Sử dụng hóa đơn điện tử: Doanh nghiệp tiết giảm được nhiều chi phí

Mai Hằng 22/10/2018 01:43

Với phạm vi tác động bao trùm đối với toàn xã hội, Nghị định 119 sẽ tác động lớn đối với các doanh nghiệp, người nộp thuế, cơ quan thuế các cấp cũng như các tổ chức, cá nhân mua hàng hóa, dịch vụ.

Cục thuế TP Đà Nẵng tư vấn cho người nộp thuế

 Tư vấn cho người nộp thuế tại Cục thuế TP Đà Nẵng

Ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế) cho biết, việc sử dụng hóa đơn điện tử thay cho hóa đơn giấy sẽ mang lại nhiều ích cho doanh nghiệp do tiết giảm được nhiều chi phí.

Theo ông Huy, nếu doanh nghiệp, người nộp thuế sử dụng hóa đơn giấy phải chi phí giấy in, mực in, chi phí chuyển hóa đơn cho khách hàng đối với trường hợp khách hàng ở xa sẽ rất lơn. Số liệu khảo sát của Tổng cục Thuế cho thấy, chi phí cao nhất mà doanh nghiệp sử dụng hóa đơn tự in là khoảng 2.500 đồng/tờ hóa đơn, tương đương 125.000 đồng/quyển 50 số hóa đơn. Chi phí cao nhất đặt in hóa đơn là 2.000 đồng/tờ hóa đơn, tương đương 100.000 đồng/quyển 50 số hóa đơn. Nếu những đơn vị sử dụng nhiều hóa đơn, thì tổng số chi phí cho việc sử dụng hóa đơn giấy trong một năm là không hề nhỏ.

Có thể bạn quan tâm

  • Những trường hợp nào được cấp miễn phí hóa đơn điện tử?

    Những trường hợp nào được cấp miễn phí hóa đơn điện tử?

    07:50, 21/10/2018

  • Doanh nghiệp có 24 tháng để chuyển từ hóa đơn giấy sang hóa đơn điện tử

    Doanh nghiệp có 24 tháng để chuyển từ hóa đơn giấy sang hóa đơn điện tử

    00:39, 20/10/2018

  • Sử dụng hóa đơn điện tử còn nhiều băn khoăn

    Sử dụng hóa đơn điện tử còn nhiều băn khoăn

    01:00, 06/10/2018

  • Tại sao nhiều doanh nghiệp

    Tại sao nhiều doanh nghiệp "chuộng" sử dụng hóa đơn điện tử?

    08:01, 31/08/2018

Bên cạnh đó, việc sử dụng hóa đơn giấy có rủi ro mất, hỏng, cháy do nhiều nguyên nhân khác nhau. Việc sử dụng hóa đơn điện tử sẽ khắc phục được tình trạng này do hệ thống lưu trữ hóa đơn điện tử được sao lưu và thường xuyên cập nhật nên khả năng mất hoàn toàn dữ liệu hóa đơn là khó xảy ra.

Thực tế, đã có nhiều doanh nghiệp đã và đang lựa chọn hình thức hóa đơn điện tử trong hoạt động bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ như: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Viễn thông Quân đội, Tổng công ty Đường sắt, Công ty Thế giới di động, Công ty Cổ phần bán lẻ FPT, Ngân hàng Phương Đông, Công ty AVG, Công ty Cáp treo Bà Nà, Công ty TNHH Vinecom, Công ty Navigos, Công ty Cho thuê tài chính Chailease, Công ty DHL, Công ty Trần Anh...

Đối với cơ quan thuế, sử dụng hóa đơn điện tử giúp ngành thuế xây dựng cơ sở dữ liệu về hóa đơn. Khi toàn bộ doanh nghiệp triển khai hóa đơn điện tử, ngành thuế sẽ có hệ thống cơ sở dữ liệu về hóa đơn, từ đó có thể phục vụ hiệu quả cho công tác thanh tra, kiểm tra, hoàn thuế, phân tích rủi ro doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh… Sử dụng hóa đơn điện tử còn ngăn chặn kịp thời hóa đơn của các doanh nghiệp bỏ trốn, mất tích, đồng thời khắc phục được trình trạng gian lận, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, lập hóa đơn sai lệch nội dung giữa các liên.

“Để có thể triển khai Nghị định trong thực tế, Tổng cục Thuế đang triển khai kết nối thông tin giữa cơ quan thuế với các doanh nghiệp trên toàn quốc, đồng thời  hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin, giải pháp kỹ thuật đảm bảo việc thực hiện hóa đơn tử trên diện rộng.” – đại diện Tổng cục Thuế cho hay.

Đề cập việc nếu bỏ hóa đơn giấy, hàng hóa lưu thông trên đường bị kiểm tra thì doanh nghiệp, người nộp thuế sẽ phải xử lý ra sao, ông Lưu Đức Huy cho biết, Nghị định số 119 (có hiệu lực từ ngày 1/11/2018) quy định, khi kiểm tra hàng hóa lưu thông trên thị trường, đối với trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử, cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền truy cập Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế để tra cứu thông tin về hóa đơn điện tử phục vụ yêu cầu quản lý, không yêu cầu cung cấp hóa đơn giấy.

Các cơ quan có liên quan có trách nhiệm sử dụng các thiết bị để truy cập tra cứu dữ liệu hóa đơn điện tử. Trường hợp bất khả kháng do sự cố, thiên tai gây ảnh hưởng đến việc truy cập mạng Internet dẫn đến không tra cứu được dữ liệu hóa đơn, nếu người vận chuyển hàng hóa có chứng từ giấy (bản sao bằng giấy không cần ký tên, đóng dấu của người mua, người bán hàng hóa) chuyển từ hóa đơn điện tử thì xuất trình chứng từ giấy chuyển cho cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền đang thực hiện kiểm tra hàng hóa.

Cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền đang thực hiện kiểm tra căn cứ chứng từ giấy chuyển từ hóa đơn điện tử để lưu thông hàng hóa và tiếp tục thực hiện tra cứu dữ liệu hóa đơn điện tử (tại đầu mối đăng ký với Tổng cục Thuế) để phục vụ công tác kiểm tra để xử lý theo quy định.

Trường hợp người vận chuyển hàng hóa không có chứng từ giấy chuyển từ hóa đơn điện tử thì cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền đang thực hiện kiểm tra truy cập Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế để kiểm tra, xác nhận hóa đơn điện tử của doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Sử dụng hóa đơn điện tử: Doanh nghiệp tiết giảm được nhiều chi phí
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO