TP.HCM đã thông qua 50 nghị quyết quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, nhưng để đạt chỉ tiêu tăng trưởng năm 2024 từ 7,5 - 8%, thì TP cần phải tập trung tháo gỡ những ngành nghề đang gặp khó khăn.
>>TP.HCM đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2022 đạt 6 - 6,5%
Đó là những nội dung được Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ nêu tại kỳ họp HĐND TP.HCM thứ 13, kết thúc sau 3 ngày làm việc.
Tháo gỡ những ngành nghề đang gặp khó khăn…
Cụ thể, nhắc lại chỉ tiêu TP.HCM đặt ra là phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2024 từ 7,5 - 8%, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ đề nghị UBND TP.HCM phân tích, đánh giá toàn diện, dự báo các tình huống kinh tế - xã hội để chủ động ứng phó; tập trung đầu tư, hỗ trợ các ngành, lĩnh vực đang và có thể gặp khó khăn trong thời gian tới.
Ngoài ra, cần tập trung tìm kiếm các giải pháp thực hiện chủ đề năm 2024, đẩy mạnh chuyển đổi số, thực hiện hiệu quả cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước phải nâng cao đạo đức công vụ, tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính và nêu cao tinh thần trách nhiệm. UBND TP.HCM cần thực hiện hiệu quả các giải pháp về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung để thành phố chuyển mình "vượt qua cơn gió ngược" như ý kiến của Bí thư Thành ủy TP.HCM.
Song song đó, bà Lệ cũng yêu cầu UBND TP.HCM tiếp tục tập trung triển khai thực hiện các nghị quyết của HĐND TP.HCM liên quan đến khu đô thị mới Thủ Thiêm, tham mưu tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan để nơi đây phát triển như kỳ vọng đã đề ra.
Liên quan đầu tư công, bà Lệ cũng đề nghị TP.HCM kiên quyết loại bỏ những dự án không thật sự cần thiết, không để tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí.
Theo bà Lệ, năm 2024, TP.HCM sẽ phải phấn đấu giải ngân hơn 79.000 tỉ đồng đầu tư công. Do đó, TP cần tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án đã được Trung ương phê duyệt và tìm giải pháp thực hiện các chương trình đột phá mà Đảng bộ TP.HCM đề ra.
Song song đó, cần kiểm tra và khắc phục các vụ việc tồn đọng, kéo dài để có hướng xử lý dứt điểm; giải quyết những kiến nghị, bức xúc của nhân dân, nhất là việc quan tâm đến các cơ chế chính sách phù hợp phát triển thành phố, các dự án công trình trọng điểm...
>>TP.HCM và 30 ngày “cuộc đua” giải ngân vốn đầu tư công
Cân đối các nguồn để đảm bảo vốn đầu tư công
Liên quan tới công tác giải ngân vốn đầu tư công, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, cho biết năm 2023, TP.HCM kỳ vọng kết quả giải ngân có cải thiện, nhưng thực tế còn vất vả, chỉ mới dừng ở việc xoay xở ứng phó, chứ chưa có sự chủ động.
Phân tích thêm nguyên nhân, ông Mãi cho rằng các dự án triển khai trong kỳ trung hạn gần như là chuyển tiếp, hồ sơ pháp lý cần phải cập nhật, dẫn đến bị động về thời gian. Thời gian qua, thành phố đã thành lập các tổ công tác để thúc đẩy các dự án đầu tư công, kiểm tra hằng tháng, hằng tuần để gỡ dần các vướng mắc.
Bên cạnh đó, có một số chủ đầu tư chưa tập trung tháo gỡ vướng mắc, không phải chủ đầu tư nào cũng tích cực. Cuối năm nay, TP.HCM sẽ nêu trách nhiệm của từng chủ đầu tư, từng dự án để có hình thức xử lý phù hợp với kết quả.
Cũng theo ông Mãi, công tác giải phóng mặt bằng được TP.HCM thực hiện quyết liệt, cả hệ thống chính trị vào cuộc tạo sự chuyển biến lớn, mang lại kết quả. Về kế hoạch đầu tư năm 2024, Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ Tài chính đề nghị Chính phủ giao TP.HCM 75.000 tỉ đồng. Vì vậy, TP.HCM sẽ cân đối các nguồn để đảm bảo vốn đầu tư công, đây là nhiệm vụ nặng nề khi năm 2023 thành phố thu không đạt chỉ tiêu. Đồng thời phải tập trung các giải pháp để giải ngân số vốn lớn.
Đáng chú ý, để đảm bảo tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2023, ngày 16/3/2023, Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi đã ban hành quyết định về Chương trình hành động thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Đặc biệt, UBND thành phố yêu cầu từng cơ quan phải rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục xuống ít nhất 30% thời gian theo quy định pháp luật và đảm bảo hoàn thành các bước theo kế hoạch giải ngân đã đề ra.
Tuy nhiên, khi đề cập đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công vào thời điểm đã sắp hết năm, ông Phan Văn Mãi cho biết, tính đến ngày 1/12/2023 có 8 quận, huyện đã giải ngân được trên 80% vốn đầu tư công được giao. Và hiện tại, mặc dù thời gian chỉ còn 20 ngày là sẽ hết năm 2023, thế nhưng giải ngân vốn đầu tư công của TP.HCM cũng chỉ đạt tỷ lệ trên 50%, đang là những thách thức lớn cho mục tiêu chạy đua 60 ngày đêm giải ngân vốn đầu tư công mà Chủ tịch UBND thành phố đã quán triệt trước đó.
Có thể bạn quan tâm
14:47, 10/12/2023
01:00, 10/12/2023
11:17, 07/12/2023
00:30, 05/12/2023
12:32, 27/11/2023