Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã vạch ra một chiến lược kinh tế hướng nội hơn, để thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh môi trường bên ngoài ngày càng không đáng tin cậy.
>>Giải pháp kích cầu tiêu dùng sau đại dịch COVID-19
Chiến dịch kích cầu ồ ạt
Mới đây, các thành phố của Trung Quốc đã triển khai việc phát phiếu quà tặng tổng trị giá hàng chục triệu Nhân dân tệ cho người dân, nhằm thúc đẩy tiêu dùng đang bị giảm mạnh, do tăng trưởng kinh tế suy yếu và các biện pháp ngăn chặn dịch COVID-19 áp dụng nghiêm ngặt.
Theo đó, bắt đầu từ đầu tháng 12, một số thành phố như Nam Kinh, Trịnh Châu, Hợp Phì và Trùng Khánh bắt đầu khuyến khích tiêu dùng địa phương, với các phiếu mua hàng dùng trong nhà hàng, giải trí, du lịch và các hoạt động tiêu dùng khác.
Tiêu biểu nhất là tại Hợp Phì thuộc tỉnh An Huy, khu vực này được thiết lập để phân phối 40 triệu Nhân dân tệ (6,3 triệu USD). Đây là một trong những khoản phân phát lớn nhất trên toàn quốc, với mong muốn thúc đẩy chi tiêu tại các nhà hàng, trung tâm mua sắm và siêu thị, đồng thời đẩy mạnh doanh số bán xe hơi tăng cao.
Còn tại tỉnh Cát Lâm, phía Đông bắc Trung Quốc sẽ triển khai các phiếu mua hàng cho các hoạt động du lịch trị giá 10 triệu Nhân dân tệ, tập trung vào việc thúc đẩy các khu giải trí liên quan đến băng tuyết tại địa phương.
Theo báo cáo của Securities Daily, trên địa bàn thuộc khu tự trị Tân Cương, hàng trăm nghìn chứng từ đã được hơn 400 doanh nghiệp gửi đi kể từ đầu tháng 12, nhằm thúc đẩy chi tiêu trực tiếp hoặc gián tiếp lên tới hàng chục triệu Nhân dân tệ. Hay tại Thành Đô và Quý Châu cũng đang phát phiếu giảm giá để thúc đẩy các dịch vụ du lịch và giải trí tại địa phương, trong khi Hành Thủy ở tỉnh Hà Bắc dự kiến sẽ phát phiếu mua hàng trị giá 3 triệu Nhân dân tệ (475.000 USD) cho người dân mua sắm tại các siêu thị được chỉ định.
Vòng kích cầu này diễn ra sau cảnh báo tại Hội nghị công tác kinh tế Trung ương hàng năm của Trung Quốc hồi đầu tháng 12, về sự suy giảm tiêu dùng, cú sốc nguồn cung và kỳ vọng tăng trưởng đang yếu đi. Cụ thể, báo cáo tại Hội nghị cho thấy, tăng trưởng doanh số bán lẻ của Trung Quốc đã chậm lại trong tháng 11 do COVID-19 tiếp tục bùng phát, làm gián đoạn sản xuất và ảnh hưởng tới thị trường lao động.
Chia sẻ trên tờ South China Morning Post, Peng Peng, Chủ tịch Hiệp hội Cải cách tỉnh Quảng Đông, một tổ chức có liên kết với chính quyền tỉnh cho biết, các phiếu thưởng sẽ có tác động không đáng kể đến chi tiêu chung, vì hầu hết tập trung vào các dịch vụ giải trí và văn hóa.
“Người nghèo không có tiền mặt để sử dụng các phiếu giảm giá trong khi người giàu không quan tâm đến chúng.Chìa khóa để thúc đẩy tiêu dùng là tăng thu nhập khả dụng của nhóm khó khăn về tài chính, ví dụ như việc tăng lương tối thiểu đã được chứng minh là có hiệu quả.Một số ngành dường như có triển vọng mờ mịt, chẳng hạn như bất động sản, dạy thêm sau giờ học và các lĩnh vực internet. Người lao động trong các lĩnh vực này đang trải qua thời kỳ sa thải hàng loạt và cắt giảm lương, do đó họ không có động lực để chi tiêu”, ông đánh giá.
Vào tháng 11, chính quyền tỉnh Quảng Đông đã công bố 9 chính sách nhằm tăng chi tiêu, bắt đầu ở các khu thương mại cũng như thúc đẩy ăn uống và du lịch, bao gồm các nền tảng thương mại điện tử và cả bán lẻ truyền thống. Hạn ngạch bổ sung cho các loại xe năng lượng mới ở Quảng Đông và Thâm Quyến, cũng như những thay đổi đối với quy trình đăng ký và đủ điều kiện để được cấp giấy phép xe ô tô, được đưa ra như một phần trong nỗ lực thúc đẩy doanh số bán xe hơi.
