Xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng tái tạo

THÙY LINH thực hiện 16/06/2021 11:15

Chia sẻ với DĐDN, ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, Ninh Thuận đã và đang hiện thực hóa chủ trương phát triển Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước.

- Được biết, Ninh Thuận có điều kiện khí hậu thuận lợi để phát triển năng lượng tái tạo. Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về lợi thế này của Ninh Thuận?

Ninh Thuận là tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, cửa ngõ nối vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ với các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, có điều kiện khí hậu đặc thù nhiều nắng, gió, rất thuận lợi để phát triển mạnh năng lượng tái tạo.

Theo Quy hoạch Phát triển điện gió tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt, Ninh Thuận có tới 5 khu vực được quy hoạch, với tổng công suất dự kiến 1.429 MW và có thể phát triển lên 2.000 MW nếu đầu tư công nghệ mới, hiện đại. Tỉnh đã lập, trình Bộ Công Thương thẩm định Quy hoạch Phát triển điện gió ven biển tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 để tích hợp vào Quy hoạch Điện VIII với tổng quy mô công suất 4.380 MW trên 3 vùng. Tỉnh Ninh Thuận cũng đã lập, trình Bộ Công Thương thẩm định, phê duyệt Quy hoạch Phát triển điện Mặt Trời tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2030, với tổng công suất 8.181 MW.

- Các dự án năng lượng tái tạo đã và đang đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế- xã hội Ninh Thuận, thưa ông?

Với tiềm năng phát triển cảng nước sâu, để phát triển trung tâm điện khí LNG với quy mô công suất 6.000 MW, năm 2020 Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý bổ sung trung tâm điện lực LNG Cà Ná giai đoạn 1, với công suất 1.500 MW vào quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Việc triển khai các dự án năng lượng, nhất là điện khí LNG, điện gió biển trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới có ý nghĩa rất quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo hướng bền vững, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, giải quyết việc làm, tăng thu ngân sách…

Tính đến cuối năm 2020, Ninh Thuận có 42 dự án năng lượng đã hòa lưới điện (3 dự án điện gió, 32 dự án mặt trời, 7 dự án thủy điện), với sản lượng khoảng 4.000 triệu kWh/2.727,6 MW. Các nguồn năng lượng này tạo ra giá trị gia tăng hơn 2.766 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 13,7% trong GRDP của tỉnh và đóng góp cho tăng trưởng chung 9,04% trong tổng số 12,17% GRDP của tỉnh. Các dự án đã giải quyết việc làm mới cho trên 17.380 lao động.

Cánh đồng điện gió Mũi Dinh (Thuận Nam)

Cánh đồng điện gió Mũi Dinh (Thuận Nam)

- Ninh Thuận đang hướng đến là một trong những trung tâm năng lượng tái tạo, năng lượng sạch. Vậy Ninh Thuận có kiến nghị gì để thực hiện mục tiêu này, thưa ông?

Nghị quyết 115/NQ-CP ngày 31/8/2018 của Chính phủ có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh trên nhiều mặt, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành cụ thể hóa và triển khai thực hiện chương trình nghiêm túc. Đặc biệt, Ninh Thuận đã ban hành Chương trình hành động số 232-Ctr/TU về thực hiện Nghị quyết số 115/NQ-CP với quyết tâm xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước.

Hiện nay, Ninh Thuận đang hoàn tất Đề án xây dựng Ninh Thuận trở thành Trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước, với quy hoạch phát triển năng lượng trên địa bàn đến năm 2030 đạt khoảng 21.450 MW. Trên cơ sở tiềm năng, lợi thế về phát triển năng lượng của tỉnh, Ninh Thuận đã đề nghị Chính phủ, Bộ Công Thương và các bộ, ngành nghiên cứu bổ sung vùng tiềm năng năng lượng tái tạo của Ninh Thuận vào Quy hoạch điện VIII; cũng như có cơ chế, chính sách kịp thời cho phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch...

Ninh Thuận cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam có kế hoạch bố trí nguồn lực để đầu tư các công trình lưới điện truyền tải theo quy hoạch nhằm giải tỏa toàn bộ công suất các nguồn điện. Cùng với đó, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án Nhà máy điện khí LNG Cà Ná giai đoạn 1, công suất 1.500 MW và đường dây 500kV, 220kV đấu nối vận hành năm 2025-2026; tiếp tục đầu tư các nhà máy điện khí giai đoạn 2, 3, 4, công suất 4.500 MW và đường dây đấu nối vận hành để đến năm 2030 nâng tổng quy mô công suất Trung tâm Điện lực LNG Cà Ná đạt công suất 6.000 MW…

- Thưa ông, trong bối cảnh khó khăn do ảnh hưởng của COVID-19, Ninh Thuận đã đưa ra những giải pháp nào nhằm tạo bước đột phá trong năm 2021 và cả giai đoạn 2021-2025?

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đặt ra mục tiêu, đến năm 2025, Ninh Thuận là tỉnh phát triển khá của khu vực và cả nước, là một trong những trung tâm năng lượng tái tạo, năng lượng sạch.

Trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch COVID-19, năm 2020, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) đạt 12,17%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 25.760 tỷ đồng, vượt 9,6% kế hoạch và tăng 1,14 lần so với cùng kỳ… Để tiếp tục tạo động lực, bước đột phá mới trong năm 2021 và cả giai đoạn 2021-2025, Ninh Thuận sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh... bảo đảm đạt mục tiêu kế hoạch đề ra. Đặc biệt, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI…

Ninh Thuận cũng đẩy mạnh liên kết vùng, tận dụng tối đa các nguồn lực của cơ chế đặc thù hỗ trợ tỉnh theo Nghị quyết số 115; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư thực hiện mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững.

- Trân trọng cảm ơn ông.

Có thể bạn quan tâm

  • Ninh Thuận: Sở Công Thương bị kiểm điểm vì không tuân thủ quy định phòng chống dịch COVID-19

    Ninh Thuận: Sở Công Thương bị kiểm điểm vì không tuân thủ quy định phòng chống dịch COVID-19

    19:09, 26/05/2021

  • Làm ra điện không bán được: Nông dân Ninh Thuận tiếp tục “kêu cứu”

    Làm ra điện không bán được: Nông dân Ninh Thuận tiếp tục “kêu cứu”

    12:01, 29/10/2020

  • Nhà đầu tư năng lượng tái tạo ở Ninh Thuận có thể thiệt hại 480 tỷ đồng

    Nhà đầu tư năng lượng tái tạo ở Ninh Thuận có thể thiệt hại 480 tỷ đồng

    12:48, 31/10/2019

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng tái tạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO