Xoay quanh vụ việc 22.000 lon sữa ủng hộ bị “mắc kẹt” được đưa ra tại nghị trường vừa qua, các đơn vị liên quan đã làm đúng quy trình, thế nhưng, về mặt cải cách thủ tục hành chính thì sao?…
Ngày 15/7/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 76/NQ-CP về Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2021 - 2030. Trong đó, cải cách hành chính Nhà nước này tập trung vào 6 nội dung: Cải cách thể chế; Cải cách thủ tục hành chính (TTHC); Cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước; Cải cách chế độ công vụ; Cải cách tài chính công và Xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.
Chính phủ xác định TTHC phải đạt mục tiêu: Cải cách quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả quy định TTHC liên quan đến người dân, doanh nghiệp; TTHC nội bộ giữa cơ quan hành chính Nhà nước; rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, thành phần hồ sơ và tối ưu hóa quy trình giải quyết TTHC trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin; bãi bỏ các rào cản hạn chế quyền tự do kinh doanh, cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch; đổi mới và nâng cao hiệu quả thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC. Đẩy mạnh thực hiện TTHC trên môi trường điện tử để người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện dịch vụ mọi lúc, mọi nơi, trên các phương tiện khác nhau.
Thế nhưng, từ câu chuyện về 22.000 lon sữa do kiều bào ở Úc ủng hộ cho trẻ em gặp khó khăn trong đại dịch COVID-19 “về gần 1 tháng, chưa lấy ra được” tại TP. Hồ Chí Minh lại đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến sự “cứng nhắc” trong giải quyết TTHC giữa bộ, ngành và địa phương.
Cụ thể, phát biểu tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XV, từ đầu cầu TP. Hồ Chí Minh, ĐBQH Tô Thị Bích Châu - Chủ tịch ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam TP. Hồ Chí Minh cho rằng trong các báo cáo chưa đề cập đến việc làm sao thúc đẩy sự mạnh dạn, cũng như để mỗi bộ, ngành, địa phương, mỗi đơn vị, nhất là đơn vị tham mưu ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc tham mưu cho Chính phủ thực hiện vai trò chỉ đạo, hướng dẫn.
Tránh trường hợp khó thì về địa phương, còn dễ và đúng quy định thì trung ương làm. Như vừa qua, các địa phương cần xin ý kiến về các quy định khi “nước sôi lửa bỏng” phòng chống dịch lại gặp nhiều khó khăn.
“Chúng ta đang thực hiện những cơ chế để bảo vệ cho sự đột phá, nói như Thủ tướng chống dịch như chống giặc, nhưng thật sự không phải cơ quan, đơn vị nào cũng ý thức được điều đó”, bà Châu nói.
Bà lấy ví dụ về một lô hàng với 22.000 lon sữa do đồng bào ở Úc ủng hộ cho trẻ em khó khăn trong đại dịch COVID-19 tại TP. Hồ Chí Minh về nước đã một tháng nhưng không lấy ra được.
Thời điểm đó MTTQ TP. Hồ Chí Minh xin ý kiến Cục An toàn thực phẩm (Cục ATTP), Cục Thú y nhưng chỉ có Cục Thú y trong 2 ngày đã trả lời đồng ý, còn Cục An toàn thực phẩm đề nghị MTTQ Thành phố hỏi Chính phủ.
Bà Châu đặt câu hỏi: “Khi chúng tôi gửi công văn, Chính phủ lại phải giao cho Cục ATTP trả lời, vậy tại sao Cục không tham mưu luôn một văn bản nêu chính kiến của Cục và tham mưu cho Chính phủ một văn bản trả lời?”.
Theo bà, cách làm của Cục ATTP đúng quy định nhưng không đúng với tinh thần “chống dịch như chống giặc” và cuối năm đơn vị này vẫn sẽ được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vì đã làm tròn chức trách.
“Còn ở TP. Hồ Chí Minh, hàng cứu trợ về gần 1 tháng chưa lấy ra được. Lỗi do ai?”, bà đặt câu hỏi.
Sau ý kiến của bà Châu, hàng loạt các đơn vị liên quan đã lên tiếng phản hồi, trong đó, thông tin với báo chí vào ngày 10/11, ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục ATTP, khẳng định, Cục này đã trả lời đúng thẩm quyền và cho biết: Quy định hiện nay đã rõ ràng, Cục không thể làm khác.