Cùng với đó, có ít nhất 10 thành phố của Trung Quốc cũng đã đưa ra các chính sách giúp thị trường bất động sản đang ế ẩm phục hồi trở lại. Đơn cử như ở Quế Lâm thuộc tỉnh Quảng Tây, vào tuần trước đã thông báo rằng, người mua nhà ở các huyện được chỉ định sẽ nhận được một phiếu mua hàng trị giá 1% giá mua bất động sản của họ trong tháng này, người tiêu dùng có thể mua ô tô và thiết bị gia dụng từ các doanh nghiệp địa phương. Về phía các nhà phát triển có thành tích bán hàng xuất sắc, sẽ được thưởng 300.000 Nhân dân tệ (tương đương 47.000 USD) tiền mặt.
>>Kích cầu tiêu dùng nội địa gỡ khó cho doanh nghiệp
Tầm quan trọng của tiêu dùng nội địa
Tại đất nước tỷ dân, tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ của các hộ gia đình chiếm hơn một nửa tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc. Trong ba quý đầu năm nay, chi tiêu tiêu dùng đóng góp 64,8% GDP, là động lực tăng trưởng lớn nhất của nền kinh tế nước này.
Giới lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc coi việc thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng là một ưu tiên kinh tế trong kế hoạch 5 năm đến năm 2025, cũng như tầm nhìn dài hạn của quốc gia đến năm 2035. Theo Viện nghiên cứu toàn cầu McKinsey, số hộ gia đình Trung Quốc có thu nhập trung bình trở lên dự kiến sẽ tăng 68% trong giai đoạn 2020-2030. Tốc độ tăng trưởng này gấp khoảng 12 lần so với Hoa Kỳ là 5,88% và bảy lần của châu Âu là 9,33%.
Tuy nhiên, lũ lụt, khủng hoảng điện và các đợt bùng phát dịch bệnh rải rác đã tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế Trung Quốc trong những tháng gần đây. Trong một bài bình luận của Tân Hoa xã có nêu, mức tăng trưởng chậm lại còn 4,9% trong quý 3/2021 từ 18,3% trong quý đầu tiên và 7,9% trong quý thứ hai. Tương tự, tốc độ tăng trưởng doanh thu bán lẻ đã giảm từ 34,2% trong tháng 3 xuống 12,1% trong tháng 6. Do đó, Chính phủ đang tập trung vào việc thúc đẩy tiêu dùng và đầu tư tư nhân để cải thiện tăng trưởng. Nhưng theo Cục Thống kê Quốc gia, bất chấp những số liệu yếu hơn dự kiến, tổng doanh thu bán lẻ hàng tiêu dùng vẫn tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái lên 31,8 nghìn tỷ Nhân dân tệ (4,9 nghìn tỷ USD) trong ba quý đầu năm.
Song, điều quan trọng là làm thế nào để những người Trung Quốc có thu nhập trung bình được khuyến khích chi tiêu nhiều hơn? Nền tảng thương mại điện tử được xem là câu trả lời rõ nét nhất cho vấn đề này. Các lễ hội mua sắm được tổ chức bởi các nền tảng thương mại điện tử thu hút hàng triệu người tiêu dùng mỗi năm, với các chương trình giảm giá và ưu đãi hấp dẫn.
Ngoài ra, để đảm bảo người dân có tiền chi tiêu, các tỉnh và thành phố thường xuyên điều chỉnh mức lương tối thiểu do lạm phát và chi phí sinh hoạt tăng. Riêng năm nay, 12 tỉnh và hai thành phố, gồm cả Hồ Bắc và Bắc Kinh đã tăng lương tối thiểu. Hơn nữa, thông qua các chính sách tích cực do nhà nước điều hành, Bắc Kinh đã tuyên bố xóa bỏ tình trạng nghèo “cùng cực” vào đầu năm nay, trước hẳn 10 năm so với kế hoạch mà Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững của Liên hợp quốc đề ra.
Thêm vào đó, trong bối cảnh quan hệ xấu đi của Trung Quốc với một số đối tác thương mại, việc phụ thuộc vào chiến lược phát triển theo định hướng xuất khẩu, lưu thông hàng hoá bên ngoài, được các nhà lãnh đạo Trung Quốc coi là không bền vững. Đáng chú ý, quan hệ đối ngoại của Trung Quốc đã xấu đi với một số quốc gia kể từ khi bắt đầu đại dịch COVID-19. Tổng thống Mỹ Joe Biden phần lớn tiếp tục chính sách cứng rắn với Trung Quốc từ thời chính quyền cựu Tổng thống Trump, quan hệ với Australia giảm sút và Bắc Kinh phải đối mặt với các lệnh trừng phạt và chỉ trích từ các quốc gia phương Tây...
Do đó, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã vạch ra một chiến lược kinh tế hướng nội hơn, để thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh môi trường bên ngoài ngày càng không đáng tin cậy. Trong một công bố về chiến lược lưu thông kép vào năm ngoái, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nói: “Trung Quốc sẽ dần dần hình thành một mô hình phát triển mới, trong đó lưu thông trong nước đóng vai trò chủ đạo”.
Mặc dù xuất khẩu vẫn là một thành phần quan trọng của GDP, chiếm 17,65% vào năm 2020, nhung việc khai thác tiềm năng của thị trường nội địa vẫn được Chính phủ ưu tiên hàng đầu.
Có thể bạn quan tâm
11:00, 02/12/2021
04:00, 12/11/2021
15:24, 23/07/2020
00:40, 02/07/2020