Để 2 dự án có thể triển khai nhanh và sớm phát huy hiệu quả, cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tạo cơ chế đặc thù để các địa phương chủ động triển khai các dự án.
>> Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc: Cần “đường cao tốc” trong tư duy chính sách
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, sáng 10/6/2022, tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội tiến hành thảo luận về Chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và Dự án đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến về nhiều vấn đề quan trọng như: phạm vi và quy mô dự án, những vấn đề liên quan đến giải phóng mặt bằng, cân nhắc tính khả thi đầu tư dự án theo phương thức PPP, đánh giá hiệu quả các hình thức khai thác nguồn lực, quỹ đất có liên quan, việc phân cấp, phân quyền cho các bộ, ngành, địa phương, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trong triển khai dự án.
Tham gia đóng góp ý kiến thảo luận, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre đánh giá, Chính phủ đã trình dự án rất kịp thời, thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với hai đầu tàu kinh tế của cả nước, đồng thời bày tỏ hy vọng khi triển khai, 2 dự án sẽ tạo động lực mạnh mẽ, kích thích sự phát triển của các tỉnh trong vùng Thủ đô Hà Nội và vùng TP.HCM.
Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn cho rằng, hai dự án này có nguồn vốn đầu tư rất lớn, lần đầu tiên có sự phối hợp đồng bộ trong sử dụng nguồn vốn Trung ương với nguồn vốn địa phương, có cơ chế đặc thù huy động nguồn vốn hợp pháp khác.
Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Trúc Sơn, nguồn vốn trung ương đã được xác định rất cụ thể, nhưng nguồn vốn các tỉnh thì lấy từ nguồn vốn tăng thu, trong khi kế hoạch đầu tư công trung hạn của các tỉnh, thành phố đều đã được bố trí chặt chẽ, đầy đủ danh mục các dự án. Nếu tăng thu thì phải phụ thuộc vào thu ngân sách hàng năm theo dự toán Trung ương giao. Nguồn tăng thu còn dùng cho quỹ cải cách tiền lương, dành cho nhiều mục tiêu khác như trả nợ công, chi cho an sinh xã hội…
Vì vậy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre đề nghị Trung ương quan tâm tạo điều kiện cho các tỉnh, thành phố có sự tăng thu để đáp ứng được cơ cấu nguồn vốn này. Về giải phóng mặt bằng, để đảm bảo tiến độ của 02 dự án này, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn đề nghị trong phân cấp, phân quyền, khi thành lập khung chính sách, nên nghiên cứu để giai đoạn từ lúc địa phương lập khung chính sách giải phóng mặt bằng đến lúc trình Thủ tướng Chính phủ cần được tiến hành nhanh chóng, kịp thời.
Ngoài ra, đại biểu đề nghị đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tạo cơ chế đặc thù để các địa phương chủ động triển khai các dự án đạt tiến độ đúng theo yêu cầu đặt ra.
Có thể bạn quan tâm