Khi VN-Index về gần vùng 1.250 hoặc thấp hơn, các nhà đầu tư có thể xem xét tích lũy cổ phiếu của một số nhóm ngành đang có định giá tương đối rẻ và hợp lý.
Thị trường chứng khoán (TTCK) năm 2024 đã 4 lần cố gắng chinh phục mốc 1.300 điểm nhưng đều thất bại.
Kể từ đầu năm 2024 với triển vọng kinh tế phục hồi và tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết mà đại diện là tăng trưởng EPS được dự phóng ở mức tốt, đây là các động lực lớn nhất cho sự tăng trưởng của TTCK Việt Nam và là cơ sở quan trọng cho xu hướng đi lên của TTCK trong trung hạn.
Nhờ vào đó, thị trường đã có các mức tăng ấn tượng từ mốc 1.129,93 điểm vào đầu năm và đã 4 lần cố gắng chinh phục mốc 1.300 điểm (tương ứng với mức tăng 15%) nhưng đều thất bại ở mốc này. Nguyên nhân chính của diễn biến này là dù có động lực lớn từ các yếu tố nội tại của nền kinh tế và tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp nhưng thị trường vẫn đối mặt 2 yếu tố tác động ngược, kìm hãm đà tăng của chỉ số.
Thứ nhất, các nền kinh tế lớn có dấu hiệu suy giảm tăng trưởng rõ rệt, nguy cơ đình trệ tăng trưởng hoặc suy thoái hiện hữu. Trong khi đó, việc FED tiếp tục phản ứng chậm, khiến thời điểm và tốc độ giảm lãi suất chậm và kinh tế đình trệ kéo dài. Ngoài các yếu tố kinh tế, các bất ổn địa chính trị toàn cầu tuy khó leo thang nhưng vẫn cần theo dõi. Đặc biệt, chính sách của Tổng thống Mỹ trong nhiệm kỳ sắp tới có thể tạo ra nhiều diễn biến khó lường, đặc biệt là chính sách ngoại thương có thể sẽ siết chặt nếu ông Trump tái đắc cử.
Thứ hai, nếu nhìn sâu vào định giá và phương pháp định giá phản ánh tốt hơn các phân ngành thị trường với P/B cho nhóm ngân hàng và bất động sản (BĐS), P/E cho phần còn lại của VN-Index thì sẽ thấy bản chất phân mảng về định giá là rất lớn, và thị trường chung không quá rẻ như suy nghĩ của nhiều nhà đầu tư.
Với định giá các nhóm ngành (sau khi trừ nhóm tài chính và BĐS) thì P/E hiện nay đang dao động quanh vùng 20-24 lần, định giá cao hơn cả đỉnh lịch sử năm 2021-2022 và cao hơn rất nhiều lịch sử định giá P/E của nhóm này. Do đó, định giá nhóm này phản ánh quá lớn kỳ vọng của nhà đầu tư vào phục hồi kinh tế, bán lẻ và nhiều mô hình kinh doanh ban đầu phát huy hiệu quả.
Nhóm ngân hàng đang có định giá P/B thấp hơn trung bình trước dịch COVID-19 khoảng 22%, trong khi đó nhóm BĐS đang rơi vào vùng định giá thấp nhất trong hơn 10 năm qua. Với nhóm ngân hàng, câu chuyện chất lượng tài sản vẫn là rủi ro khiến định giá nhóm này đang ở vùng tương đối thấp. Trong khi đó, rủi ro của nhiều doanh nghiệp BĐS còn lớn, và định giá thấp lịch sử của nhóm này chủ yếu do tác động của nhóm Vingroup và Novaland.
Với các rủi ro từ bên ngoài như đã phân tích ở trên thì những giai đoạn giảm điểm ban đầu của VN-Index vẫn chưa phải là cơ hội tích lũy các cổ phiếu ngoài nhóm ngân hàng và BĐS. Nguyên nhân là do nền định giá của nhóm này đã phản ánh quá nhiều các cơ hội tăng trưởng và phục hồi hay có thể nói là quá cao, trong khi đó chưa phản ánh các rủi ro từ bên ngoài vốn nhạy cảm với hầu hết các cổ phiếu thuộc phân nhóm này.
Xét trên góc độ đầu tư, khả năng sinh lãi kỳ vọng không cao, trong khi rủi ro tương đối cao. Nhóm này vẫn chứa nhiều cổ phiếu có cơ hội tăng trưởng cao của cả chu kỳ kinh tế này nhưng cần phải chiết khấu trung bình thêm 15-20% so với hiện nay mới thật sự hấp dẫn cho câu chuyện đầu tư thực sự.
Tuy nhiên, cũng từ sự phân mảnh định giá trên, cơ hội tích lũy cổ phiếu phục hồi vẫn có từ 2 nhóm ngành đang có định giá tương đối thấp là ngân hàng và BĐS. Đối với 2 nhóm này, khi VN-Index giảm về dưới 1.250 điểm, đã có nhiều cổ phiếu có biên an toàn đủ tốt cho đầu tư.
Trước tiên là nhóm ngân hàng với kỳ vọng chất lượng tài sản sẽ “tệ” nhất trong năm 2024, phục hồi từ 2025 và mức chiết khấu định giá 22% nêu trên đã là đủ tốt để có thể tích lũy các cổ phiếu này trong các phiên giảm điểm.
Đối với nhóm BĐS, những vướng mắc pháp lý dự án được kỳ vọng sẽ được tháo gỡ từ quý 4 năm nay khi các tỉnh, thành đang hoàn thiện các thủ tục cần thiết để đưa các luật mới vào triển khai. Do đó, các nhà đầu tư có thể mua tích lũy các cổ phiếu của những doanh nghiệp BĐS có quỹ đất sạch trong các phiên giảm điểm nhờ hưởng lợi về pháp lý khai thông và thị trường BĐS đang phục hồi. Nhóm này sẽ có sự phân hóa lớn và nhà đầu tư cần phân tích tiềm năng của các dự án có đất sạch đã đền bù hơn là “đếm cua” các dự án còn nhiều rủi ro về pháp lý và tính khả thi.
Các phiên giảm điểm hiện nay là cơ hội tích lũy 2 nhóm ngành đang có định giá tương đối rẻ và hợp lý khi VN-Index về gần vùng 1.250 hoặc thấp hơn. Với các nhóm ngành khác thì cần đợi mức chiết khấu nhiều hơn do định giá cao và chưa thực sự hấp dẫn. Ngoài ra, với thị trường vẫn được ủng hộ bởi nội tại tốt thì các cổ phiếu có câu chuyện riêng cũng là cơ hội tích lũy khi bị ảnh hưởng bởi thị trường chung.