Sửa Luật Điện lực: Nhiều quy định về điện gió ngoài khơi còn bất cập

Bài: GIA NGUYỄN - Ảnh: QUỐC TUẤN 05/05/2024 04:00

Xoay quanh nội dung Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), góp ý hoàn thiện, nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan soạn thảo nên cân nhắc, làm rõ quy định về độ sâu đáy biển với dự án điện gió ngoài khơi…

>> Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi): Cần xây dựng thị trường điện cạnh tranh, tránh độc quyền

Theo đó, trước những thay đổi nhanh chóng của ngành điện và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, việc sửa đổi, bổ sung Luật Điện lực được cho là cần thiết để đáp ứng thực tiễn hoạt động điện lực và sử dụng điện. Vì vậy, Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) được xây dựng với 6 chính sách lớn tại 9 Chương, 94 Điều, bao gồm: Quy hoạch, đầu tư phát triển điện lực; phát triển năng lượng tái tạo; thị trường điện; cấp phép hoạt động điện lực; vận hành hệ thống điện; an toàn điện, an toàn đập, hồ chứa thủy điện.

Và một trong những vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm chính là một số quy định liên quan đến điện gió ngoài khơi.

một trong những vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm chính là các nội dung liên quan đến điện gió ngoài khơi - Ảnh minh họa

Một trong những vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm tại Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) chính là một số quy định liên quan đến điện gió ngoài khơi - Ảnh minh họa

Cụ thể, theo Điều 26 Dự thảo: “Các dự án trong lĩnh vực này bao gồm hai công trình chính: Nhà máy điện và Lưới điện. Trong đó định nghĩa về nhà máy điện ngoài khơi quy định là nhà máy điện gió có toàn bộ tuabin điện gió được xây dựng ngoài phạm vi vùng biển 6 hải lý và có độ sâu đáy biển lớn (được xác định cụ thể theo số liệu khảo sát thực tế do Chính phủ quy định).

Thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư dự án điện gió ngoài khơi được thực hiện theo quy định pháp luật về đầu tư và khoản 2 Điều 92 của Luật này.

Tổ chức, cá nhân được giao làm chủ đầu tư không được chuyển nhượng quá 49% tổng mức đầu tư của dự án hoặc phần vốn góp. Cấp chấp thuận chủ trương đầu tư dự án điện gió ngoài khơi có thẩm quyền quyết định chuyển nhượng phần vốn góp. Điều này nhằm đảm bảo rằng người chủ đầu tư giữ lại quyền kiểm soát đáng kể trong dự án và đảm bảo rằng họ có một cam kết mạnh mẽ đối với sự thành công của dự án”.

>> Sửa đổi Luật Điện lực: Cần phân định cụ thể giữa độc quyền và không độc quyền

nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan soạn thảo nên cân nhắc, làm rõ quy định về độ sâu đáy biển với dự án điện gió ngoài khơi - Ảnh minh họa

Nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan soạn thảo nên cân nhắc, làm rõ quy định về độ sâu đáy biển với dự án điện gió ngoài khơi - Ảnh minh họa

Xoay quanh nội dung quy định đã nêu, không ít ý kiến cho rằng, việc quy định các nhà máy điện gió ngoài khơi phải xây dựng ngoài phạm vi 6 hải lý và có độ sâu đáy biển lớn như đề xuất được Dự thảo đưa vào sẽ gây khó khăn khi xác định vị trí dự án.

Góp ý về nội dung này, Bà Nguyễn Thanh Trà - đại diện Tập đoàn CIP (Đan Mạch) cho hay, quan trọng nhất là khoảng cách 6 hải lý còn yêu cầu đảm bảo về độ sâu đáy biển sẽ rất khó để đo đạc, xác định là nhà máy điện gió ngoài khơi khi mà Việt Nam chưa có những đo đạc, số liệu cụ thể để xác định độ sâu đáy biển ở tất cả các địa hình của biển Việt Nam.

“Việc này ảnh hưởng đến việc coi dự án này là điện gió ngoài khơi hay không phải điện gió ngoài khơi. Vì thế chúng tôi đề xuất là chỉ nên quy định là xa bờ 6 hải lý là đủ vì vốn đầu tư, công nghệ đã rất là lớn rồi”, bà Trà bày tỏ.

Đồng quan điểm, đại diện Công ty cổ phần APC cũng cho rằng, hiện có một số văn bản đang Dự thảo độ sâu của dự án điện gió ngoài khơi phải hơn 10m, tuy nhiên, Dự thảo Luật này lại không ghi chi tiết độ sâu. Điều này vô hình trung khiến doanh nghiệp không biết thực hiện làm sao cho đúng.

“Chẳng hạn, dự án đảm bảo ngoài 6 hải lý, nhưng độ sâu khoảng 7-8m thì sẽ ra sao? Hoặc một dự án có 30 cái turbine gió, nhưng có khoảng 5-7 turbine ở ngưỡng độ sâu 7-8 mét, thì sau này hưởng theo cơ chế chính sách nào, việc nghiệm thu ra sao?”, đại diện APC chia sẻ.

Đồng thời kiến nghị, phải chi tiết thêm nội dung này để không vướng mắc ở khâu hậu kiểm sau khi dự án hoàn thành.

Cùng với vấn đề đã nêu, cũng liên quan đến nội dung được quy định tại Điều 26 Dự thảo về “Tổ chức, cá nhân được giao làm chủ đầu tư không được chuyển nhượng quá 49% tổng mức đầu tư của dự án hoặc phần vốn góp”.

Liên quan đến nội dung này, nhiều ý kiến đề xuất, nên cho các nhà đầu tư thực hiện việc chuyển nhượng trong giai đoạn nhất định sau khi dự án đã đi vào vận hành chứ không hạn chế trong toàn bộ vòng đời của dự án. Bởi, trong giai đoạn xây dựng và đầu tư dự án thì nhà đầu tư sẽ quyết tâm thực hiện dự án đến cùng và không thoái vốn, tuy nhiên đến giai đoạn vận hành, nhà đầu tư phát triển dự án không phải là nhà đầu tư làm tốt nhất công việc vận hành. Việc vận hành đó có thể chuyển cho nhà đầu tư khác hoặc có thể nhà đầu tư khác có khả năng tốt hơn.

Được biết, trước những góp ý liên quan đến quy định tại Điều 26 Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), đại diện Bộ Công Thương cho rằng, quy định về khoảng cách 6 hải lý để xác định nhà máy điện gió ngoài khơi là đã rõ. Còn yêu cầu về độ sâu thì cần xem xét, vì đặc điểm của vùng biển Việt Nam có sự chênh lệch về độ sâu đáy biển dẫn đến chi phí nghiên cứu, đầu tư, thi công xây dựng, vận hành bảo dưỡng khác nhau. Nên cần thiết phải có quy định về độ sâu đáy biển với dự án điện gió ngoài khơi.

Còn về quy định chuyển nhượng dự án, vị này cũng cho hay, quy định này nhằm đảm bảo an ninh quốc phòng, chủ quyền lãnh hải. Việc xem xét thành phần tham gia của chủ đầu tư là vô cùng quan trọng…

Có thể bạn quan tâm

  • Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi): Cần xây dựng thị trường điện cạnh tranh, tránh độc quyền

    Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi): Cần xây dựng thị trường điện cạnh tranh, tránh độc quyền

    04:00, 06/08/2023

  • Sửa đổi Luật điện lực cần theo hướng rõ ràng hơn

    Sửa đổi Luật điện lực cần theo hướng rõ ràng hơn

    10:59, 11/01/2022

  • Sửa đổi Luật Điện lực: Cần phân định cụ thể giữa độc quyền và không độc quyền

    Sửa đổi Luật Điện lực: Cần phân định cụ thể giữa độc quyền và không độc quyền

    15:30, 10/01/2022

  • Sửa đổi Luật Điện lực phù hợp với Nghị quyết 55-NQ/TW

    Sửa đổi Luật Điện lực phù hợp với Nghị quyết 55-NQ/TW

    16:18, 06/01/2022

  • Luật Điện lực hiện hành tồn tại... quá nhiều bất cập

    Luật Điện lực hiện hành tồn tại... quá nhiều bất cập

    04:10, 02/08/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Sửa Luật Điện lực: Nhiều quy định về điện gió ngoài khơi còn bất cập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO