Toàn cầu hóa đang bị đe dọa bởi chính sách đơn phương, chiến tranh thương mại hay sáng kiến "Vành đai và Con đường", một con đường đang để lại những hệ quả ở các nước đang phát triển.
Toàn cầu hóa được xác định từ thế kỷ XVI, sau những đợt khám phá hàng hải nối liền Đông - Tây, Âu - Á. Toàn cầu hóa có thể nhìn thấy dưới nhiều lăng kính, nhưng tổng quát lại là các quốc gia, châu lục xích lại gần nhau hơn.
Hàng trăm tổ chức quốc tế được thành lập, hàng ngàn mối quan hệ song phương được thiết lập, rất nhiều hiệp định, hiệp ước, ghi nhớ được ký kết. Thành tựu lớn nhất trong kinh tế là các FTA, cắt giảm thuế quan, thúc đẩy nhiều cuộc cách mạng công nghiệp.
Nhà báo nổi tiếng người Mỹ, Thomas Friemand đã viết cuốn “Thế giới phẳng” để mô tả quá trình toàn cầu hóa xóa nhòa mọi khoảng cách.
Chính nước Mỹ thịnh thượng như ngày nay cũng được sản sinh trong xu thế toàn cầu hóa, nhờ tận dụng tốt ưu thế nên trở thành bá chủ thế giới khoảng 2 thế kỷ nay. Song những gì xảy ra xung quanh sự ảnh hưởng của nước Mỹ làm dấy lên lo ngại toàn cầu hóa bị chững lại.
Đầu tiên, cuộc chiến tranh thương mại đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc chính là hệ quả của toàn cầu hóa, Washington cáo buộc Bắc Kinh bằng những lý do rất thời đại, là vi phạm sở hữu trí tuệ và làm nước Mỹ thâm hụt thương mại 800 tỷ USD.
Có thể bạn quan tâm
04:30, 27/09/2018
12:01, 20/08/2018
18:40, 10/11/2017
15:26, 27/06/2017
Trong kinh tế, ông Trump còn gây hấn với các nước G7, các nước láng giềng, Liên minh Châu âu, và cả với những đồng minh thân cận. Về quân sự, ông Trump đã hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran, tiếp tục cứng rắn tại Trung Đông nhưng tỏ ra mềm dẻo với Triều Tiên!
Washington rút Mỹ khỏi TPP, dọa rút khỏi WTO và yêu cầu “có đi có lại” trong hợp tác thương mại. “Mỹ là nền kinh tế cởi mở nhất thế giới và gần như vô điều kiện trong nhiều thập kỷ nhưng các nước khác đã không tạo cho Mỹ quyền tiếp cận thị trường tương xứng” - ông Trump phát biểu tại đại Hội đồng LHQ.
Bên cạnh đó, người đứng đầu Nhà trắng “khoe” đàm phán thương mại tự do (FTA) với Mexico và Hàn Quốc đã đạt được kết quả tốt đẹp. Phải chăng nước Mỹ đang dẫn dắt thế giới bước vào thời kỳ chú trọng quan hệ song phương, từ bỏ đa phương?
Điều gì xảy ra nếu các mối quan hệ đa phương bị hủy bỏ? Tác động vĩ lớn nhất khiến quá trình toàn cầu hóa bị chững lại, bên chịu thiệt thòi lớn nhất là các nước thứ ba.
Toàn cầu hóa bằng đa phương hóa các mối quan hệ là xu thế chung được hình thành qua quá trình chọn lọc tự nhiên. Nó không tuân theo ý muốn hay không muốn của bất cứ quốc gia nào.
Tuy nhiên, trong kinh tế có thể song phương hóa, nước Mỹ có thể tạo ra mối quan hệ với bất cứ quốc gia nào trên thế giới để tìm kiếm điều họ muốn, song vấn đề lớn nhất là các vấn đề toàn cầu rất khó tìm tiếng nói chung nếu các tổ chức đa phương bị giải thể.
Ví dụ như biến đổi khí hậu, bênh tật, suy thoái con người… một mình nước Mỹ hoặc một nhóm quốc gia nào đó dù có tiềm lực mạnh đến mấy cũng không thể giải quyết được.
Hệ quả của con đường song phương hóa đa phương là rất lớn, có bao nhiêu mối quan hệ tức là có bấy nhiêu vấn đề nảy sinh, rất nhiều vấn đề song phương nhưng lại trở thành vấn đề toàn cầu, ví dụ như chiến tranh thương mại hoặc sở hữu trí tuệ.
Ông Trump nhấn mạnh thành tựu nổi bật là cởi bỏ căng thẳng với Triều Tiên và không quên gửi lời cảm ơn đến nhà lãnh đạo Kim Jong - un. Nhưng có thể thấy đó không phải là thành công trước mắt về phương diện kinh tế. Song phương với Triều Tiên trong trường hợp này chỉ có ý nghĩa đối với chiến lược xoay trục châu Á.
Nước Mỹ có lý do khi muốn tìm kiếm giải pháp tối ưu hóa thực lực, nhưng song phương hóa có thể làm giảm sút vị thế của nước này, đồng thời vấp phải sự phản đối của đa số quốc gia còn lại muốn tìm kiếm cơ hội qua con đường toàn cầu hóa.
Ý định của nước Mỹ sẽ được quyết định sau khi chiến tranh thương mại với Trung Quốc kết thúc, người chiến thắng trong cuộc chiến này có quyền định lại luật chơi thương mại toàn cầu.
Nhưng bất kể chiến tranh thương mại có bị đẩy lùi hay không, thì xu thế toàn cầu hóa vẫn còn bị đe dọa bởi chính sách của một vài nước lớn. Dự án “hạ tầng liên lục địa” thường được biết đến dưới thuật ngữ “Vành đai và Con đường" (BRI)- một sáng kiến do Trung Quốc chủ trì làm nhiều quốc gia lo lắng.
Hàng trăm tỷ USD đổ vào sáng kiến này thông qua các khoản vay đối với những nước nghèo ở châu Á, châu Phi sẽ là khoản nợ khổng lồ rất khó thanh toán. Điển hình là Sri Lanka đã nhượng quyền sử dụng toàn bộ một sân bay và một cảng biển cho Trung Quốc.
Đằng sau đó là làn sóng M&A của các doanh nghiệp Trung Quốc "vươn vòi" đến khắp nơi để thâu tóm những doanh nghiệp công nghệ cao của các nước, nhằm góp phần thực hiện chiến lược "Made in China 2025" của Bắc Kinh.
Diễn biến này có thể làm "méo mó" toàn cầu hóa khi các nước yếu thế không còn cơ hội cạnh tranh sòng phẳng. Thế độc tôn sẽ được tạo ra đằng sau những đồng vốn cho vay dễ dàng.
Một số nước Liên minh Châu Âu như Đức, Pháp, Anh, Hy Lạp... đã từ chối tham gia sáng kiến BRI của Bắc Kinh vì lo sợ “các chuẩn mực về môi trường, về các tiêu chuẩn xã hội, không bảo đảm tính minh bạch mỗi khi các cơ quan nhà nước gọi thầu”
Vì vậy, tương lai thế giới ngày càng khó đoán định, liệu chiến tranh thế giới thứ ba sẽ được châm ngòi?