Việt Nam vẫn là điểm sáng Đông Nam Á về thu hút FDI

THU DUYÊN 19/06/2024 14:43

Theo ông Nguyễn Đình Nam, CEO IPA VIETNAM thì Việt Nam vẫn là điểm sáng Đông Nam Á về thu hút FDI trong những năm tiếp theo, do các lợi thế về vị trí địa lý và chi phí đầu tư vẫn còn khá cạnh tranh.

Ông Nguyễn Đình Nam

Ông Nguyễn Đình Nam, Chủ tịch HĐQT & TGĐ IPA VIETNAM 

- Ông đánh giá thế nào về xu hướng dịch chuyển, thu hút đầu tư nước ngoài 6 tháng đầu năm 2024, dự báo 6 tháng cuối năm 2024 và 2025?

Theo số liệu công bố của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đến tháng 5/2024, có thể thấy dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam vẫn tiếp tục gia tăng. Các dự án đăng ký mới tăng 27,5% về số lượng dự án (1.227 dự án) và 50,8% về số vốn đăng ký (7,94 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2023, nhất là trong tháng 01 và tháng 04/2024 lượng vốn đăng ký mới có sự tăng trưởng một cách rõ rệt.

Tuy nhiên, điểm sáng trong thu hút FDI của Việt Nam trong những tháng đầu năm chính là lượng vốn giải ngân với con số ấn tượng là 8,25 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2023.

Nhìn trên con số có thể thấy về tổng thể lượng vốn FDI vẫn tăng trưởng 2% so với cùng kỳ năm 2023 nhưng theo quan sát thực tế của IPA Việt Nam, lượng vốn đầu tư mới bắt đầu có xu hướng giảm từ tháng 5/2024, thay vào đó là gia tăng lượng vốn điều chỉnh từ các dự án hiện hữu. Theo đánh giá của tôi, bức tranh thu hút FDI trong 6 tháng cuối năm cũng chưa có dấu hiệu khả quan, thậm chí có thể thấp hơn so với năm 2023 do bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn chưa được cải thiện rõ rệt. Theo cập nhật mới nhất của Ngân hàng thế giới (WB), dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu có thể đạt 2,6% trong năm nay và tăng lên 2,7% trong năm 2025-2026.

Trong năm 2025, do tình hình căng thẳng địa chính trị và tình trạng mất cân đối cung cầu ngày càng tiếp diễn, đặc biệt là chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và căng thẳng giữa Nga và các nước châu Âu gia tăng hơn trong những tháng gần đây. Nếu kinh tế Mỹ và Châu Âu vẫn chưa thoát khỏi tình trạng trì trệ như hiện nay thì dòng vốn đầu tư từ các khối này vào Việt Nam gần như khá mờ nhạt và dòng vốn chủ yếu vẫn đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Công, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản trong đó khối Hoa ngữ vẫn là đối tác chủ đạo. Ngoài ra, sự tăng trưởng của dòng vốn FDI trong năm tới, nhất là việc thu hút các tập đoàn lớn còn phụ thuộc vào các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư của Chính phủ Việt Nam khi đã áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, cũng như việc đưa xây dựng, ban hành và thực thi các chính sách mới như Luật đất đai, Luật Công nghiệp công nghệ số, Luật thuế TNDN, Luật thuế GTGT…

- Ông chia sẻ nhận định về xu hướng đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam và cơ hội cho ngành bất động sản công nghiệp Việt Nam?

Theo đánh giá của nhiều tổ chức quốc tế uy tín, Việt Nam vẫn là điểm sáng trong khu vực Đông Nam Á về thu hút FDI trong những năm tiếp theo do các lợi thế về vị trí địa lý và chi phí đầu tư vẫn còn khá cạnh tranh so với một số quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Trung Quốc và Ấn Độ.

