Theo các chuyên gia, hiện đang có tình trang dư thừa chip, khiến một số nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới bị ảnh hưởng.
>>Mỹ chặn "yết hầu" công nghệ chất bán dẫn Trung Quốc
Đại dịch COVID-19 đã gây ra sự gián đoạn lớn trong chuỗi cung ứng và sản xuất chip, khi các lệnh giãn cách xã hội đã làm tăng nhu cầu sử dụng các sản phẩm điện tử như PC và điện thoại thông minh. Điều này đã thúc đẩy nhu cầu đối với các chất bán dẫn như chip bộ nhớ do các công ty Hàn Quốc Samsung, SK Hynix và Micron sản xuất, cũng như các loại chip kém tiên tiến hơn cần thiết cho các quy trình như quản lý năng lượng trong các thiết bị đến nửa đầu năm 2022.
Tuy nhiên đến nay, đang xảy ra tình trạng dư thừa chip. Hai loại chip hiện đang dư cung là bộ nhớ NAND và DRAM được sử dụng trong các thiết bị như máy tính xách tay và cả máy chủ trong trung tâm dữ liệu.
Tình trạng dư thừa xảy ra sau khi các công ty bắt đầu tăng cường dự trữ chip trong bối cảnh COVID-19. Theo ông Peter Hanbury, chuyên gia trong lĩnh vực viễn thông, truyền thông và công nghệ tại Bain & Company nói với CNBC, nhu cầu của người tiêu dùng đối với các sản phẩm như điện thoại thông minh và máy tính xách tay đã giảm mạnh, đặc biệt là sau khi họ đã chi tiêu mạnh với dòng sản phẩm này trong thời kỳ đại dịch.
>>Vì sao Mỹ khó ngăn Trung Quốc phát triển sản xuất chất bán dẫn?
“Các nhà sản xuất những sản phẩm cuối cùng này đã ngừng đặt hàng chip và thay vào đó tập trung vào việc bán lượng hàng tồn kho mà họ đang có", chuyên gia Peter Hanbury nhận định.
Tuy nhiên, không phải tất cả các loại chất bán dẫn đều dư cung, đặc biệt nhu cầu về chip từ lĩnh vực ô tô vẫn mạnh. Ông Hanbury nói rằng một số chip được sản xuất cho các mục đích cụ thể không dễ thay thể bằng các loại chip khác. Do đó, dù thời gian giao hàng và giá của chúng đang được cải thiện dần nhưng vẫn ở mức khá cao.
Sự thiếu hụt chất bán dẫn do đại dịch gây ra đã giúp thúc đẩy lợi nhuận của các nhà sản xuất chip khi giá cả tăng vọt. Tuy nhiên, năm nay, Samsung và các đối thủ như SK Hynix và Micron đều đang gặp khó khăn.
Samsung cho biết lợi nhuận hoạt động trong quý 2/2023 đã giảm 95% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, SK Hynix lại thua lỗ trong quý 2. Công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan TSMC tuần trước cũng cho biết lãi ròng quý 2 đã giảm 23,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là lần giảm lợi nhuận hàng quý đầu tiên của TSMC sau 4 năm.
Sắp tới, các chuyên gia nhận định, thị trường PC có khả năng tăng trưởng yếu, điều này có khả năng ảnh hưởng đến Samsung, SK Hynix và Micron. Đối với TSMC, thị trường điện thoại thông minh toàn cầu, yếu tố thúc đẩy doanh thu chính của doanh nghiệp này, cũng đang chịu nhiều áp lực.
“Thị trường điện thoại thông minh vẫn chiếm thị phần doanh thu lớn nhất của TSMC", ông Sze Ho Ng, một nhà phân tích tại China Renaissance Securities nói. Tuy nhiên, ông vẫn chưa thấy bất kỳ sự phục hồi có ý nghĩa nào tại thị trường này.
Trong nỗ lực đẩy giá chip và giảm nguồn cung trên thị trường, các hãng sản xuất chip bộ nhớ lớn đã tuyên bố cắt giảm sản lượng. Samsung cho biết họ hy vọng nhu cầu chip toàn cầu sẽ phục hồi trong nửa cuối năm nay, trong khi nhiều công ty khác cũng có dự báo tương tự.
Sự phục hồi của các doanh nghiệp sản xuất chip sẽ phụ thuộc vào việc nhu cầu của người tiêu dùng đối với các sản phẩm cuối của chuỗi cung ứng như đồ điện tử tiêu dùng có tăng hay không. Nhưng điều này có liên quan đến sự phục hồi kinh tế vĩ mô nên triển vọng là không chắc chắn.
Có thể bạn quan tâm
Vì sao Mỹ khó ngăn Trung Quốc phát triển sản xuất chất bán dẫn?
03:36, 24/04/2023
Mỹ chặn "yết hầu" công nghệ chất bán dẫn Trung Quốc
04:30, 09/02/2023
Cuộc chiến thu gom thế giới - Bài 1: Sức mạnh chất bán dẫn
06:00, 25/05/2021
Mỹ và phương Tây dựng rào cản ngăn Trung Quốc tự sản xuất chất bán dẫn
10:00, 13/04/2021
“Cơn khát” chất bán dẫn của ngành chip ô tô
03:47, 26/01/2021