Việc Trung Quốc áp dụng các quy định mới về khai báo đối với một số loại tàu thuyền đi vào vùng biển mà Bắc Kinh gọi là "lãnh hải" của nước này, có thể gây “bất ổn và xung đột tiềm ẩn” trong khu vực.
Bà Hà Thị Hạnh, giảng viên Khoa Luật Quốc tế, Đại học Luật TP HCM nhấn mạnh như vậy khi trao đổi với PV Diễn đàn Doanh nghiệp về Luật An toàn giao thông hàng hải mới của Trung Quốc.
Ngày 01/09/2021 “Luật An toàn giao thông hàng hải” sửa đổi của Trung Quốc bắt đầu có hiệu lực. Theo nội dung sửa đổi: Trung quốc yêu cầu tàu nước noài phải báo cáo thông tin chi tiết khi đi vào vùng biển mà Trung Quốc cho là lãnh hải của Trung Quốc. Các tàu nước ngoài sẽ phải khai báo thông tin về tên, số hiệu, vị trí của tàu … và các hàng hoá nguy hiểm cho Cơ quan quản lý hàng hải của Trung Quốc.
-Quan điểm của bà thế nào về Luật An toàn giao thông hàng hải sửa đổi của Trung Quốc?
Quy định mới về khai báo của Trung Quốc là một phần trong tham vọng củng cố yêu sách về chủ quyền của Trung Quốc trên biển, bất chấp luật pháp quốc tế. Nó không chỉ bao gồm lãnh hải 12 hải lý xung quanh bờ biển Trung Quốc mà liên quan đến đường cơ sở thẳng quá mức mà Trung Quốc vạch ra ở ven biển Đại lục.
Nó là tiếp nối các hành vi đơn phương của Trung Quốc như việc tuyên bố đường cơ sở lưỡi bò trên Biển Đông hay xác lập Vùng nhận dạng hàng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông (năm 2013).
Việc triển khai các qui định mới về hàng hải của Trung Quốc cũng là nhằm tạo cơ sở pháp lý để cơ quan chức năng của họ có thể có quyền xua đuổi hoặc từ chối việc tàu nước ngoài đi vào vùng biển nếu họ cho rằng tàu đó đe dọa đến an ninh quốc gia Trung Quốc.
- Những thay đổi trong Luật An toàn Giao thông hàng hải của Trung Quốc đe dọa gì đến an ninh tại biển Đông và biển Hoa Đông, thưa bà?
Luật An toàn giao thông hàng hải sẽ trao quyền cho Cục Hải sự Trung Quốc (MSA), ngăn chặn các tàu nước ngoài xâm nhập vùng biển Trung Quốc tuyên bố là lãnh hải, nếu theo MSA đánh giá tàu đó có thể đe dọa an ninh của Trung Quốc. Luật buộc các tàu qua lại vùng biển của Trung Quốc phải khai báo về hải trình, tín hiệu, vị trí của tàu và bất kỳ hàng hòa nguy hiểm nào trên tàu cho MSA. Nếu tàu nước ngoài không báo cáo theo quy định, MSA sẽ áp dụng các biện pháp chế tài theo luật.
Luật An toàn Giao thông hàng hải của Trung Quốc đe dọa nghiêm trọng với tự do hàng hải và thương mại ở Biển Đông và các vùng biển khác.
Trong bối cảnh tranh chấp về chủ quyền và quyền chủ quyền trên biển Đông và Biển Hoa Đông đang căng thẳng trong nhiều năm qua, Luật này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới ổn định và an ninh của các quốc gia trong khu vực. Thông qua Luật này Trung Quốc sẽ gián tiếp xác định chủ quyền lãnh hải vô lý và bất hợp pháp của mình, từ đó làm bàn đạp để kiểm soát, ngăn cản tàu thuyền nước ngoài mà Trung Quốc coi là đối tượng có thể gây mất an ninh của Trung Quốc, cũng có nghĩa là sẽ hạn chế chủ quyền và quyền chủ quyền trên biển của các quốc gia khác.
- Theo bà, những vi phạm luật quốc tế của Trung Quốc về vấn đề này là gì?
Trước hết, Trung Quốc vi phạm nguyên tắc Pacta sunt servanda (Nguyên tắc tận tâm, thiện chí thực hiện các cam kết quốc tế). Nguyên tắc cơ bản này của Luật quốc tế yêu cầu quốc gia phải tuân thủ các điều ước quốc tế mà mình là thành viên.
Trung Quốc đã vi phạm quy định của Công ước 1982 về Luật Biển của Liên Hợp Quốc (UNCLOS), mà Trung Quốc cũng là thành viên sáng lập.
Luật An toàn giao thông hàng hải của Trung Quốc đã vi phạm trực tiếp các quy định của UNCLOS về lãnh hải, cách xác định lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa đã được công ước xác định rõ ràng.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng vi phạm các quyền về hàng hải, hàng không, tự do thương mại mà tất cả các quốc gia đều được hưởng theo luật pháp quốc tế.
-Vậy, Việt Nam và các nước cần làm gì trước hành động của Trung Quốc, thưa bà?
Cộng động quốc tế cần thể hiện quan điểm phản đối những hành vi vi phạm pháp luật quốc tế của Trung Quốc. Cần yêu cầu Trung Quốc hành xử như một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Thực tế, nhiều nước trên thế giới, như Mỹ, Anh, Ấn Độ đã lên tiếng phản đối đạo Luật mới này của Trung Quốc. Việt Nam cũng đã thể hiện quan điểm phản đối giá trị pháp lý của Luật ngay khi nó được ban hành. Ngày 01/09/21, khi luật có hiệu lực ở Trung Quốc, Bộ ngoại giao Việt Nam cũng đã ngay lập tức ra tuyên bố phản đối hành vi của Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc phải tôn trọng và tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế và đặc biệt là UNCLOS.
Việt Nam tiếp tục khẳng định sẽ đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên các vùng biển của mình được xác định theo đúng quy định của UNCLOS. Tuy nhiên, cũng phải kiềm chế các hành vi cứng rắn, gia tăng căng thẳng, mọi biện pháp được áp dụng cần không tạo bất sự ổn trong khu vực.
Sắp tới, Việt Nam sẽ phải tiếp tục sử dụng tối đa các diễn đàn quốc tế, đặc biệt là ASEAN, để gây sức ép ngoại giao lên Trung Quốc nhằm hướng tới giải quyết các vấn đề Biển Đông trong hòa bình và phù hợp với quy định của pháp luật quốc tế.
- Xin cảm ơn bà!
Có thể bạn quan tâm