Dư luận cho rằng hiện nay giá dầu thô trên thế giới có lúc đã giảm đến 30% tuy nhiên gần đây giá xăng dầu trong nước mới chỉ điều chỉnh 10% là điều chưa hợp lý.
Về vấn đề này, TS. Cấn Văn Lực cho rằng “Giá dầu thế giới và Việt Nam không nhất thiết có mức độ giảm giống nhau. Thời gian qua, tôi thấy Bộ Tài chính và Bộ Công thương đều đã có động thái cân đối giá xăng dầu”.
Đồng tình quan điểm này, TS. Nguyễn Trí Hiếu lý giải, giá dầu thế giới là giá giao dịch bán buôn ở trên thị trường thế giới, giá ở thị trường Việt Nam là giá bán lẻ, do vậy không thể so sánh giữa hai mức giá.
“Giá xăng dầu ở Việt Nam cần trải qua nhiều lớp thương mại, dẫn đến giá thành không thể tăng hay giảm tương ướng với giá dầu thô thế giới. Tuy nhiên, về lâu về dài nó sẽ đi cùng xu hướng với nhau về tỷ lệ, nhưng cần một thời gian nữa để giá dầu trong nước giảm sâu hơn” – TS.Hiếu cho hay.
Bên cạnh đó, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết, giá dầu giảm làm giảm áp lực về lạm phát, bởi giá xăng dầu ở Việt Nam đóng góp tỷ lệ lớn trong tỷ lệ lạm phát, tất cả các ngành nghề đều chịu ảnh hưởng từ giá xăng dầu. Do vậy việc giảm giá xăng dầu mạnh 10% dĩ nhiên tại thời điểm hiện tại và trong tương lai có thể sẽ giảm áp lực lạm phát.
Hiện tại nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu, Việt Nam điều hành theo chu kỳ 15 ngày. Theo đó, cách tính giá là giá cơ sở các mặt hàng xăng, dầu ở nhiệt độ thực tế bao gồm các yếu tố và được xác định = {Giá CIF + Thuế nhập khẩu + Thuế tiêu thụ đặc biệt} x Tỷ giá ngoại tệ + Thuế giá trị gia tăng + Chi phí kinh doanh định mức + mức trích lập Quỹ Bình ổn giá + Lợi nhuận định mức + Thuế bảo vệ môi trường + Các loại thuế, phí và các khoản trích nộp khác theo quy định của pháp luật hiện hành.
Trong đó, vấn đề tồn tại của Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã được đem ra bàn thảo nhiều lần trước đây. Hồi giữa năm 2019, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam từng kiến nghị bỏ Quỹ này để giá mặt hàng này tiệm cận hơn với thế giới. Theo hiệp hội trên, việc trích lập Quỹ bình ổn xăng dầu 300 đồng mỗi lít theo quy định Nghị định 83 khiến người tiêu dùng "chịu thiệt hơn là lợi" khi bản chất là người dân đang phải ứng trước cho quỹ.
Có thể bạn quan tâm
11:00, 25/12/2019
01:00, 24/12/2019
03:11, 13/12/2019
Trong một báo cáo gửi Quốc hội vào tháng 8/2019, Uỷ ban Tài chính ngân sách cũng cho rằng, số tiền trích Quỹ bình ổn xăng dầu được để lại cho các doanh nghiệp đầu mối thực chất là "khoản thu trước của người dân, doanh nghiệp". Uỷ ban này đề nghị Chính phủ nghiên cứu, xác định rõ lộ trình hoặc bỏ ngay Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Tuy nhiên đề xuất này sau đó đã bị Bộ Công Thương, Tài chính bác bỏ. Lãnh đạo Bộ này cho rằng, Quỹ bình ổn xăng dầu vẫn phát huy hiệu quả khi phần nào tránh cú sốc cho người tiêu dùng trước sự tăng giá đột ngột mặt hàng xăng.
Còn Bộ Tài chính thì lập luận vẫn cần Quỹ bình ổn xăng dầu để tránh cú sốc cho thị trường để cân đối giữa điều hành vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Quỹ này chỉ có thể bỏ nếu bỏ cả thời hạn điều chỉnh giá (15 ngày) như hiện nay, để giá xăng dầu biến động hàng ngày.
Theo thông báo điều hành giá xăng dầu được Bộ Công thương phát đi chiều 15/3, do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp tại các nước trên thế giới nên ảnh hưởng đến thị trường hàng hóa thế giới, giá xăng dầu có biến động có tăng và giảm trong kỳ điều hành 15 ngày trước ngày hôm nay, nhưng xu hướng chung là giảm.
Do đó, Liên Bộ đã điều chỉnh giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường không cao hơn mức giá: Xăng E5RON92 không cao hơn 16.056 đồng/lít; xăng RON95-III không cao hơn 16.812 đồng/lít; dầu diesel 0.05S không cao hơn 13.035 đồng/lít; dầu hỏa không cao hơn 11.846 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 10.501 đồng/kg.
Từ đầu năm đến nay, đây là lần thứ 5 liên tiếp giá xăng dầu được điều chỉnh giảm.
Trong kỳ điều hành lần này, Liên Bộ quyết định trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với xăng E5RON92 ở mức 200 đồng/lít; xăng RON95, dầu hỏa và dầu diesel ở mức 800 đồng/lít; dầu mazut trích lập ở mức 100 đồng/kg; không chi sử dụng Quỹ BOG đối với các loại xăng dầu.
Ông Phan Lê Thành Long, Chuyên gia tài chính AFA Research & Education: Mức điều chỉnh giá xăng trong nước luôn có độ trễ so với giá dầu thế giới. Cộng với việc trích thêm vào quỹ bình ổn giá dẫn tới giá xăng trong nước điều chỉnh giảm thấp hơn so với tỷ lệ giảm của giá dầu thế giới. Còn việc mức tương quan đã hợp lý hay chưa sẽ phụ thuộc vào từng thời điểm, đặc biệt phụ thuộc vào mức biến động lên xuống của giá dầu thế giới. Việc điều chỉnh giá xăng trong nước tương quan với giá dầu thế giới là cần thiết. Tuy nhiên, chúng ta phải lưu ý rằng giá dầu thế giới sụt giảm mạnh mang tính thời điểm, giá có thể bật tăng trở lại. Như tôi đề cập về độ trễ ở trên, giá xăng trong nước được điều chỉnh theo chu kỳ 15 ngày. Sự kiện giá dầu sụt giảm quá mạnh (30%) vừa qua đã khiến giá xăng phải điều chỉnh giảm không theo chu kỳ đã định. Theo đó, cơ quan quản lý đã tính đến phương án dự phòng cho biến động lên xuống của giá dầu bằng cách trích thêm vào Quỹ bình ổn giá để tránh tâm lý giá xăng dầu biến động mạnh. Chúng ta chưa có cơ chế thả nổi giá xăng dầu theo biến động của thị trường, do vậy độ trễ trong điều chỉnh giá luôn tồn tại. Người dân và doanh nghiệp nên có hiểu biết rõ về cơ chế điều chỉnh giá để có những phương án dự phòng chủ động. Khi giá xuống, việc trích quỹ dự phòng là để đảm bảo ổn định giá không tạo những cú sốc khi giá tăng mạnh trở lại do sử dụng quỹ bình ổn giá để thực hiện các bước đệm. |