Chiến tranh thương mại và dịch bệnh COVID-19 đã là "bản báo cáo" chính xác nhất về thực hư sức mạnh nền kinh tế Trung Quốc.
Cách đây hơn 1 thập kỷ, mọi câu chuyện chính sự thế giới lúc ấy không thể không nhắc đến Trung Quốc. Những câu chuyện này chủ yếu xoay quanh câu hỏi: Làm sao nền kinh tế Trung Quốc có thể lớn nhanh…hơn thổi bong bóng?
Liên tục trong nhiều năm GDP tăng trưởng trên 10% mỗi năm. Trung Quốc mau chóng vượt qua Đức, và soán ngôi Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 toàn cầu, thậm chí GDP tính theo sức mua, nền kinh tế này còn có quy mô lớn hơn Mỹ.
Dần dà, câu hỏi này cũng được giải đáp một phần, đó là nhờ chính sách “đúng đắn” dựa trên giàn lãnh đạo tinh hoa, túc trí đa mưu; còn lại là nhờ kết cấu dân số, diện tích, tài nguyên thiên nhiên; khát vọng thịnh vượng cháy bỏng trong mỗi người Hán.
Thời điểm đó, đã có một vài luồng thông tin cho rằng, Trung Quốc chỉ là “con hổ giấy”. Sức mạnh tổng hợp được xây dựng có công không nhỏ của các bản báo cáo, hệ thống tuyên truyền, khuếch trương…
Lại tiếp tục tranh cãi, thậm chí một giáo sư đại học ở Trung Quốc còn đưa ra học thuyết “Trung Quốc đã vượt Mỹ”. Dù bằng con số lượng hóa có vẻ khoa học, nhưng công trình nghiên cứu này “động chạm” tới phương châm “trỗi dậy hòa bình”. Phải chăng, nó đã làm lộ ra kế hoạch xương sống của Bắc Kinh!?
Chỉ hai năm ngắn ngủi (2018 đến nay), có hai sự kiện giúp chúng ta củng cố dữ liệu bổ sung vào đáp áp cho câu hỏi: Trung Quốc thực sự mạnh đến đâu? Một là cuộc chiến thương mại với Mỹ; hai là đại dịch COVID-19.
Có thể lấy một hệ quy chiếu như sau: Điện ảnh cổ trang Trung Quốc luôn xây dựng vị anh hùng chính diện của họ rất hoàn hảo. Điểm chung của tất cả các nhân vật này như Tiêu Phong, Trương Vô Kỵ, Diệp Vấn, Hoàng Phi Hồng, Hồng Hy Quan, Phương Thế Ngọc…là không bao giờ động thủ trước đối thủ, bằng cách nào đó, họ luôn để mình vào thế bị ép buộc phải chiến đấu và chiến thắng vang dội, thuyết phục. Còn đối thủ cũng được xây dựng hoàn toàn ngược lại.
Với chiến tranh thương mại, người Trung Quốc đang sử dụng phương thức tương tự phim ảnh. Họ tuy tỏ ra quả quyết quân tử nhưng chưa bao giờ hành động trước (vì quân tử hay vì tiềm lực có vấn đề?). Ngược lại, Tổng thống Trump mới là bên chủ động ra đòn.
Kết quả là 2/3 hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc bị Mỹ đánh thuế trên trời, kéo tụt hơn 6% GDP; một loạt doanh nghiệp lớn như Huawei, Tencent bị lột vỏ, lộ ra khoảng trống mênh mông về cái gọi là “thiếu tự chủ công nghệ nguồn”. Đây là cú đánh trực diện vào tham vọng “Made in China 2025”.
Ngày nay, các món võ mang tính chất biểu diễn, lòe loẹt khoa trương, chứa đựng triết lý hão huyền đã bị đánh bại bởi môn quyền anh thực chiến thực dụng. Trùng hợp thay, cũng là lúc triết lý kinh tế trọng cung của Trung Quốc chao đảo dưới những đòn thuế nhanh, mạnh, bạo và đơn giản như võ sĩ MMA.
Công bằng mà nói, dịch bệnh COVID-19 không chỉ để lại hệ quả riêng gì với Trung Quốc. Nhưng thông qua đây, người ta thêm hồ nghi về các “đại mục tiêu” mà Bắc Kinh vạch ra như “Vành đai và Con đường”, “Made in China 2025”, “mục tiêu trăm năm lần thứ nhất”…
Và càng ngỡ ngàng trước các hành động gây hấn mang tính quốc tế mà Trung Quốc thực hiện ngày một bạo liệt, nhằm thị uy sức mạnh. Đơn phương tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, rải tiền cho vay khắp thế giới…, là những ví dụ.
Ngày 22/5/2020, với phong thái không thoải mái cho lắm, Thủ tướng Lý Khắc Cường bước lên bục phát biểu trong kỳ họp Lưỡng hội thường niên của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Trong bài diễn văn ngắn chưa từng thấy, ông Lý đã không đưa ra mục tiêu tăng trưởng cụ thể cho năm 2020. Bỏ qua mục tiêu tăng trưởng cũng đồng nghĩa thừa nhận nền kinh tế đã trở nên khốn đốn đến mức nào! Trong bối cảnh tăng trưởng quý I/2020 giảm đến 6,8% - đánh dấu mức tăng trưởng âm lần đầu tiên kể từ khi Trung Quốc cho công bố GDP từng quý vào năm 1992.
Thâm hụt ngân sách 3,6% GDP; thất thu 2,5 nghìn tỷ NDT từ thuế, phí doanh nghiệp; ngân sách chi cho quốc phòng chỉ còn 6,6% GDP; cùng với khoản nợ vô hình khoảng 1 nghìn tỷ NDT thông qua phát hành trái phiếu.
Vấn đề như tất cả chúng ta đều thấy, Trung Quốc không phải là nền kinh tế sáng tạo, ví dụ như họ chỉ khai thác được ở Apple như là hình ảnh trang trí đại diện cho nền kinh tế giàu chất xám được quảng bá rầm rộ. Rút cuộc, với Apple, Trung Quốc chỉ có vài chục vạn nhân công làm thuê tập trung ở Thâm Quyến để nhận mức lương bèo bọt.
Không tự nhiên, Mỹ và châu Âu luôn nhằm nhè vào Trung Quốc trong vấn đề sở hữu trí tuệ, ép buộc chuyển giao công nghệ. Chắc chắn Trung Quốc không phải “hạ cố” làm điều gì đó khuất tất - nếu như họ sản xuất được con chip và không sử dụng phần mềm do Google cung cấp!
Còn tiếp…
Có thể bạn quan tâm
02:00, 07/02/2020
06:49, 13/11/2019
06:00, 25/10/2019
06:59, 21/10/2019
06:45, 02/10/2019
01:47, 29/09/2019
06:00, 02/04/2019