Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XX phấn đấu đến năm 2025, Thái Bình trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực đồng bằng sông Hồng với tỷ lệ đô thị hóa đạt 30% trở lên.
>>> Thái Bình cải thiện môi trường đầu tư thực chất, hiệu quả
Tỷ lệ đô thị hóa cao
Thời gian qua, việc phát triển đô thị của tỉnh Thái Bình có những chuyển biến rõ nét, dần khẳng định vị trí, vai trò đô thị là động lực, đầu tàu cho phát triển KT-XH. Theo Sở Xây dựng Thái Bình, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 12 đô thị hiện hữu, nằm trong mạng lưới đô thị quốc gia, trong đó có 01 đô thị đạt tiêu chuẩn loại II; 01 đô thị đạt tiêu chuẩn loại IV và 10 đô thị loại V; 100% các đô thị đã được lập quy hoạch chung đô thị.
Ông Phạm Việt Anh, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, tỷ lệ đô thị hóa tỉnh Thái Bình hiện đạt khoảng 22,2%. Trong giai đoạn 2023 – 2025, tỉnh đề ra mục tiêu tỷ lệ đô thị hóa đạt 30% trở lên. Do đó, hệ thống chính trị tỉnh Thái Bình rất quyết tâm thực hiện bằng những nhiệm vụ và giải pháp nhằm khơi thông thông nguồn lực, thu hút doanh nghiệp đầu tư để tạo động lực phát triển đô thị nhanh, bền vững.
Theo ông Phạm Việt Anh, để thực hiện, Thái Bình tập trung hoàn thiện các quy chế, cơ chế, chính sách, bảo đảm thông thoáng, thuận lợi cho công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị. Dự thảo Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định phát triển đô thị là một trong những mục tiêu quan trọng, tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh với trọng tâm là phát triển các đô thị, khu đô thị “xanh, bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu”.
Chú trọng công tác quản lý quy hoạch
Theo ông Phạm Dũng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Thái Bình, Chương trình phát triển đô thị tỉnh Thái Bình được xây dựng là cơ sở để các cơ quan quản lý Nhà nước xác định, kiểm soát các dự án đầu tư xây dựng phát triển đô thị, nâng cao chất lượng đô thị, thu hút các dự án đầu tư… Giai đoạn 2023 - 2025 là thời điểm then chốt để thực hiện chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XX đề ra là tỷ lệ đô thị hóa đạt 30% trở lên vào năm 2025. Do đó, tỉnh đã ban hành nhiều chương trình, đề án, kế hoạch phát triển đô thị; đồng thời yêu cầu các đơn vị, địa phương tập trung dành mọi nguồn lực, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ này, nhất là các nhiệm vụ trọng tâm liên quan đến công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị.
Theo đó, Sở đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng Quy hoạch chung thành phố Thái Bình đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 và đã được UBND tỉnh phê duyệt tháng 6/2023; Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thị trấn Tiền Hải và vùng phụ cận đến năm 2030 theo tiêu chí đô thị loại IV và được UBND tỉnh đã phê duyệt ngày 27/6/2022; Điều chỉnh Quy hoạch chung thị trấn Diêm Điền mở rộng đến năm 2030, huyện Thái Thuỵ (UBND tỉnh đã phê duyệt ngày 09/5/2023); Quy hoạch chung mở rộng thị trấn Đông Hưng, huyện Đông Hưng đến năm 2035 (UBND tỉnh đã phê duyệt ngày 14/7/2023); Quy hoạch chung thị trấn An Bài mở rộng, huyện Quỳnh Phụ đến năm 2035 (UBND tỉnh đã phê duyệt ngày 28/4/2023); Quy hoạch chung đô thị mới Quỳnh Ngọc, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình đến năm 2040 (UBND tỉnh đã phê duyệt ngày 09/12/2022); Quy hoạch chung đô thị mới An Đồng, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình đến năm 2040 (UBND tỉnh đã phê duyệt ngày 08/12/2022).
Về phát triển đô thị, ông Phạm Dũng cho biết, Sở Xây dựng đã tham mưu UBND tỉnh phương án phát triển hệ thống đô thị và nông thôn để tích hợp vào đồ án Quy hoạch tỉnh; xây dựng Chương trình phát triển đô thị tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021-2030; hướng dẫn, đôn đốc, thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chung các đô thị trên địa bàn tỉnh theo kế hoạch phân loại đô thị của Thủ tướng Chính phủ và Quy hoạch xây dựng vùng huyện.