Cơ hội và dự địa cho ngành bất động sản công nghiệp còn nhiều, tuy nhiên xu hướng dịch chuyển đã có sự thay đổi, từ các ngành có giá trị công nghệ thấp, lạc hậu sang các ngành có giá trị công nghệ cao, từ các đối tác truyền thống như Hàn Quốc, Nhật Bản sang các đối tác khối Hoa ngữ như Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Công. Ngành nghề đầu tư cũng tập trung chủ yếu hơn và công nghiệp chế biến chế tạo và kinh doanh bất động sản. Về xu hướng dịch chuyển vào Việt Nam, Nhật Bản có xu hướng chậm lại do các nguyên nhân nội tại của nền kinh tế, chủ yếu là tăng vốn và mở rộng sản xuất các dự án đã đầu tư tại Việt Nam. Dòng vốn từ Hàn Quốc cũng không gia tăng nhiều do những doanh nghiệp có khả năng đầu tư ra nước ngoài thì cũng đã đầu tư rồi, nên có chăng chỉ là sự dịch chuyển dự án từ các quốc gia khác, trong đó có thể là từ Trung Quốc, Ấn Độ sang Việt Nam. Trung Quốc cũng sẽ là đối tác rất tiềm năng mở rộng đầu tư vào Việt Nam do những cam kết mạnh mẽ thúc đẩy hợp tác kinh tế toàn diện giữa Lãnh đạo cấp cao của hai nước, cũng như Trung Quốc muốn mở rộng, đa dạng hóa chuỗi cung ứng ra ngoài lãnh thổ trong đó Việt Nam là một lựa chọn ưu tiên.

Đối với khối Châu Âu, họ cũng đang rất nỗ lực đẩy mạnh hợp tác với ASEAN cũng nhằm mục đích đa dạng chuỗi cung ứng, tập trung vào các lĩnh vực năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, hydrogen xanh, chíp bán dẫn, R&D, trí tuệ nhân tạo và robot. Tôi nghĩ đây là những thông tin hữu ích và cần thiết đối với các nhà phát triển bất động sản công nghiệp. Nắm rõ được xu hướng và kế hoạch dịch chuyển của các đối tác chính là tiền đề để xây dựng kế hoạch thu hút đầu tư một cách hiệu quả, tạo đà cho ngành bất động sản công nghiệp phát triển mạnh mẽ trong làn sóng FDI 4 trong thời gian tới.

Các đối tác trao đổi về cơ hội đầu tư tại Việt Nam

Các đối tác trao đổi về cơ hội đầu tư tại Việt Nam

- Phát triển khu công nghiệp bền vững là xu hướng tất yếu của Việt Nam và thế giới. Tại Việt Nam, ông đánh giá về nỗ lực của chủ đầu tư trong việc theo đuổi, xây dựng các mô hình khu công nghiệp bền vững và những kết quả đạt được?

Sở dĩ phát triển khu công nghiệp bền vững được xem là xu thế tất yếu là do các quốc gia trên thế giới đã có sự nhìn nhận nghiêm túc hơn về tác động của môi trường tự nhiên đối với sự sống, an ninh, an toàn của con người. Trong những năm gần đây, cùng với công nghiệp hóa cùng với việc khai thác tài nguyên thiếu kiểm soát, đặc biệt là ở những quốc gia đang phát triển đã dẫn tới nhiều hệ lụy biến đổi môi trường, thiên tai, dịch bệnh. Chính vì thế, phát triển công nghiệp xanh, bền vững, giảm thiểu khí thải độc hại là ưu tiên hàng đầu của mỗi quốc gia nhằm bảo vệ tầng ozone của trái đất và cải thiện chất lượng sống của con người. Đây cũng là một vấn đề được Việt Nam hết sức quan tâm và nỗ lực hợp tác cùng các quốc gia để triển khai và Lãnh đạo Chính phủ Việt Nam cũng đã cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Để thực hiện cam kết trên, ngoài việc luật hóa các quy định và ban hành chính sách từ phía các cơ quan quản lý nhà nước còn cần sự đồng hành triển khai của các doanh nghiệp sản xuất tư nhân trong nước và nước ngoài. Do đặc thù của sản xuất công nghiệp là các nhà máy chủ yếu nằm trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp nên việc quy hoạch các khu vực sản xuất này vô cùng quan trọng để hướng tới một nền sản xuất xanh và bền vững.

Ở Việt Nam, trong nhiều năm qua việc đầu tư phát triển các khu, cụm công nghiệp còn khá tự phát, đa phần các nhà phát triển đều thiếu kinh nghiệm và năng lực quản lý, vận hành nên chất lượng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp rất thấp, thậm chí có thể nói là sơ sài so với yêu cầu thu hút đầu tư hiện nay. Chính vì thế, để đáp ứng và thu hút được dòng vốn FDI thế hệ mới các chủ đầu tư khu công nghiệp, cụm công nghiệp bắt buộc phải thay đổi tư duy phát triển và xây dựng mô hình khu công nghiệp sinh thái bền vững để đáp ứng nhu cầu thực tế hiện nay. Mô hình KCN sinh thái được UNIDO và Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai giai đoạn 1 từ năm 2015-2019 tại 3 KCN và giai đoạn 2 từ năm 2020 tại 3 KCN nữa, tổng cộng là 6 KCN. Đây là con số quá nhỏ so với tổng số gần 400 KCN tại Việt Nam. Có thể kể tên một số KCN trong dự án thí điểm như Hiệp Phước (TP. Hồ Chí Minh), Amata (Đồng Nai) và Deep C (Hải Phòng); đồng thời tiếp tục hỗ trợ thực hiện các giải pháp thúc đẩy CSCN tại KCN Hòa Khánh (Đà Nẵng) và KCN Trà Nóc 1 & 2 (Cần Thơ).

Theo những số liệu trên, có thể nói kết quả đạt được đối với việc phát triển mô hình khu công nghiệp bền vững còn quá hạn chế. Để mô hình này được nhân rộng và có đóng góp quan trọng trong định hướng phát triển công nghiệp và phát triển kinh tế bền vững của quốc gia cần có những cải cách chính sách và hỗ trợ tài chính từ phía nhà nước, đồng hợp có sự hợp tác chia sẻ kinh nghiệm của quốc tế về xây dựng, quản lý, vận hành KCN theo mô hình này và sự chung tay của các chủ đầu tư các KCN cũng như cơ chế kết nối chặt chẽ giữa các bên liên quan.

- Hoạt động xúc tiến đầu tư là hoạt động rất quan trọng, là cầu nối để các nhà đầu tư các nước biết đến và hợp tác với Việt Nam. Ông đánh giá thế nào về hoạt động này?

Khái niệm xúc tiến đầu tư mới chỉ được phổ biến rộng rãi ở Việt Nam khoảng hơn thập kỷ gần đây, trong khi đó trên thế giới khái niệm này đã xuất hiện trong rất nhiều tài liệu, ấn phẩm và các hoạt động xúc tiến đầu tư đã được họ triển khai mạnh mẽ. Mô hình cơ quan xúc tiến đầu tư, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan này cũng hết sức rõ ràng và đóng vai trò quan trọng trong quản lý và thu hút đầu tư nước ngoài của mỗi quốc gia.

Ở Việt Nam, các cơ quan xúc tiến đầu tư cũng đã được thành lập từ những năm 2004, tuy nhiên đều là những đơn vị trực thuộc, không phải cơ quan chuyên trách, phần lớn là mô hình trung tâm xúc tiến đầu tư ở cả cấp trung ương và địa phương nên hoạt động xúc tiến đầu tư còn nhiều hạn chế và chưa thực sự là cầu nối hiệu quả để thu hút nguồn vốn FDI vào Việt Nam. Một mặt, không phải là đơn vị chuyên trách nên cán bộ phụ trách công tác xúc tiến đầu tư chưa được đào tạo bài bản chuyên nghiệp, nhân sự luôn có sự biến động nên thiếu tính ổn định và phát triển lâu dài. Mặt khác, nguồn kinh phí cho hoạt động xúc tiến đầu tư còn hạn chế, chưa được xã hội hoá nên các hoạt động xúc tiến đầu tư còn thiếu tính quy mô và chưa thực sự lan toả ra bên ngoài.

Tuy nhiên, những năm gần đây hoạt động xúc tiến đầu tư cũng dần mang lại hiệu quả và kết quả nhất địng nhờ sự nỗ lực, quyết liệt vào cuộc của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ thông qua các hoạt động ngoại giao kinh tế, cũng như các hoạt động quảng bá môi trường đầu tư tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tôi cho rằng hoạt động xúc tiến đầu tư bao gồm các hoạt động quảng bá, tuyên truyền, phổ biến, chia sẻ thông tin, hỗ trợ, đàm phán, thuyết phục nhà đầu tư nên cần được coi trọng và thực hiện thường xuyên, ngay cả đối với các nhà đầu tư hiện hữu (xúc tiến đầu tư tại chỗ) cũng như các nhà đầu tư tiềm năng khác.

- Vai trò của các đơn vị xúc tiến đầu tư tư nhân tại Việt Nam trong việc thu hút các vốn FDI về Việt Nam ra sao, thưa ông?

Cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ của đầu tư nước ngoài, khái niệm xúc tiến đầu tư và hoạt động xúc tiến đầu tư đã dần lan toả sang khối doanh nghiệp tư nhân trong những năm gần đây và chính các đơn vị xúc tiến đầu tư tư nhân này đã góp phần vô cùng quan trọng trong việc quảng bá môi trường đầu tư và thu hút các dự án FDI vào Việt Nam. Những "con chim đầu đàn" trong các đơn vị xúc tiến đầu tư tư nhân này có thể kể đến như các đơn vị phát triển hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, nhà xưởng, kho bãi, các công ty luật, tư vấn đầu tư và một số mô hình xúc tiến đầu tư bất động sản công nghiệp nở rộ trong khoảng 2-3 năm gần đây.

Theo đánh của tôi, hiện nay chưa có mô hình chung nào cho hoạt động xúc tiến đầu tư tư nhân, kỹ năng, kinh nghiệm xúc tiến đầu tư và mức độ chuyên nghiệp vẫn còn có sự khác biệt giữa nhiều đơn vị tư nhân. Thế nhưng tựu chung có thể thấy mức độ hiệu quả mà các đơn vị xúc tiến đầu tư tư nhân mang lại là khá rõ rệt bằng việc bám đuổi các dự án cụ thể, hỗ trợ và thuyết phục họ ra quyết định đầu tư tại Việt Nam. Nếu được Nhà nước quan tâm hơn nữa và coi hoạt động xúc tiến đầu tư cũng là một ngành nghề kinh doanh và được luật hoá giống như hoạt động xúc tiến thương mại, đồng thời có sự hỗ trợ về kiến thức, kinh nghiệm, kinh phí thì các đơn vị xúc tiến đầu tư tư nhân sẽ trở thành mắt xích quan trong thu hút FDI và góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của Việt Nam.

- Được biết IPA Việt Nam sắp triển khai hội thảo Vietnam Industrial Conect 2024. Dự kiến thu hút đông đảo nhà đầu tư các nước tham gia. Ông có thể chia sẻ đôi nét về sự kiện quan trọng này?

Hội thảo Kết nối công nghiệp Việt Nam - Vietnam Industrial Connect 2024 là sự kiện thường niên do IPA Việt Nam khởi xưởng từ năm 2023 với tên gọi ban đầu là Hội thảo Kết nối ngành công nghiệp khu vực phía Bắc (Industrial Connect 2023). Mục đích của sự kiện thường niên này nhằm cập nhật tình hình phát triển kinh tế-xã hội, thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam, chia sẻ xu hướng FDI và dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu trong bối cảnh hiện nay. Bên cạnh đó, Hội thảo cũng là sợi dây kết nối và chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, cơ hội kinh doanh giữa các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng các sản phẩm, dịch vụ cho nhà đầu tư nước ngoài như các đơn vị phát triển bất động sản công nghiệp, tổng thầu xây dựng công nghiệp, công ty luật, tư vấn đầu tư, đơn vị tuyển dụng, ngân hàng, bảo hiểm thuế, tài chính, hải quan, logistic…

Hội thảo Kết nối công nghiệp Việt Nam

Hội thảo Kết nối công nghiệp Việt Nam khu vực phía Bắc (Industrial Connect 2023).

Ngoài các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong các lĩnh vực nêu trên, tham gia Hội thảo còn có các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến từ các cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế, hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài như: Văn phòng Xúc tiến đầu tư Thái Lan tại Hà Nội (Đại sứ quán Vương quốc Thái Lan), Hiệp hội Doanh nghiệp Hồng Công tại Việt Nam (HKBAV), Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp tại Việt Nam (CCIFV), Phòng Thương mại và Công nghiệp Thái Lan (ThaiCham), Hiệp hội Các công ty Bỉ và Luxembourg tại Việt Nam.

Điều mang lại giá trị hơn cả cho các đại biểu tham dự là được tiếp cận thông tin và trao đổi với các diễn giả giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài và xúc tiến đầu tư, đặc biệt là những diễn giả quốc tế đã và đang giữ nhiều vị trí quan trọng trong các tập đoàn, doanh nghiệp đa quốc gia. Vì thế kinh nghiệm và kiến thức truyền tải hết sức có ý nghĩa cho các đại biểu tham gia Hội thảo thường niên lần thứ 2 này của IPA Việt Nam.

Trân trọng cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

  • Hải Phòng - Điểm sáng thu hút FDI nhờ môi trường đầu tư hấp dẫn

    Hải Phòng - Điểm sáng thu hút FDI nhờ môi trường đầu tư hấp dẫn

    10:31, 05/06/2024

  • Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để thu hút FDI

    Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để thu hút FDI

    03:50, 31/05/2024

  • ĐIỂM BÁO NGÀY 29/5: Triển vọng thu hút FDI

    ĐIỂM BÁO NGÀY 29/5: Triển vọng thu hút FDI

    04:09, 29/05/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Việt Nam vẫn là điểm sáng Đông Nam Á về thu hút FDI
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO