Sửa Luật Việc làm theo hướng có lợi cho người lao động

KHÔI NGUYÊN 09/02/2023 03:00

Bên cạnh việc hỗ trợ người lao động và xây dựng mạng lưới an sinh xã hội bao trùm, bền vững, Luật việc làm sửa đổi lần này được kỳ vọng bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật…

>>Sửa Luật Việc làm: Phát huy chức năng của bảo hiểm thất nghiệp

ggggg

Các chính sách hỗ trợ tạo việc làm đang bất cập. Ảnh minh họa

Bất cập chính sách hỗ trợ việc làm

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp xung quanh những bất cập của Luật Việc làm, luật sư Nguyễn Đức Biên – Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại La cho rằng nổi cộm trong đó là các chính sách hỗ trợ tạo việc làm. Đơn cử là chính sách tín dụng ưu đãi tạo việc làm chưa quy định cụ thể nhằm huy động tối đa nguồn lực xã hội, thúc đẩy cho vay giải quyết việc làm. Các quy định về nguồn vốn, đối tượng và điều kiện vay không phù hợp với thực tiễn. Đặc biệt, luật chưa quan tâm đúng mức đến lực lượng lao động không giao kết hợp đồng lao động (HĐLĐ), hay còn gọi là lao động phi chính thức.

Theo luật sư Biên, mỗi năm có hơn trăm ngàn lao động ra nước ngoài làm việc nhưng trong luật, đối tượng được nhà nước hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng chỉ tập trung 5 nhóm đối tượng chính sách, trong khi những đối tượng khác không được xem xét. “Luật cũng chưa có quy định khung nhằm tạo cơ hội tiếp cận chính sách tín dụng, học nghề cho mọi lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài", luật sư Biên chia sẻ. Bên cạnh đó, vị luật sư này cũng cho rằng, chế độ hỗ trợ học nghề còn xa rời thực tế, chưa chú trọng đào tạo, phát triển và nâng cao kỹ năng nghề (KNN)...

Cũng góp ý cho việc sửa Luật Việc làm, luật sư Lê Thị Nhung – Giám đốc Công ty TNHH Lee và Cộng sự cho rằng, luật hiện hành chưa có quy định về chính sách hỗ trợ chuyển tiếp việc làm và hỗ trợ việc làm cho người cao tuổi trong khi họ gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận đào tạo nghề và việc làm. Bên cạnh đó, một số chính sách hỗ trợ thanh niên cần được nghiên cứu, bổ sung như vấn đề làm thêm của học sinh, sinh viên.

"Công nghệ thông tin rất phát triển nhưng Luật Việc làm chưa có các quy định về hỗ trợ phát triển thị trường lao động trong ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu", luật sư Nhung nêu.

>>Đề xuất sửa quy định về Bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ người lao động

dddddddddd

Một số chính sách hỗ trợ thanh niên cần được nghiên cứu, bổ sung như vấn đề làm thêm của học sinh, sinh viên. Ảnh minh họa

Sửa luật theo hướng có lợi cho người lao động

Xung quanh vấn đề này, tại phiên họp chuyên đề xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 diễn ra đầu tháng 2 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội; nếu tận dụng được, thị trường lao động chắc chắn sẽ có thể phát triển nhanh, bền vững hơn. Để làm được điều này, cần hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật nhằm phát triển đồng bộ các yếu tố, phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động. Do vậy, trong lần sửa đổi này, Luật Việc làm tập trung vào những nhóm chính sách có lợi cho người lao động.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng thông tin thêm, Luật Việc làm (sửa đổi) sẽ mở rộng độ bao phủ, điều chỉnh các chính sách lao động, việc làm đến toàn bộ lực lượng lao động, bao gồm cả lao động có giao kết HĐLĐ và không có giao kết HĐLĐ. Luật cũng là cơ sở quan trọng để xây dựng các chính sách hỗ trợ người lao động, nhất là nhóm lao động yếu thế, lao động nghèo, lao động nông thôn. Bên cạnh đó, Luật Việc làm (sửa đổi) với nhiều ưu tiên, hỗ trợ cho hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm tại các địa phương, giúp người lao động tìm việc làm, tiếp cận thông tin, nghề nghiệp dễ dàng, thuận tiện.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, ngoài mục tiêu hỗ trợ phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hiện đại, bền vững và hội nhập, có sự quản lý, điều tiết của nhà nước, luật sửa đổi còn phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, xây dựng cơ sở dữ liệu về người lao động đồng bộ, thống nhất và kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia. Luật sửa đổi, bổ sung cũng sẽ mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp, bảo đảm việc làm cho người lao động, phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng thất nghiệp.

Bên cạnh tăng cường tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề, khắc phục tình trạng người lao động chỉ nhận trợ cấp thất nghiệp, luật sửa đổi cũng bổ sung điều kiện hưởng chính sách này.

"Lần sửa đổi này sẽ quy định đồng bộ, thống nhất khung trình độ quốc gia với khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia. Quy định rõ sự tham gia của nhà nước, người lao động, người sử dụng lao động, cơ sở đào tạo trong phát triển kỹ năng nghề. Quy định chính sách tín dụng ưu đãi tạo việc làm theo hướng tạo cơ hội tiếp cận cho mọi nhu cầu của người lao động, bao phủ cả nhóm lao động phi chính thức, lao động không có giao kết HĐLĐ, lao động yếu thế, đặc thù" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ.

Có thể bạn quan tâm

  • Sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân: Cần tính đến hài hòa… lợi ích

    Sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân: Cần tính đến hài hòa… lợi ích

    11:00, 06/02/2023

  • Sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân: Cần lưu ý đến lợi ích của người có thu nhập thấp

    Sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân: Cần lưu ý đến lợi ích của người có thu nhập thấp

    04:00, 01/02/2023

  • Năm 2026 mới sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân là quá muộn?

    Năm 2026 mới sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân là quá muộn?

    14:00, 29/01/2023

  • Sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân theo hướng có lợi cho người lao động

    Sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân theo hướng có lợi cho người lao động

    03:00, 28/01/2023

  • Sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân: Mức giảm trừ gia cảnh cần sát với thực tế

    Sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân: Mức giảm trừ gia cảnh cần sát với thực tế

    03:30, 13/01/2023

  • Cấp thiết sửa Luật Thuế TNCN để người dân đỡ mối lo “cơm, áo, gạo, tiền”

    Cấp thiết sửa Luật Thuế TNCN để người dân đỡ mối lo “cơm, áo, gạo, tiền”

    04:00, 09/01/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Sửa Luật Việc làm theo hướng có lợi cho người lao động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO