Nội dung được nhóm chuyên gia của Fiin Group nêu tại báo cáo "Định vị những động lực tăng trưởng và rủi ro cho triển vọng kinh tế Việt Nam 2024".
>>Thấy gì qua 78,9 nghìn tỷ đồng trái phiếu bất động sản chậm trả nợ?
Theo nhóm chuyên gia, đầu tư tư nhân của doanh nghiệp nội địa dự kiến vẫn khó khăn trong năm 2024 do triển vọng kinh tế chưa rõ hoặc chưa ở giai đoạn tăng trưởng cao. Trong khi đó, nguồn vốn trung và dài hạn vẫn là một thách thức lớn khi môi trường lãi suất tăng trở lại.
Với thị trường bất động sản, báo cáo này đánh giá lượng cầu lớn nhưng vấn đề là phía cung, bởi pháp lý làm ảnh hưởng đến khả năng hoàn thành dự án và khả năng tái cấp vốn vẫn là một thách thức lớn. Do đó, Fiin Group đánh giá triển vọng 2024 vẫn chưa rõ và phụ thuộc lớn vào việc tập trung tháo gỡ nợ xấu trái phiếu doanh nghiệp, nợ vay bất động sản. Điều này phải chờ đến 2024 - 2025 xem xét các khoản nợ được giãn, hoãn sẽ hạ cánh ra sao.
Nhóm chuyên gia này cho rằng các ngân hàng hiện mới “ngấm đòn” nợ xấu trái phiếu bất động sản, được thể hiện ở tỷ lệ vi phạm nghĩa vụ trái phiếu doanh nghiệp ở mức rất cao (khoảng 14,6% tính trên tổng giá trị lưu hành) và tỷ lệ tạo lập nợ xấu đang tăng cao.
Kỳ vọng sửa đổi Thông tư 02 (tạo điều kiện cơ cấu lại tín dụng) và sửa đổi Nghị định 08 (giãn, hoãn trái phiếu doanh nghiệp) nhưng tác động lây chéo sang tín dụng ngân hàng là rủi ro lớn hiện nay, nhất là các ngân hàng có bộ đệm vốn thấp hoặc bao phủ nợ xấu thấp.
Mặc dù tín dụng kinh doanh bất động sản đã tăng trưởng trở lại (tăng 21,86% trong 9 tháng đầu năm) nhưng quy mô còn quá nhỏ so với nhu cầu. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 12 tháng giảm thấp nhưng lãi suất huy động dài hạn trên 12 tháng vẫn chưa giảm.
Nhóm chuyên gia cho rằng, Việt Nam hiện có dư địa để nới lỏng tài khóa và tiền tệ một cách chọn lọc như tăng trưởng tín dụng dựa trên sự phân tách theo cấp độ rủi ro hoặc mức xếp hạng tổ chức tín dụng.
>>Đáo hạn trái phiếu bất động sản tăng mạnh trong quý 3
Trong khi đó, ghi nhận của các đơn vị nghiên cứu thị trường khác cũng cho thấy bối cảnh thị trường vẫn ảm đạm, áp lực từ việc đáo hạn trái phiếu ngày càng nhân lên.
Theo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), tính đến ngày 3/10/2023, có khoảng 69 doanh nghiệp nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc trái phiếu doanh nghiệp với tổng dư nợ là khoảng 176.100 tỷ đồng. Trong đó, đa phần trong số trên đều là những công ty địa ốc.
Theo HNX, kể từ tháng 4/2023, hoạt động đàm phán gia hạn diễn ra tích cực với kết quả khá thành công. Tính đến ngày 3/10, hơn 50 tổ chức phát hành đã đạt được thỏa thuận gia hạn kỳ hạn trái phiếu với tổng giá trị hơn 95.200 tỷ đồng. Chủ yếu thời gian đáo hạn điều chỉnh thêm hai năm, đẩy lùi áp lực trả nợ sang giai đoạn 2025 - 2026. Tuy nhiên, các chuyên gia khẳng định, việc gia hạn không đồng nghĩa là xóa nợ. Các khó khăn vẫn tồn tại ở phía trước.
Phía Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) mới đây cũng đưa ra thống kê tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong năm 2024 sẽ là 329.500 tỷ đồng. Đây là con số cao nhất trong 3 năm gần đây.
Cụ thể hơn, Công ty Chứng khoán VNDIRECT cũng đánh giá áp lực đáo hạn sẽ tăng mạnh trong quý II/2024. Vào giai đoạn cao điểm, đơn vị này ước tính sẽ có gần 114.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong quý IV/2024.
Theo nhận định của các chuyên gia, doanh nghiệp cần tận dụng quãng thời gian này để tái cơ cấu lại các khoản nợ. Phải nghiêm túc cân nhắc bán bớt tài sản, thậm chí, chấp nhận hòa vốn hoặc lỗ để có dòng tiền trả nợ và hoàn thiện các dự án có thể thanh khoản ngay khi đưa ra thị trường.
Đây cũng là "khoảng lặng” giúp nhà đầu tư có thời gian ngừng lại để nhìn nhận, kiểm tra điều kiện để từ đó có định hướng tham gia bền vững, hiệu quả hơn.
Có thể bạn quan tâm
Tỷ lệ vỡ nợ trái phiếu bất động sản của Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng cao
05:20, 21/11/2023
HoREA: Kiến nghị kéo dài đáo hạn trái phiếu bất động sản đến hết năm 2024
10:53, 03/10/2023
Thận trọng trái phiếu bất động sản
15:26, 22/08/2023
Đáo hạn trái phiếu bất động sản tăng mạnh trong quý 3
05:00, 10/07/2023
Thấy gì qua 78,9 nghìn tỷ đồng trái phiếu bất động sản chậm trả nợ?
04:50, 04/04/2023