Thông tin với báo chí, Luật sư Nguyễn Trọng Hiệp – Giám đốc Công ty Luật HPVN đồng tình với cách đặt vấn đề của Cục ATTP và thật sự chia sẻ với đơn vị này trước những yêu cầu cần phải tuân thủ bởi theo quy định hiện tại, hàng hóa tài trợ được nhập khẩu như vụ việc này không thuộc trường hợp được miễn kiểm tra.
Theo Luật sư Hiệp, Cục ATTP làm đúng chức trách, nhưng lại làm chậm quá trình xử lý sự việc, với kinh nghiệm quản lý của mình, các đơn vị chức năng hoàn toàn biết rằng ngay cả phương án kiểm tra lô hàng được triển khai thì cũng chỉ mất khoảng 10 ngày tùy phương thức kiểm tra mà Điều 19 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP đã quy định về hướng dẫn thi hành một số Điều của Luật ATTP.
“Việc tiếp tục hướng đến quy trình miễn kiểm tra mà kéo dài hơn khoảng thời gian cần để kiểm tra liệu có phải là một lựa chọn tối ưu? Nếu các đơn vị thực sự cùng hướng đến mong muốn chung là đưa hàng hóa hỗ trợ về với các em nhỏ thì tôi nghĩ sẽ có những hướng giải quyết khác rút ngắn được thời gian những vẫn bảo đảm đúng quy trình” – Luật sư Hiệp nêu quan điểm.
Thực tế, Cục ATTP đã không làm sai vì quy định đã rõ, thế nhưng, không sai mà vì quy trình khiến lô hàng cứu trợ trong hoàn cảnh “nước sôi lửa bỏng”, phải chờ cả tháng thì cái không sai ấy để làm gì? Không sai nhưng trong hoàn cảnh “chống dịch như chống giặc” vẫn phải “đúng quy trình”, liệu có đúng? Nhất là khi chúng ta đang thực hiện cải cách TTHC trên tinh thần Nghị quyết số 76/NQ-CP của Chính phủ.
Thực tế, chúng ta cũng đã có không ít bài học nhãn tiền về cái gọi “đúng quy trình” đã hiện hữu như vụ việc lô hàng viện trợ thuốc đặc trị ung thư Tasigna cho viện Truyền máu Huyết học TP. Hồ Chí Minh, vì “đúng quy trình” lô hàng này đã mất 01 năm để làm thủ tục. Trong thời gian chờ đợi thuốc nhập về, nhiều bệnh nhân ung thư đã tử vong vì thiếu thuốc, và khi thuốc về đến nơi, hạn sử dụng chỉ còn… 10 tháng, buộc phải tiêu hủy gần 20.000 viên thuốc có giá trị lớn lên đến gần 14 tỷ đồng.
Vậy xung quanh những vụ việc đã nêu, thì lỗi thuộc về ai? Tại sao từ những bài học nhãn tiền đã có, đến nay, “sợi dây kinh nghiệm” vẫn chưa được rút? Trong khi báo cáo tổng kết thường niên, các đơn vị đều chí ít cũng “hoàn thành nhiệm vụ”?
Có lẽ, cái lỗi ở đây thuộc về “đúng quy trình” bởi vì chỉ cần “đúng quy trình” thì những người có trách nhiệm làm sao bị xử lý trách nhiệm, chưa kể “đúng quy trình” biết đâu lại có “hoa hồng” để hái thì lãnh đạo ngại gì mà không “đúng quy trình”, dư luận quan ngại, vụ việc 22.000 lon sữa ủng hộ bị “mắc kẹt” sẽ tiếp tục trở thành một bài học nhãn tiền, còn cải cách TTHC vẫn còn xa khi tư duy sợ trách nhiệm của người thi hành công vụ vẫn hiện hữu và điệp khúc “đúng quy trình” chưa được sửa.
Có thể bạn quan tâm
Cải cách thủ tục hành chính: Giải pháp quan trọng tái phục hồi doanh nghiệp
10:29, 28/10/2021
GIẢM CHI PHÍ ĐỂ DOANH NGHIỆP PHỤC HỒI: Cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính
16:02, 27/10/2021
Cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp
03:00, 04/10/2021
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để “gỡ khó” cho doanh nghiệp
11:50, 11/09/2021
Cải cách thủ tục hành chính về đất đai còn một số quy định chưa phù hợp
03:40, 02/09/2021