Các thị trường mới nổi khác của châu Á, đặc biệt là Ấn Độ, đang sẵn sàng thách thức vị trí hàng đầu của Trung Quốc.
>> Ấn Độ sẽ trở thành “Trung Quốc thứ hai”?
Thị trường tiêu dùng Ấn Độ đang chứng kiến sự tăng tốc ấn tượng nhờ sự gia tăng số hộ gia đình có thu nhập trung bình và cao. Tỷ lệ chi tiêu hộ gia đình bình quân đầu người của quốc gia này dự kiến sẽ sớm vượt qua các nền kinh tế châu Á đang phát triển khác, bao gồm Indonesia, Philippines và Thái Lan.
Các dự báo cho thấy thị trường Ấn Độ sẽ đạt số lượng người tiêu dùng là 773 triệu người vào năm 2030, tăng 46% so với mức 529 triệu được ghi nhận vào năm 2023. Trung Quốc dự kiến vẫn sẽ duy trì tổng số người tiêu dùng lớn hơn, với hơn 1 tỷ người tiêu dùng vào năm 2030, nhưng con số này cho thấy mức tăng trưởng ít hơn, chỉ đạt 15% kể từ năm 2024.
Động lực thúc đẩy chủ nghĩa tiêu dùng ở mỗi quốc gia đang được định hình bởi những đặc điểm riêng của tầng lớp trung lưu. Tầng lớp trung lưu của Trung Quốc có xu hướng tập trung ở khu vực thành thị, trong khi tầng lớp trung lưu của Ấn Độ có thể thấy ở cả khu vực thành thị và nông thôn.
Người tiêu dùng mới của Ấn Độ khác với người tiêu dùng trước đây. Họ có xu hướng tìm kiếm chất lượng, sự đa dạng và tiện lợi hơn trong việc mua hàng và cũng sẵn sàng đón nhận những dịch vụ mang tính trải nghiệm hơn. Đồng thời, nhóm người tiêu dùng mới của Ấn Độ cũng nhận thức rõ hơn về các vấn đề xã hội và môi trường phù hợp với giá trị của họ.
Kết quả là, các thương hiệu đang cung cấp các sản phẩm và dịch vụ cao cấp hơn cho người tiêu dùng, một xu hướng được gọi là cao cấp hóa. Sự cao cấp hóa có thể được nhìn thấy trên nhiều danh mục bao gồm thời trang, xe cộ cũng như thực phẩm và đồ uống.
Nhiều nghiên cứu gần đây cũng cho thấy người tiêu dùng Ấn Độ có nhu cầu lớn về các sản phẩm cao cấp trong lĩnh vực thời trang, thực phẩm đóng gói, mỹ phẩm, đồ ăn ngoài và phụ kiện phong cách sống từ các thị trấn nhỏ hơn. Điều này đã khiến các nhà bán lẻ mở rộng nhanh chóng ở các thành phố cấp 2 và 3.
Theo Sonja Cheung, Giám đốc của Hội đồng Doanh nghiệp Châu Á, đô thị hóa là động lực chính thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng ở Ấn Độ vì nó làm thay đổi quy mô, thành phần và động lực của thị trường tiêu dùng, tạo ra cơ hội và thách thức cho các doanh nghiệp và các nhà đầu tư. Theo Ngân hàng Thế giới, dân số đô thị của Ấn Độ tính theo phần trăm tổng dân số đã tăng từ 28% năm 2001 lên 35% vào năm 2020 và dự kiến sẽ đạt 40% vào năm 2030.
Đô thị hóa có một số tác động đến chi tiêu của người tiêu dùng ở Ấn Độ, bao gồm tăng thu nhập và sức mua. Khu vực thành thị có xu hướng đưa ra mức lương cao hơn, nhiều cơ hội việc làm hơn và khả năng tiếp cận giáo dục và chăm sóc sức khỏe tốt hơn khu vực nông thôn. Điều này giúp người tiêu dùng thành thị có mức thu nhập và sức mua cao hơn, những người có đủ khả năng chi tiêu nhiều hơn cho các mặt hàng như hàng tiêu dùng lâu bền, giải trí, du lịch và chăm sóc cá nhân.
Ngoài ra, yếu tố này cũng làm thay đổi sở thích và hành vi của người tiêu dùng Ấn Độ bằng cách đưa người tiêu dùng đến với các sản phẩm, dịch vụ, thương hiệu và phong cách sống mới. Người tiêu dùng thành thị có thị hiếu và nhu cầu đa dạng và phức tạp hơn, chẳng hạn như về sức khỏe và thể chất, tính bền vững, cá nhân hóa và trách nhiệm xã hội. Những yếu tố này thúc đẩy nhu cầu về các sản phẩm mới và sáng tạo trên nhiều loại sản phẩm và lĩnh vực khác nhau.
>> "Ông lớn" của Ấn Độ nhảy vào thị trường bán dẫn nóng bỏng
"Có thể thấy với sự tăng trưởng của nền kinh tế, Ấn Độ đang dần trở thành một thị trường có sức mua hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư toàn cầu. Đây sẽ là cơ hội để các nước khai thác cơ hội mới ngoài Trung Quốc", ông cho biết.
Mặc dù vậy, các chuyên gia nhận định, tại Ấn Độ, tỷ lệ sử dụng internet cao đang giúp thúc đẩy thương mại, nhưng những thách thức như tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên và khả năng tiếp cận giáo dục không bình đẳng có thể cản trở sự đổi mới kỹ thuật số trong tương lai vốn rất cần thiết cho tăng trưởng thương mại.
Ngoài ra, mặc dù mối lo ngại của Ấn Độ đã được giải quyết phần nào nhờ việc thông qua Đạo luật bảo vệ dữ liệu cá nhân kỹ thuật số vào năm ngoái, nhưng thế hệ trẻ Ấn Độ vẫn lo lắng về việc đánh cắp dữ liệu kỹ thuật số và mất quyền riêng tư, theo một báo cáo trong tháng này từ ECDB.
Việc thúc đẩy hiện đại hóa và áp dụng thương mại kỹ thuật số hoàn toàn trái ngược với các phong tục truyền thống tại Ấn Độ đã phần nào ảnh hưởng đến cách tiếp cận của thế hệ trẻ đối với thương mại điện tử.
Để củng cố sức cạnh tranh, nhiều chuyên gia cho rằng Ấn Độ phải giải quyết các mối lo ngại về kỹ thuật số trong thế hệ trẻ và thu hẹp khoảng cách về cơ sở hạ tầng kỹ thuật số để khai thác tối đa tiềm năng nhân khẩu học của mình.
Với việc thị trường tiêu dùng Ấn Độ được định vị để trở thành thị trường lớn thứ ba thế giới vào năm 2027, các nhà đầu tư có thể tận dụng sự tăng trưởng đáng kể này bằng cách đầu tư vào các doanh nghiệp có thể hiểu và đáp ứng nhu cầu đang thay đổi của người tiêu dùng Ấn Độ.
Có thể bạn quan tâm