quy chuẩn về tiêu chuẩn kỹ thuật, ban hành thông tư hướng dẫn cụ thể trong việc thực hiện lắp đặt camera, khi đó mới nên tham mưu với Chính phủ về thời hạn thực hiện.

Bên cạnh đó, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng kiến nghị bổ sung, sửa đổi một số quy định của pháp luật như: Không gộp nước thải, chế biến thủy sản vào QCVN nước thải công nghiệp chung nhiều ngành nghề khác nhau và tiếp tục thực hiện QCVN riêng cho chế biến thủy sản do yếu tố đặc thù của ngành; Đưa trại, ao nuôi thủy sản vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo QCVN 62:2021/BTNMT;

Không đưa các sản phẩm thủy sản chế biến từ động vật, sản phẩm động vật hoặc sản phẩm có chứa sản phẩm động vật (đồ khô, đồ hộp, nấu chín, ăn liền, đông lạnh…) vào danh mục phải kiểm dịch theo Luật Thú y trừ các sản phẩm tươi sống, ướp lạnh. Các sản phẩm này chỉ chịu kiểm soát theo quy định của Luật An toàn thực phẩm; Kiến nghị giảm tỷ lệ trích nộp kinh phí công đoàn xuống còn tối đa 1% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội; Kiến nghị Tổng cục Hải Quan cho doanh nghiệp tùy theo điều kiện thực tế để lựa chọn hình thức kiểm dịch tại kho của doanh nghiệp và kiểm dịch tại cảng và được phép mang hàng về kho bảo quản chờ thông quan.

VASEP tiếp tục kiến nghị về những bất cập trong việc áp kiểm dịch thú y đối

VASEP tiếp tục kiến nghị không đưa các sản phẩm thủy sản chế biến từ động vật, sản phẩm động vật hoặc sản phẩm có chứa sản phẩm động vật (đồ khô, đồ hộp, nấu chín, ăn liền, đông lạnh…)

Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Long An kiến nghị: Điều chỉnh nội dung Nghị định số 132/2020/NĐ-CP ngày 05/11/2020 Quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết theo hướng “không áp dụng” đối với các Công ty có giao dịch liên kết có cùng mức thuế suất Thuế thu nhập doanh nghiệp; Áp dụng Nghị định 132/2020/NĐ-CP của Chính phủ đối với các Công ty giao dịch liên kết không cùng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp, các doanh nghiệp có ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, các doanh nghiệp có giao dịch liên kết ngoài lãnh thổ Việt Nam để chống chuyển giá, chống thất thu ngân sách.

Ngoài ra, Công ty cổ phần Thành Công motor Việt Nam kiến nghị, chính sách ưu đãi thuế đối với xe ô tô điện hóa, xe ô tô thân thiện với môi trường. Căn cứ vào bối cảnh thị trường xe ô tô Việt Nam cũng như tham khảo bài học kinh nghiệm từ các quốc gia trong khu vực, Công ty đề xuất các chính sách nhằm khuyến khích phát triển và sử dụng các phương tiện xanh, sạch và thân thiện với môi trường tại Việt Nam.

Liên quan đến công tác hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập kinh tế quốc tế, cụ thể về vấn đề thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA) vừa ký kết cũng như tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp về logistics. VCCI đã có văn bản đề xuất một số chính sách, giải pháp, như:

Theo khảo sát của VCCI trên 10.200 doanh nghiệp đang hoạt động tại 63 tỉnh thành cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp trong năm qua gặp khó khăn chưa từng thấy do tác động của dịch Covid-19. Kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu sử dụng ưu đãi thuế quan theo các hiệp định thương mại tự do (FTA) trong tổng kim ngạch xuất khẩu tương đối thấp, có xu hướng giảm trong vài năm trở lại đây (từ 39% năm 2018 xuống còn 33% năm 2020).

Các FTA gần đây (CPTPP, EVFTA) tỷ lệ sử dụng còn thấp hơn rất nhiều với một số FTA (từ 1% đến 8% như AIFTA, AJCEP-VJEPA, VCFTA, VKFTA, năm 2018). Lý giải cho nguyên nhân này, theo các doanh nghiệp, một số quy tắc xuất xứ cam kết được giải thích theo hướng bất lợi cho doanh nghiệp. Ngôn ngữ trong các Thông tư về quy tắc xuất xứ theo FTA tương tự ngôn ngữ trong cam kết FTA, không dễ hiểu, luôn cần được giải thích bởi cán bộ của Bộ Công Thương, đây là chủ thể duy nhất ở Việt Nam có đủ chuyên môn để giải thích và có hiệu lực. Do vậy, VCCI kiến nghị Bộ Công thương thành lập ngay Tổ công tác về Quy tắc xuất xứ theo các FTA.

Theo đó, Tổ công tác có nhiệm vụ tư vấn, hỗ trợ về quy tắc xuất xứ cho bất kỳ doanh nghiệp nào muốn tận dụng ưu đãi thuế quan FTA để xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa; Xử lý các vướng mắc về chính sách liên quan tới quy tắc xuất xứ trong FTA, tiếp nhận câu hỏi của doanh nghiệp, trả lời/phản hồi để trao đổi cụ thể hơn cho doanh nghiệp trong thời hạn ngắn (1-3 ngày); Tổng hợp các vấn đề bất cập về chính sách liên quan tới quy tắc xuất xứ của các FTA. Đối với các vướng mắc trong thực thi tại các đơn vị cấp chứng nhận xuất xứ, Tổ công tác trực tiếp xử lý trong thời hạn 1-3 ngày kể từ ngày tiếp nhận thông tin.

Bên cạnh đó, VCCI cũng kiến nghị thành lập Tổ công tác của Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công Thương để rà soát và tháo gỡ các khó khăn hiện nay về chi phí logicstics, tình trạng thiếu container do chi phí gia tăng mạnh từ năm 2020 tới nay.

Một số giải pháp khác cũng được đề xuất để hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, vượt qua được các tác động tiêu cực của dịch COVID-19 như: đào tạo nhân lực chất lượng cao, tập trung phát triển kinh tế số như thương mại điện tử, Fintech và logistics; đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công thông qua thúc đẩy các dự án trọng điểm quốc gia đã được phê duyệt; Thúc đẩy thị trường nội địa, thị trường nội ngành…

Có thể bạn quan tâm

  • Quý I/2021: 13,3% kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp được giải quyết

    Quý I/2021: 13,3% kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp được giải quyết

    10:10, 31/07/2021

  • VCCI kiến nghị một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi

    VCCI kiến nghị một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi

    03:47, 27/07/2021

  • Bộ Xây dựng trả lời kiến nghị về thủ tục xuất khẩu cát tiêu chuẩn

    Bộ Xây dựng trả lời kiến nghị về thủ tục xuất khẩu cát tiêu chuẩn

    03:50, 01/08/2021

  • Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính 61.761 tỷ đồng

    Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính 61.761 tỷ đồng

    17:23, 22/07/2021

  • Vasep kiến nghị chính sách để doanh nghiệp vượt qua đại dịch

    Vasep kiến nghị chính sách để doanh nghiệp vượt qua đại dịch

    15:00, 11/07/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Quý II/2021: 71,4% kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp chưa được giải quyết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO