Trung Quốc vừa phát tín hiệu nới lỏng cho các “đại gia” công nghệ (BigTech) khi Chủ tịch Tập Cận Bình đặt mục tiêu khôi phục kinh tế lên hàng đầu.
Quyết định này của Trung Quốc được bất ngờ đưa ra trong bối cảnh kinh tế nước này suy giảm mạnh.
Tốc độ tăng trưởng nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới bị chậm lại từ nửa sau năm 2021, do bất ổn thị trường bất động sản; hàng loạt công ty công nghệ như Alibaba, Tencent, Ant, Meitoan, ByteDance bị siết chặt hoạt động và chính sách chống dịch quá nghiêm ngặt của nước này. Mục tiêu tăng trưởng GDP khiêm tốn của Trung Quốc ở mức 5,5% trong năm nay bị đe dọa.
Cuộc họp mới đây của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc cam kết hỗ trợ hàng loạt ngành công nghiệp, trong đó có các “nền tảng Internet”. Do đó, giai đoạn tồi tệ nhất đối với lĩnh vực kinh tế công nghệ Trung Quốc có thể chấm dứt sau nhiều cuộc điều tra dồn dập từ năm 2020.
Giới lãnh đạo cao nhất Trung Quốc được cho là đang sắp xếp một diễn đàn với các BigTech để thống nhất quan điểm chính trị trong điều hành mảng kinh tế “vàng” này; đồng thời trấn an về môi trường pháp lý để họ tiếp tục hoạt động.
Trước đó, việc siết chặt hoạt động của các BigTech đã gây tác động tiêu cực đến nhiều tập đoàn đóng vai trò là “xương sống” kinh tế công nghệ của Trung Quốc. Chẳng hạn, Alibaba bị mất khoảng 40% giá trị cổ phiếu, cùng với Tencent - cả hai mất 290 tỷ USD trong vòng 48h sau khi Trung Quốc phát lệnh điều tra…
>> Alibaba tái cấu trúc tài chính, thu xếp các khoản tiền phạt khổng lồ
Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, việc Huawei bị cấm vận đã thôi thúc giới lãnh đạo Trung Quốc phải làm chủ công nghệ nguồn, bởi vì chương trình “Made in China 2025” coi như phá sản!
Trong khi đó, các BigTech tuy tăng trưởng nhanh nhưng không mang đến giá trị cốt lõi: sáng chế công nghệ, sản xuất chip,… để giúp Trung Quốc đối đầu với phương Tây. Nghĩa là họ đã đến lúc phải nhường chỗ.
Với nhà nước toàn trị, toàn năng, BigTech là mối nguy về kiểm soát dữ liệu, an ninh quốc gia, đối lập với đường lối do ông Tập Cận Bình chủ trương. Vì vậy, kinh tế tư nhân phải tăng cường thực hiện “trách nhiệm chính trị”, chơi theo luật mới. Nhưng quy luật kinh tế khách quan trong lĩnh vực Internet và thương mại điện tử không tương thích với ý chí chính trị.
Mục tiêu này không hanh thông. Và từ đây, cho thấy nền kinh tế Trung Quốc không thực ổn định về cấu trúc. Trung Quốc có thể đạt được giá trị thặng dư rất lớn nhờ sản xuất, gia công, lắp ráp, xuất khẩu, nhưng để trở thành “công xưởng sáng tạo” thì chưa đủ thực lực.
Huawei sẽ sụp đổ ngay tức thì nếu không sử dụng một số cấu kiện “cứng” và “mềm” vô cùng tinh vi do Mỹ, Nhật Bản, Hà Lan nắm bí quyết công nghệ. Bản thân công ty công nghệ Trung Quốc không sản xuất mà chỉ cung cấp dịch vụ.
Nền kinh tế Trung Quốc có thể tạo ra rất nhiều của cải, nhưng đó là khi được hỗ trợ công nghệ nguồn từ bên ngoài đưa vào. Nhiều chuyên gia cho rằng nền kinh tế này cần học cách chậm lại để tự mình làm chủ công nghệ trước khi vội vàng dẹp bỏ những lĩnh vực hái ra tiền. Đó chính là lý do quốc gia này xem xét “nới tay” cho BigTech.
Có thể bạn quan tâm