Theo các chuyên gia, tỷ giá nhiều khả năng sẽ ổn định, thậm chí còn giảm nhẹ cuối năm nay khi cán cân thanh toán có thể thặng dư lớn.
Theo NHNN, cán cân thanh toán của Việt Nam thặng dư gần 3,44 tỷ USD trong quý 1/2021.
Tỷ giá trung tâm từ đầu năm 2020 tới 30/6/2021
Theo Tổng cục Hải quan, cán cân thương mại tiếp tục thâm hụt 1,83 tỷ USD trong nửa đầu tháng 7, nâng mức thâm hụt kể từ đầu năm nay lên 3,01 tỷ USD.
Tuy nhiên trong 6 tháng đầu năm nay, giải ngân vốn FDI đạt tới 9,24 tỷ USD; vốn đầu tư nước ngoài chảy vào thông qua góp vốn mua cổ phần đạt 1,60 tỷ USD. Đó là chưa kể giải ngân vốn ODA, kiều hối chuyển về nước. Vì vậy theo các chuyên gia, cán cân thanh toán quý II tiếp tục thặng dư lớn.
Nguồn cung ngoại tệ dồi dào là một trong những nguyên nhân giúp tỷ giá ổn định những tháng đầu năm nay. Nếu so với cuối năm 2020, tỷ giá trung tâm chỉ tăng 84 VND/USD (0,36%), mức độ biến động không lớn so với USD trên thị trường thế giới khi mà từ đầu năm đến nay, USD Index tăng 3,3%. Trong khi giá mua- bán USD của các nhà băng lại giảm khoảng 50 VND.
SSI Research cho biết, hiện dòng tiền kiều hối và giải ngân FDI khá tích cực, đủ bù đắp cho thâm hụt cán cân thương mại hàng hóa, dẫn đến cung- cầu ngoại tệ vẫn khá cân bằng. Từ đó, tổ chức này dự báo, tỷ giá sẽ đi ngang trong ngắn hạn và có thể giảm nhẹ về cuối năm nay.
Đồng quan điểm, một chuyên gia phân tích, nhìn vào cơ cấu nhập khẩu những tháng đầu năm nay có thể thấy, nhóm hàng nguyên phụ liệu sản xuất tăng khá mạnh. Bởi vậy, xuất khẩu nhiều khả năng sẽ tăng trưởng mạnh trong những tháng cuối năm nay, qua đó giúp cán cân thương mại hàng hóa thặng dư trở lại, đó là chưa kể vốn FDI vẫn tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam.
Trong khi đó, với việc giảm giá mua vào ngoại tệ kỳ hạn cho dù USD đang có xu hướng phục hồi, NHNN đã phát đi tín hiệu giảm mua vào ngoại tệ khi mà hiện dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã cao hơn mức tiêu chuẩn theo thang đo của IMF. Do đó, phần lớn lượng ngoại tệ chảy vào sẽ được để lại trong nền kinh tế. Trong khi cầu ngoại tệ được dự báo sẽ không có gì đột biến khi mà sản xuất tại nhiều địa phương vẫn đang gặp khó khăn vì dịch bệnh.
Bởi vậy, tỷ giá được dự báo sẽ tiếp tục ổn định, thậm chí còn giảm nhẹ trong những tháng cuối năm nay. Điều đó sẽ phù hợp với thỏa thuận mới đây về chính sách tiền tệ giữa Bộ Tài chính Mỹ và NHNN khi mà hiện nay Việt Nam vẫn nằm trong danh sách giám sát “thao túng tiền tệ” của Mỹ. Đặc biệt, tỷ giá ổn định cũng giúp NHNN có thể xem xét giảm thêm lãi suất điều hành để hỗ trợ nền kinh tế ứng phó với đại dịch trong những tháng cuối năm nay.
Có thể bạn quan tâm