Ngày 18/4 vừa qua, Trung Quốc đã lên kế hoạch khởi động giai đoạn thứ hai của quỹ bán dẫn với quy mô lên tới 30 tỷ nhân dân tệ (khoảng 4,37 tỷ đô la Mỹ).
>>>Ngành chip Trung Quốc sẽ "nguy to" nếu Nhật Bản tung "đòn hiểm" này
>>>Doanh nghiệp Mỹ "ồ ạt" dịch chuyển sản xuất chip sang Đông Nam Á
Kế hoạch lần này cho thấy tham vọng thực sự của Trung Quốc khi muốn trở thành cường quốc sản xuất chip, thoát khỏi sự ảnh hưởng từ Mỹ.
Ông Jin Shenghong, Chủ tịch của Công ty ủy thác Yuecai Holdings đã công bố thông tin về kế hoạch nói trên của Trung Quốc trong một sự kiện bán dẫn ở Quảng Đông ngày 18/4. Quỹ này sẽ có thời hạn hoạt động 17 năm và sẽ đầu tư vào chip ô tô và thiết bị cho vật liệu bán dẫn.
Giai đoạn đầu tiên của quỹ này đã được khởi động vào năm 2021 sau khi Mỹ gây sức ép mạnh mẽ lên Trung Quốc. Giai đoạn đó, Trung Quốc đã đầu tư 31 tỷ nhân dân tệ vào 102 công ty cho đến nay. Trong số các công ty được đầu tư, 19 công ty dự kiến sẽ IPO vào năm 2023 và 2024 (Theo Securities Times).
Trung Quốc đang tìm cách tự lực trong công nghệ quan trọng, tiêu biểu là chip bán dẫn, khi nước này phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ Mỹ. Mỹ đã viện lý do an ninh quốc gia để hạn chế khả năng tiếp cận các chuỗi cung ứng quan trọng trên thế giới của các ngành công nghiệp Trung Quốc.
Chính phủ Mỹ đã áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc. Hà Lan và Nhật Bản cũng đã hạn chế cung cấp thiết bị sản xuất chip cho Trung Quốc. Điều này khiến hàng nghìn chip của các công ty Trung Quốc không thể xuất xưởng được trong năm 2022.
Không còn cách nào khác, Trung Quốc phải kêu gọi đẩy nhanh việc nghiên cứu và phát triển các công nghệ tiên tiến. Các quỹ khác tập trung vào ngành công nghiệp chip bao gồm Quỹ đầu tư công nghiệp mạch tích hợp Trung Quốc (FOF), còn được gọi là “Quỹ lớn”, được Trung Quốc thành lập vào năm 2014.
>>>Bản đồ chip toàn cầu sẽ thay đổi?
FOF đóng vai trò là cung cấp tài chính rất quan trọng để đầu tư vào các công ty khởi nghiệp sản xuất chip và một số doanh nghiệp công nghiệp lớn trong nước của Trung Quốc. Hơn 67% các khoản đầu tư của họ là để hỗ trợ các nhà sản xuất vi mạch tích hợp theo hợp đồng của Trung Quốc, trong đó có Semiconductor Manufacturing International Corp và Hua Hong Semiconductor.
Cuộc chiến công nghệ leo thang giữa Trung Quốc và Mỹ đã khiến Quỹ FOF trở thành một phần rất quan trọng giúp Trung Quốc phát triển chuỗi cung ứng của ngành bán dẫn trong nước, bao gồm thiết kế chip, vật liệu, bao bì và thiết bị tiên tiến.
Theo Engadget, tháng 3/2023 FOF tuyên bố sẽ đầu tư 12,9 tỷ nhân dân tệ cho công ty YMTC có trụ sở tại Hồ Bắc để có thêm vốn hoạt động. YTMC là một trong những nhà sản xuất chip nội địa duy nhất có thể cạnh tranh với các công ty hàng đầu thế giới như Samsung.
Khoảng tháng 2/2023, theo South China Morning Post, chính quyền thành phố Quảng Châu đã đầu tư tới 200 tỷ nhân dân tệ (khoảng 29 tỷ đô la Mỹ) để thiết lập các quỹ giúp thúc đẩy hoạt động kinh doanh sản xuất liên quan đến chất bán dẫn, năng lượng tái tạo và các lĩnh vực công nghệ cao khác trong thành phố. Trong đó, 150 tỷ nhân dân tệ (hơn 21 tỷ USD) sẽ được bơm vào Quỹ FOF, tập trung vào các hoạt động tài trợ trong lĩnh vực bán dẫn, năng lượng tái tạo và sản xuất tiên tiến.
Chính phủ Trung Quốc tuyên bố, FOF sẽ đầu tư thông qua các quỹ phụ và tài trợ trực tiếp, nhằm mục đích thu hút các dự án quy mô vừa và lớn đến Quảng Châu, sau đó dần dần mở rộng thành một cụm quỹ với tổng trị giá 600 tỷ nhân dân tệ (gần 87 tỷ USD) nhằm hồi sinh các nhà máy sản xuất chip tư nhân.
Trước đó một tháng, chính quyền tỉnh An Huy phía Đông Trung Quốc đã ra thông báo sẽ thành lập một quỹ trị giá 200 tỷ nhân dân tệ (29 tỷ USD), nhắm vào các ngành công nghệ. Còn chính quyền thành phố Tây An, thủ phủ của tỉnh Thiểm Tây, đã tiết lộ kế hoạch thành lập một nhóm các quỹ trị giá hơn 100 tỷ nhân dân tệ (hơn 14 tỷ USD) nhằm tập trung đầu tư vào sản xuất tiên tiến.
Ngay cả trung tâm công nghệ Thâm Quyến của Trung Quốc cũng có tham vọng tăng gấp đôi nỗ lực phát triển ngành công nghiệp chip trong nước thông qua các khoản trợ cấp lớn và hỗ trợ tiền mặt.
Nhưng Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nội tại, một trong số đó là tham nhũng. Nạn tham nhũng tại Trung Quốc cũng khiến sự phát triển chip nội địa nhằm thay thế chip nước ngoài bị chậm lại. Điều này buộc các nhà lãnh đạo cấp cao ở Trung Quốc phải phát động chiến dịch chống tham nhũng rộng rãi vào năm 2022, dẫn đến việc loại bỏ một số quan chức cấp cao và giám đốc điều hành trong ngành. Thêm vào đó, chính sách Zero Covid ở Trung Quốc cũng dẫn đến việc sản xuất chip ở nước này chậm lại.
Tuy nhiên có thể thấy, nỗ lực của Trung Quốc là cực kỳ mạnh mẽ với nhiều biện pháp mạnh tay. Những biện pháp đó đã và đang góp phần cho tham vọng trỗi dậy của một ngành công nghiệp hàng đầu thế giới ở Trung Quốc.
Có thể bạn quan tâm