Đây là cơ sở để UBND tỉnh quản lý, chỉ đạo công tác đầu tư xây dựng, phát triển đô thị; đồng thời, là căn cứ để UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch quản lý, đầu tư phát triển đô thị.
“Để đạt các mục tiêu xây dựng và phát triển đô thị đã đề ra, tỉnh luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư đến đầu tư tại tỉnh thông qua việc đẩy mạnh cải cách hành chính, cắt giảm tối đa thời gian giải quyết thủ tục hành chính, góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư công, các dự án phát triển khu đô thị, khu dân cư mới, các dự án PPP; đẩy mạnh thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh”, ông Dũng cho hay.
>>> Tháo gỡ khó khăn giải phóng mặt bằng cho doanh nghiệp tại Thái Bình
>>> Tỉnh Thái Bình: Đổi mới, sáng tạo trong thu hút đầu tư
Phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh
Thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia giai đoạn 2021-2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và hiện thực hóa quy hoạch chi tiết các khu dân cư, khu đô thị, qua đó nâng cao tỷ lệ đô thị hóa trên địa bàn tỉnh, tạo quỹ nhà ở cho nhân dân, Sở Xây dựng đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021-2030, Kế hoạch phát triển nhà ở 5 năm giai đoạn 2021-2025 và Đề án phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030 để triển khai thực hiện các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh.
Trong định hướng phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh chú trọng phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp khu vực đô thị nhất là nhà ở xã hội cho công nhân làm việc trong khu công nghiệp để phục vụ nhu cầu nhà ở cho công nhân ổn định sinh hoạt góp phần thu hút nguồn lao động cho sản xuất công nghiệp đặc biệt là trong Khu kinh tế tỉnh. Trong giai đoạn 2021-2030 tỉnh đã quy hoạch các khu đất xây dựng nhà ở xã hội với diện tích khoảng 165ha, quy mô xây dựng 35.000 căn nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho khoảng 100.000 người thu nhập thấp, công nhân lao động.
Từ năm 2021 đến nay Sở đã tham mưu UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư khoảng 50 dự án phát triển nhà ở thương mại, trong đó đã tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất 06 dự án, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư và ký hợp đồng 20 dự án, chấp thuận nhà đầu tư 03 dự án, các dự án đang trong quá trình thực hiện giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật và nhà ở. Khi dự án hoàn thành sẽ tạo lập hàng chục nghìn căn nhà ở nhà ở thương mại và nhà ở xã hội với hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được xây dựng đồng bộ, hiện đại, đảm bảo vệ sinh môi trường, cảnh quan đô thị đáp ứng nhu cầu và quyền có nhà ở an toàn cho nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Đánh giá về sự đồng hành, hỗ trợ của tỉnh Thái Bình, ông Vũ Huy Đức, Tổng Giám đốc công ty CP Damsan cho rằng, trong quá trình đầu tư và triển khai các dự án đầu tư tại Thái Bình, các Sở, ban, ngành luôn đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, tạo điều kiện tối đa để doanh nghiệp đầu tư kinh doanh và phát triển các dự án tại địa phương, đặc biệt trong công tác giải phóng mặt bằng, cắt giảm thủ tục hành chính lĩnh vực đầu tư, xây dựng.
“Chúng tôi đánh giá cao môi trường đầu tư, kinh doanh tại Thái Bình với những chủ trương kiến tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng cùng những chính sách đồng hành, hỗ trợ các nhà đầu tư triển khai các dự án nhanh chóng, thuận lợi để sớm đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả”, ông Đức nói.
Có thể bạn quan tâm
Thái Bình: Chủ tịch UBND tỉnh và Chủ tịch HĐND tỉnh có 100% số phiếu tín nhiệm cao
10:15, 07/12/2023
Xây dựng Khu kinh tế Thái Bình trở thành trọng điểm, động lực phát triển kinh tế của tỉnh
14:08, 05/12/2023
(Thái Bình) Huyện Tiền Hải điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư
13:38, 05/12/2023
Thái Bình: Quy hoạch kho nổi tiếp nhận tàu 150.000 tấn ngoài khơi cửa Trà Lý
13:29, 05/12/2023
Doanh nghiệp Thái Bình tận dụng các FTA để phát triển và hội nhập
01:22, 05/12/2023