Kinh tế Trung Quốc bất ổn đã và đang dần phủ bóng đen lên lĩnh vực công nghệ, nhưng đó không phải lý do chính.
Bỏ lại đằng sau giai đoạn bùng nổ với lời quảng bá rằng AI đang thay đổi thế giới, các startup công nghệ Trung Quốc đang trở lại mặt đất. Tăng trưởng chậm lại, chi tiêu tiêu dùng giảm, thất nghiệp gia tăng và các vấn đề trên thị trường bất động sản đang góp phần tạo ra cảm giác bất ổn bao trùm lên kinh tế Trung Quốc.
>> Apple phải gỡ hơn 100 ứng dụng “kiểu ChatGPT” tại Trung Quốc
Trong khi xây dựng mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) của riêng mình, vốn tốn hàng trăm triệu USD, là điều không thể đối với những startup non trẻ, cách thức mà hầu hết họ hướng đến là tận dụng các mô hình của OpenAI. Thế nhưng, hướng đi đó cũng đầy trắc trở.
Ông Zhang Chingmu, nhà sáng lập một startup ứng dụng OpenAI trong hoạt hình và ứng dụng thể thao, cho rằng Trung Quốc “đang bước vào một chu kỳ cạnh tranh điên cuồng, nơi mọi người làm việc chăm chỉ hơn để nhận được ít phần thưởng hơn”.
Sự bùng nổ của những người mới tham gia vào lĩnh vực này khiến thị trường AI của Trung Quốc còn rất ít cơ hội bứt phá, ngay cả khi họ có đủ tiền để đầu tư. Các công ty nhỏ phải vật lộn để cạnh tranh với những gã khổng lồ internet của Trung Quốc như Baidu - những người đã có nền tảng nghiên cứu LLM trong nhiều năm. Đây là một cuộc đối đầu mà các chuyên gia cho là không cân sức.
Ông Tony Tung, Giám đốc điều hành của Gobi Partners GBA, cho biết: “Những gã khổng lồ công nghệ đã thừa hưởng lợi thế không công bằng trong phần lớn các kịch bản kinh doanh từ hệ sinh thái đã được thiết lập của họ”.
Dưới sự cho phép của chính phủ, các công ty công nghệ lớn nhất Trung Quốc như Alibaba, Tencent và Baidu đã có khởi đầu thuận lợi và nguồn vốn dồi dào để thành công nhờ cơ sở người dùng lớn và nhiều dịch vụ đa dạng.
Với các công ty nhỏ hơn, họ còn phải đối mặt với nhu cầu sụt giảm do khách hàng ưu tiên quản lý chi phí hơn là đầu tư vào ứng dụng AI trong bối cảnh kinh tế hiện nay. Trong khi đó, áp lực về cải thiện sức mạnh tính toán và phần cứng lại ngày một cao.
Zhang cho biết: “Sản phẩm phải được tung ra nhanh hơn, có nhiều đối thủ cạnh tranh hơn và ngân sách của khách hàng giảm xuống”.
Một nguyên nhân khác dẫn tới sự đi xuống của lĩnh vực AI Trung Quốc là thiếu hụt nguồn cung chip. Bất chấp những quảng bá về máy tính mạnh nhất thế giới, các nhà phân tích chỉ ra Bắc Kinh vẫn chưa có ứng dụng nào về AI mang tính cách mạng. Đồng thời, nguồn cung cấp GPU (đơn vị xử lý đồ họa), vốn phụ thuộc vào thị trường Hoa Kỳ, đang bị thu hẹp đáng kể sau những đòn trả đũa lẫn nhau.
Ngày 9/8 vừa qua, Mỹ ra sắc lệnh thắt chặt nguồn đầu tư cho các công ty Trung Quốc phát triển AI, chất bán dẫn và công nghệ điện toán lượng tử. Các quy định mới do Bộ Tài chính Mỹ đưa ra sẽ ngăn chặn khả năng tiếp cận “tài sản vô hình” mà các công ty khởi nghiệp Trung Quốc có được thông qua các khoản đầu tư từ các quỹ mạo hiểm của Mỹ, như GSR Ventures và Andreessen Horowitz.
>> Tencent “khóc ròng” vì hạn chế mới của Bắc Kinh!
Đầu tư vốn mạo hiểm của Hoa Kỳ vào Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất trong 10 năm là 1,3 tỷ USD vào năm 2022, so với mức cao nhất năm 2018 là 14,4 tỷ USD, dữ liệu từ Rhodium Group cho thấy.
Cần nhớ rằng, trong giai đoạn từ 2014 đến 2019, các quỹ đầu tư mạo hiểm của Mỹ nhắm đến các công ty khởi nghiệp Trung Quốc hoạt động trong lĩnh vực AI nhiều hơn bất kỳ lĩnh vực nào khác.
Một rào cản khác khiến công nghiệp AI của Trung Quốc khó bứt phá là sự siết chặt quản lý của Trung Quốc đối với lĩnh vực này.
Trong khi ChatGPT bị cấm ở Trung Quốc, các công ty trong nước phải tìm cách vượt tường lửa hoặc sử dụng nền tảng của các ông lớn khác.
Các nhà kinh tế nhận định việc phát triển các mô hình AI ở Trung Quốc khó khăn hơn rất nhiều so với các nơi khác, ngoại trừ các công ty lớn có sự hỗ trợ đắc lực của chính quyền. Các công ty Mỹ, như OpenAI, có thể truy cập lượng dữ liệu khổng lồ từ Google hoặc các nền tảng truyền thông xã hội như Twitter và Reddit.
Ngoài ra, việc thiếu các quy định rõ ràng đang đẩy các công ty có đủ năng lực rời khỏi thị trường Trung Quốc để làm ăn.
Ông Xie Mingxuan, nhà sáng lập startup Vrch.io, nói: “Là một công ty nhỏ, chúng tôi không thể đảm bảo rằng mọi phân khúc của doanh nghiệp, cho dù đó là thuật toán, nguồn dữ liệu hay bản thân việc đào tạo các mô hình, đều tuân thủ các quy định”.
Vào tháng 7 vừa qua, Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc đã ban hành các hướng dẫn tạm thời về AI tổng hợp tập trung vào quyền riêng tư, bảo vệ thông tin cá nhân, tính minh bạch của thuật toán và quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, các công ty vẫn phải chờ thêm các văn bản hướng dẫn chi tiết khác để thực hiện.
Kevin Xu, nhà đầu tư công nghệ và chủ trang tin về AI Interconnected, nói: “Các cơ quan quản lý rõ ràng cũng không muốn quản lý quá mức có thể, bởi làm như vậy sẽ ngăn cản sự đổi mới và làm gia tăng thêm khoảng cách trong phát triển AI giữa Trung Quốc và Mỹ”.
Có thể bạn quan tâm
Chia nhỏ Alibaba, Trung Quốc áp dụng chiêu của Mỹ
04:30, 31/03/2023
Alibaba và cuộc chia tách cần thiết
10:57, 29/03/2023
Alibaba và những biểu hiện đặc sắc kinh tế Trung Quốc
06:10, 17/06/2022
Có gì trong bước đi mới của Tencent?
11:00, 20/07/2021
Đến lượt Tencent bị Bắc Kinh “sờ gáy”
05:17, 13/07/2021
Alibaba thờ ơ nhìn TikTok và Tencent gây chiến?
11:34, 08/02/2021